Những làng nghề phục vụ Tết ở miền Tây (kỳ 3):

Làng mộc ở Chợ Mới

Thứ Sáu, 04/01/2019 21:23  | Nguyễn Nhân

|

(CAO) Những ngày này, đến làng mộc Chợ Mới gồm xã Long Điền A, Long Điền B, TT.Mỹ Luông (huyện Chợ Mới, An Giang) sẽ thấy cảnh sản xuất hết sức tất bật. 

Cơ sở nào cũng hoạt động hết công suất để kịp cho ra những sản phẩm có độ bền cao, tinh xảo phục vụ thị trường cuối năm. Do vây, từ những người thợ lành nghề, lớn tuổi, trẻ em cho đến phụ nữ đều được thuê mướn để gia công các mặt hàng gỗ.

Thổi hồn những khúc gỗ xù xì

Chạy dọc theo tỉnh lộ 941 từ thị trấn Mỹ Luông dài đến Long Điền B cả chục cây số sẽ rền vang tiếng đục, tiếng cưa và mùi thơm của gỗ, nước sơn. Hai bên đường ván gỗ được phơi thẳng tấp, rồi nhiều sản phẩm tủ, bàn ghế trưng bày bắt mắt thu hút mọi ánh nhìn của người khách đi đường.

Ván gỗ được phơi thẳng tấp.

Theo nhiều vị cao niên, nghề mộc ở địa phương có từ hàng trăm năm nay. Các sản phẩm tại cơ sở sản xuất rất đa dạng và phong phú với nhiều mẫu mã, chủng loại theo yêu cầu, thị hiếu của khách hàng. Giá của từng loại sản phẩm từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, tùy vào chất liệu gỗ cũng như độ tinh xảo, kích thước.

Để cho ra đời một sản phẩm phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp, như: xẻ gỗ, cắt theo quy cách, bào láng, vẽ, chạm, lắp ráp, sơn, gắn khóa. Từ việc lựa chọn gỗ, sơ chế, đục thô đến các công đoạn tạo hình, chạm khắc tinh xảo đều cần đến sự dày công làm việc với tinh thần tập trung cao nhất của những người thợ lành nghề.

Những khúc gỗ sù sì được tạo hình thành đồ vật tinh xảo.

Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề, anh Lưu Văn Phúc (42 tuổi, ấp Long Thuận 1, xã Long Điền A) cho biết: “Thông thường mất khoảng vài ngày đối với những sản phẩm có mẫu sẵn như tủ, bàn, giường, nhưng có khi phải bỏ ra vài tháng khi gặp đồ điêu khắc có kích thước lớn và độ khó cao.

Việc chạm khắc từng chi tiết cho tác phẩm được xem là công đoạn khó khăn nhất và tốn nhiều thời gian nhất. Công việc này đòi hỏi người thợ phải có tính kiên trì, sáng tạo, khéo léo và tỉ mỉ đến từng chi tiết”. Đến nay, gia đình anh Phúc có 3 đời gắn bó với nghề mộc. Mỗi ngày, tại cơ sở thuê 10 công nhân làm việc.

Tùy vào yêu cầu của khách hàng cũng như sự sáng tạo của những người thợ mà cho ra các sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao như: tủ thờ, tủ quần áo, bàn ghế, kệ, giường hộp cho đến các loại ban công, cầu thang lầu, câu đối, phù điêu, tranh gỗ.

Ngoài ra, sản phẩm mộc ở Chợ Mới do có chất lượng gỗ tốt, độ bền cao, đẹp theo thời gian nên tạo được uy tín đối với khách hàng.

Tiêu Vĩnh Khang bỏ học đại học để đi làm chạm khắc gỗ nhằm thỏa thích đam mê.

Thổi hồn cho những khúc gỗ không chỉ những người trung niên mà còn có sự tham gia của các em vừa mới tốt nghiệp phổ thông. Thi đậu đại học ngành Sư phạm tiểu học nhưng quyết định theo nghề chạm khắc gỗ vì đam mê.

