Phá đường dây làm bằng cấp giả quy mô lớn ở Sài Gòn

Thứ Sáu, 21/12/2018 18:46

|

(CAO) Ngày 21-12, Đội cảnh sát hình sự Công an quận 9, TPHCM cho biết, đang thụ lý hồ sơ, điều tra làm rõ vụ án “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” vừa được phát hiện vào ngày 20-12, bước đầu tạm giữ 3 đối tượng.

Qua công tác quản lý địa bàn, Công an quận 9 phối hợp Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an nắm được thông tin Hồ Ngọc Dương (SN 1995, HKTT: xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi; tạm trú khu nhà trọ số 50A đường số 10, KP.5, phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9) cùng đồng bọn có dấu hiệu làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức nên tiếp cận để nắm thông tin.

Qua đó nắm được thông tin vào ngày 20-12, Dương sẽ giao giấy tờ giả cho khách hàng tại quận 9. Lập tức nhóm trinh sát đeo bám, đến 11 giờ 45 ngày 20-12, Dương có mặt tại khu vực trước cổng siêu thị Co.opmart xa lộ Hà Nội, gần ngã tư Quang Trung, phường Hiệp Phú để gặp khách, tổ công tác phối hợp tiến hành kiểm tra, phát hiện trong người Dương có nhiều tài liệu nghi làm giả mang giao cho khách.

Các đối tượng trong đường dây làm bằng cấp giả

Qua khai thác nhanh, Dương khai đã nhận 2 bộ bằng cấp giả từ 1 người tên Cảnh để đi giao cho khách và nhận tiền về. Cảnh thuê phòng trọ ở cạnh phòng trọ của Dương cùng địa chỉ. Tiến hành kiểm tra nơi ở, CQĐT mời 2 đối tượng liên quan lên làm việc là Hồ Tấn Cảnh (SN 1994, HKTT: thôn Liên Quang, xã Bình Tân, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) và Lê Anh Trai (SN 1997, HKTT: thôn Ea Ngai, xã Đliêya, huyện Krông Năng, Đăk Lăk).

Đối tượng trong đường dây làm bằng cấp giả

Tại Công an quận 9 các đối tượng đã thừa nhận hành vi làm giả con dấu, tài liệu của các cơ quan, tổ chức với mục đích đem bán cho khách lấy tiền.

Cụ thể, vào tháng 4-2018, thông qua các mạng xã hội, Cảnh kết bạn với một đối tượng tên L. ở Đà Nẵng (chưa rõ lai lịch). Cảnh biết được đối tượng này chuyên làm các loại bằng cấp giấy tờ giả nên đã bàn tính với nhau bằng hình thức, Cảnh sẽ lên mạng xã hội đăng tin tìm kiếm khách hàng có nhu cầu làm bằng cấp, giấy tờ giả.

Sau khi có khách đặt hàng, Cảnh lấy thông tin của khách gửi qua cho đối tượng L. thông qua mạng Zalo. Khi L. nhận được thông tin, sẽ tiến hành làm các phôi bằng cấp, giấy tờ giả in sẵn thông tin của khách rồi gửi cho Cảnh bằng xe khách từ Đà Nẵng vào ngã tư Thủ Đức.

Khi nhận được phôi in sẵn, Cảnh sẽ căn cứ vào tên cơ sở cấp giấy để giả chữ ký của những người đứng đầu cơ sở này rồi đóng dấu mộc và tên lên giấy tờ. Xong Cảnh mang giao cho khách lấy tiền rồi chuyển cho L. một phần theo thỏa thuận trước (từ 1 đến 1,5 triệu đồng/loại giấy).

Hồ sơ thu giữ của các đối tượng

Cách thức giả chữ ký và làm con dấu, Cảnh lên mạng Internet tìm các mẫu chữ ký và con dấu của các cơ sở là các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và các cơ quan, tổ chức Nhà nước… trên toàn quốc rồi sau đó tập ký cho giống, đến các tiệm chuyên làm các con dấu, bảng hiệu tìm mua các công cụ chuyên dụng cần thiết đem về phòng trọ tự khắc con dấu và tên của các cơ quan cơ sở này để đóng vào các bằng cấp theo yêu cầu của khách.

Về hình thức chuyển hàng cho khách, Cảnh thông qua văn phòng công ty vận chuyển “Kerry Express” tại bưu cục quận 9 với hình thức giao hàng và thu tiền hộ.

