Thế nhưng ra đến sân bay, họ mới ngỡ ngàng vì không hề có chuyến bay nào như công ty hứa hẹn, toàn bộ số visa đều được... làm giả.
Kỳ 1: XUÂT CẢNH BẰNG VISA... "PHOTOSHOP"
Ngày 7-1-2019, chị Nguyễn Hoàng Nữ (SN 1981, ngụ H.Củ Chi, TPHCM) cùng hàng chục nạn nhân đến Báo Công an TPHCM trình báo việc bị nhóm đối tượng lừa đảo đi xuất khẩu lao động, chiếm đoạt hàng tỷ đồng.
“Mọi người yên tâm, có chuyên cơ riêng chở đi Hàn Quốc”
Theo đơn tố cáo của chị Nữ, chị và bà Nguyễn Thị Hường (SN 1982; Giám đốc Công ty Jiwoo Tour, địa chỉ tại số 79Bis Phan Kế Bính, P.Đa Kao, Q1) đều làm việc, sinh sống tại Hàn Quốc và quen biết nhau.
Năm 2018, Hường cho biết, công ty của mình đang có tiêu chuẩn tuyển dụng khoảng 300 người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Hàn Quốc theo dạng visa E7 (có tay nghề cao, còn gọi là visa chuyên ngành hay visa kỹ sư), với tổng chi phí cho một hồ sơ từ 13.000 - 15.000 USD (tùy từng tỉnh, thành). Tiền đặt cọc là 2.500 USD/hồ sơ, phần còn lại khi nào có visa sẽ nộp hết. Thời gian làm việc ở Hàn Quốc là 5 năm 4 tháng.
Một số nạn nhân trình bày vụ việc với phóng viên tại Tòa soạn Báo Công an TP.HCM
Tin tưởng chỗ quen biết, chị Nữ kêu gọi người thân, bà con lối xóm cũng như lên mạng tìm người có nhu cầu XKLĐ để hưởng hoa hồng. Từ đầu đến giữa năm 2018, chị nhận khoảng 108 bộ hồ sơ của người lao động ở nhiều tỉnh, thành rồi nộp cho Hường. Tiền đặt cọc được chị Nữ chuyển cho Hường và em trai Hường là Nguyễn Ngọc Tân, khoảng hơn 5 tỷ đồng.
Chị Nữ tường trình, sau khi nộp đầy đủ hồ sơ và tiền cọc, trung tuần tháng 11-2018, Hường báo đã có visa, hẹn ngày 20-11-2018, cả đoàn ra sân bay sẽ có nhân viên công ty phát đồng phục và ký hợp đồng lao động rồi thu nốt số tiền còn lại. Khấp khởi vui mừng, mọi người lo sắm sửa đồ dùng cá nhân, mở tiệc liên hoan chia tay gia đình, tập trung vào TPHCM để xuất cảnh.
Nào ngờ sau đó họ lại báo hoãn chuyến bay đến ngày 10-12. Đến hẹn, chúng tôi ra sân bay, bên Jiwoo Tour thông báo hoãn chuyến bay đến 4 giờ sáng hôm sau. Nhiều người trong đoàn nôn nóng, nhờ người quen ở sân bay kiểm tra thì mới biết không có chuyến bay nào đi Hàn Quốc xuất phát lúc 4 giờ.
Nghi ngờ có điều khuất tất, chị Nữ gọi điện hỏi, Hường bảo cả đoàn sẽ được bay chuyến chuyên cơ riêng (!). Nhưng cuối cùng thì không có chuyến bay nào. Phía công ty bất ngờ thông báo bà “lãnh sự” bị bắt khiến cả đoàn choáng váng.
“Lúc này, mọi người mới chết lặng khi biết toàn bộ hình chụp visa họ gửi qua điện thoại cho chúng tôi đều là giả. Họ còn định tập trung người lao động tại sân bay nhằm thu hết số tiền còn lại của các nạn nhân. Do chúng tôi nghi ngờ nên không nộp, nếu không thì số tiền thiệt hại lên đến vài chục tỷ đồng” - chị Nữ nghẹn ngào.
Nhiều người mang hành lý ra sân bay chuẩn bị đi xuất khẩu lao động, tại đây họ choáng váng khi biết mình bị lừa
Qua tìm hiểu, thực tế không có người lao động nào được trực tiếp cầm visa, toàn bộ hình chụp visa đều được phía công ty gửi qua điện thoại. Chỉ đến khi nhiều lần bị thông báo hủy chuyến bay, mọi người tìm hiểu thì mới biết, toàn bộ các hình chụp visa trên đều được các đối tượng làm giả bằng phần mềm photoshop.
Được biết, lao động theo dạng visa E7 tại Hàn Quốc, hồ sơ và thủ tục rất khắt khe, rất ít lao động đáp ứng được. Thế nhưng hồ sơ nộp theo yêu cầu của các đối tượng trong đường dây XKLĐ này lại cực kỳ đơn giản, không cần giấy khám sức khỏe, không cần bằng cấp để chứng minh tay nghề bậc cao... Do đó, không ít nạn nhân đã sập bẫy. Đặc biệt, khi nhận hình chụp visa gửi qua điện thoại, chị Nữ phát hiện một trường hợp sai tên nên thông báo cho công ty biết. Chỉ ít phút sau, phía Jiwoo Tour đã gửi lại một hình chụp visa được chỉnh sửa đúng họ tên (?!).
Một trong số những visa phía công ty chuyển cho người lao động qua mail hoặc mạng hội, được xác định là giả
Nạn nhân bị lừa không dám về nhà
Sau khi tiếp nhận thông tin từ chị Nữ, phóng viên Báo Công an TPHCM đã đến nơi những người lao động đang phải “ăn chực nằm chờ”, ghi nhận nhiều cảnh tượng thương tâm và sự thật bẽ bàng.