Tiêu Vĩnh Khang (22 tuổi, ngụ TT.Mỹ Luông) cho hay: “Công việc của em là điêu khắc gỗ với thời gian 8 tiếng/ngày và được trả công 160 ngàn đồng. Chạm khắc nhẹ nhàng hơn so với thợ mộc vì ít bụi, không nhức tay, bởi mỗi ngày chỉ cầm cây đục và dùi đục. Các sản phẩm chạm thường là lá cây, rồng, phục, linh vật… Học còn sợ ra trường thất nghiệp chứ nghề mộc là có việc làm ngay”.

Ngoài những thanh niên, còn có nhiều chị em phụ nữ tham gia với việc chà nhám, sơn PU. Từ bàn tay các thợ thủ công, ngay cả những khúc gỗ nhỏ cong queo, sần sùi, đôi khi chỉ cành cây cũng biến ra những sản phẩm tuyệt đẹp.

Người thợ kẻ hoa văn trước khi chạm khắc.

Đưa sản phẩm của nghề vươn xa

Từ những khúc gỗ xù xì, qua bàn tay người thợ hình thành biết bao tác phẩm mới với những nét hoa văn, nhiều dáng vẻ bất ngờ đến ngạc nhiên, đẹp mắt và được nhiều khách hàng ưa chuộng. Những dịp lễ, Tết các mặt hàng làm từ gỗ tỏa đi khắp nơi trong nước.

Anh Đinh Thanh Hòa (chủ cơ sở mộc ở xã Long Điền A) cho biết: “Thị trường Tết chuộng nhất là các sản phẩm trưng bày trong nhà như tủ ly, tủ thờ, kệ, giường hộp. Sản phẩm mộc ngày nay bán khỏe, không phải bán dạo như xưa. Mở điểm trưng bày, khách hàng trong, ngoài tỉnh tới xem, ưng ý họ mua ngay”.

Tương tự, ông Đinh Văn Hồng chia sẻ: “Sản phẩm trang trí nội thất của các cơ sở đều do nghệ nhân vẽ, chạm khắc nhập tâm, thật khéo léo, tỉ mỉ trong từng nhát búa, động tác đục, đẽo, gọt. Nhờ đó, sản phẩm ở đây ngày càng khẳng định thương hiệu, nổi tiếng khắp vùng”.

Làm mộc ở Chợ Mới có khoảng 2.000 hộ tham gia sản xuất.

Theo nhiều chủ cơ sở, các sản phẩm được sản xuất và bán quanh năm nhưng hút hàng nhất là vào dịp cận Tết Nguyên đán, bởi nhiều gia đình muốn mua sắm nội thất để đón năm mới thật sung túc.

Anh Nguyễn Danh Hiệp cho biết: “Để phục vụ thị trường Tết, cơ sở của tôi đã phải chuẩn bị nguyên liệu từ tháng 7 âm lịch. Hiện tại, cơ sở phải hoạt động hết công suất, thậm chí tăng ca vào ban đêm để kịp giao hàng cho khách. Dù làm việc khẩn trương để kịp giao nhưng không vì thế mà chúng tôi xem nhẹ chất lượng, mẫu mã, bởi không chỉ đảm bảo uy tín cho cơ sở mà còn góp phần quảng bá, nâng cao thương hiệu cho làng nghề”.

Sản phẩm đóng xong được chở đi sơn PU.

Được biết, làng mộc ở Chợ Mới có khoảng 2.000 hộ tham gia, với trên 200 cơ sở, giải việc việc làm cho hơn 3.500 lao động. Người dân có việc làm quanh năm và thu nhập từ 5 – 8 triệu đồng/người/tháng.

Sản phẩm nơi đây ngoài số khách hàng trực tiếp đến tận mua còn được vận chuyển về bán khắp các tỉnh, thành Cần Thơ, Cà Mau, Bạc Liêu, TPHCM, Bình Dương… cả đường bộ lẫn đường sông.

Có thể nói làng nghề mộc ở Chợ Mới đóng vai trò tích cực trong việc phát triển ngành tiểu thủ công nghiệp, góp phần tạo việc làm, giữ gìn và phát huy làng nghề truyền thống ở địa phương.

Bình luận (0)

Lên đầu trang