Mặc dù đã hơn 60 tuổi, nhưng cô Lương Thị Huệ (mẹ của nạn nhân Ngô Thị Kim Anh, ngụ H.Củ Chi) thất thểu đòi đi tìm công lý cho người thân: “Nghe nói XKLĐ lương rất cao nên tôi đăng ký cho con gái. Vợ chồng tôi già, không có thu nhập, phải thế chấp nhà cho ngân hàng và vay nóng ngoài xã hội để gom tiền lo cho con. Lúc thông báo có visa, con tôi vội xin nghỉ việc công ty đang làm. Giờ không xuất cảnh được, con tôi mất việc, phải đi làm mướn vất vả kiếm 100 ngàn/ngày để lo cho cha mẹ già và trả lãi vay nóng 6 triệu mỗi tháng. Những kẻ lừa đảo đã đẩy gia đình tôi đến cảnh bi đát”.
Khuôn mặt bơ phờ vì nhiều ngày mất ngủ, chị Nguyễn Thị B. nghẹn ngào cho biết: Chỉ vì miếng cơm manh áo nên chị quyết định bỏ xứ, tìm cơ hội làm việc ở nước ngoài để lo cho gia đình, nào ngờ bị những kẻ bất lương lừa đảo. Chị lỡ vay mượn tiền bạc để đóng cho công ty. Cả gia đình gửi gắm hy vọng vào chị. Giờ không đi XKLĐ được, cuộc sống cả gia đình chị lao đao, khốn cùng. Chị phải vạ vật nơi đất khách quê người để tránh bị đòi nợ.
Đồng cảnh ngộ, anh T. (chủ một salon tóc ở Thanh Hóa) đang có thu nhập ổn định, nghe nói được đi XKLĐ diện visa E7, anh muốn được xuất ngoại để làm ăn và đón gia đình sang định cư. Nào ngờ mọi việc đổ bể, từ chỗ làm chủ, giờ anh T. phải đi làm mướn sống qua ngày.
Đáng thương hơn, nhiều trường hợp không dám về nhà nói sự thật cho gia đình biết, vẫn trụ lại TPHCM, tìm kiếm việc làm bấp bênh để sống qua ngày. Có người chạy xe ôm, có người phục vụ quán ăn, giúp việc nhà... Một nữ lao động sợ gia đình biết sự thật, mỗi lần gọi điện bằng “video call” về cho chồng, con, chị phải trùm mền hoặc mặc những bộ áo lạnh dày cộm để gia đình tin mình đang ở Hàn Quốc.
Giang hồ ráo riết đòi nợ
Trong các nạn nhân trên, có một số trường hợp đã vay nóng với mức lãi suất “cắt cổ”, thậm chí nhiều người phải cầm cố, bán nhà cửa, đất đai, tài sản để xoay sở đủ 300 triệu đồng nộp cho công ty. Chị A. là mẹ đơn thân, giờ mất việc làm, phải nuôi con nhỏ. Giờ bị giang hồ truy đòi tiền lãi khoảng 7 triệu đồng/tuần, đe dọa đến tính mạng, nên chị phải trốn chui trốn nhủi.
Anh Hồ Nhật Duy phẫn nộ: “Tôi đang kinh doanh một cửa hàng nhôm kính ở Tây Ninh. Nghe nói sang Hàn Quốc sẽ được ký hợp đồng làm việc với những tập đoàn lớn, như: Samsung, LG, Hyundai... với mức lương 40 - 50 triệu đồng/tháng, tôi vội vàng đăng ký và nộp tiền cọc. Nhẩm tính với mức vốn ban đầu bỏ ra, sau khi sang làm việc khoảng một năm, tôi sẽ gỡ lại vốn, sau đó tích lũy được một khoản tiền kha khá để lo cho gia đình. Do đó, tôi bán hết cửa hàng, giờ thì trắng tay, không biết phải xoay sở làm sao”.
Sau khi vụ lừa đảo XKLĐ bị đổ bể, các nạn nhân bức xúc kéo đến nhà, chửi bới, gây áp lực buộc chị Nữ phải trả lại tiền. Chị Nữ nức nở: “Tôi và gia đình phải quỳ lạy, van xin, mong được thông cảm. Trong khi đó, hạn chót phải thanh toán cho họ là ngày 15-1-2019.
Lúc đầu, mỗi ngày Hường trả được vài trăm triệu (tổng cộng được 1,4 tỷ đồng - PV), nhưng gần tuần nay, họ không trả thêm đồng nào. Hiện tôi đã rao bán nhà cửa, đất đai... để gom tiền trả cho các bị hại, nhưng mọi việc không thể thu xếp xong trong một sớm một chiều. Mấy ngày nay, tôi hoang mang, lo sợ khi các nạn nhân liên tục gọi điện đòi tiền”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ dụ dỗ những người nhẹ dạ cả tin đi XKLĐ ở Hàn Quốc, các đối tượng trong đường dây này còn mồi chài, hứa hẹn tuyển người đi lao động tại nước Anh trong thời hạn 7 năm 10 tháng, với mức lương lên tới 2.300 bảng Anh, chi phí lo hồ sơ, thủ tục là 12.000 USD.
Để tạo niềm tin cho các nạn nhân, chúng còn “vẽ” ra viễn cảnh tươi đẹp rằng sau khi đến nước Anh làm việc, một năm sau sẽ được bảo lãnh cả gia đình sang định cư (!). Không chỉ có chị Nữ, Jiwoo Tour còn thuê nhiều người đứng ra tuyển dụng lao động, nhận hồ sơ XKLĐ để được hưởng tiền hoa hồng.
(Còn tiếp)