Theo lời Cảnh khai, các loại giấy tờ, khi giao dịch với khách hàng Cảnh đưa ra giá tiền của từng loại chứng chỉ, bằng cấp: Cụ thể, với chứng chỉ là 1,5 triệu đồng, bằng tốt nghiệp cấp 3 là 2,5 triệu đồng, bằng trung cấp và cao đẳng là 3,5 triệu đồng, bằng đại học 4,5 triệu đồng và nhiều loại giấy tờ khác.

Tang vật vụ án

Hai đối tượng chuyên giao hàng cho Cảnh là Lê Anh Trai và Hồ Ngọc Dương, các đối tượng khai nhận, và tháng 6-2018, Cảnh quen biết với Trai và đề nghị Trai phụ giúp trong việc đi giao giấy tờ giả cho khách ở khu vực TPHCM và các tỉnh lân cận.

Đến tháng 8-2018, Cảnh nhờ thêm Dương cũng với nhiệm vụ đi giao giấy tờ giả cho khách tại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và một số tỉnh khác. Chi phí Cảnh trả cho Trai và Dương từ 200 đến 500 đồng/1 loại giấy tờ tùy theo giá trị giấy tờ tính với khách và khoảng cách giao hàng.

Ngoài việc đi giao hàng cho khách, hai đối tượng trên còn giúp Cảnh nhận tiền công. Kết quả điều tra ban đầu xác định Trai và Dương còn tự lên mạng xã hội Facebook và Zalo dùng các tài khoản để đăng tin quảng cáo tìm kiếm khách.

Khi tìm được khách có nhu cầu thì 2 người này đưa thông tin cho Cảnh, Cảnh đặt L. làm giấy tờ giả chuyển vào, Cảnh ký tên và đóng dấu. Đối với những khách hàng riêng của Trai, Dương thì Cảnh chỉ lấy tiền công đủ trả cho L., còn nói giá bao nhiêu với khách thì Trai và Dương tự ý thỏa thuận để hưởng chênh lệch.

Nhiều con dấu của các trường đại học bị làm giả

Theo khai nhận của các đối tượng, từ khi làm cho Cảnh đến nay, Trai đã giao được khoảng 30 đến 40 bộ hồ sơ cho khách. Còn Dương từ thời điểm làm cho Cảnh đến nay đã đi giao được khoảng 20 lần cho khách (mỗi lần từ 1 đến 2 hồ sơ).

Ngoài việc đi giao hàng cho Cảnh và tìm khách đặt hàng thì Dương khai một số lần nhận bằng bản chính hoàn chỉnh từ Cảnh giao Dương mang về phòng trực tiếp photocopy lại rồi đóng dấu mộc đỏ sao y chứng thực đưa cho Cảnh ký tên giả rồi đi giao cho khách.

Tiến hành khám xét nhà trọ của Cảnh, Dương và Trai, CQĐT thu được nhiều vật chứng liên quan đến vụ án.

Hiện CQĐT đang tiến hành xác minh nhanh tại nhiều cơ sở, cơ quan, đơn vị liên quan đến các hồ sơ bằng cấp (bản chính và bản sao y chứng thực) thu giữ được tại nơi ở các đối tượng.

Vật chứng thu giữ trong người Dương, gồm: 1 bản chính bằng tốt nghiệp đại học và 3 bản chính kết quả học tập có dấu mộc đỏ của Trường Đại học Luật TPHCM và 5 bản chứng thực sao y bản chính bằng tốt nghiệp đại học của Trường Đại học Luật TPHCM cấp cho đối tượng tên T. có dấu mộc đỏ chứng thực phòng công chứng số 5, TPHCM và chữ ký mang tên công chứng viên Trần Bảo Nam.

Một bản chính bằng tốt nghiệp đại học và 3 bản chính bảng ghi kết quả học tập có dấu mộc đỏ Trường Đại học Luật TP. HCM và 5 bản chứng thực sao y bản chính bằng tốt nghiệp đại học của Trường Đại học Luật TPHCM cấp cho người tên M. cũng đều có dấu mộc đỏ chứng thực phòng công chứng số 5, TPHCM, công chứng viên Trần Bảo Nam.

Ngoài ra cơ quan công an thu giữ 1 xe gắn máy hiệu Yamaha Sirius RC, biển kiểm soát: 76G1 - 242.66, 1 điện thoại di động hiệu Samsung Galaxy J7+. Thu giữ tại phòng trọ của Cảnh 1 màn hình máy tính hiệu TOSIBA, 1 CPU và nhiều phương tiện dùng để làm bằng cấp giả.

Tang vật vụ án.

Đặc biệt, công an đã thu giũ 22 phôi dấu tròn bằng keo silicon của hàng loạt trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc, 150 phôi dấu tên nhiều chức danh khác nhau, 5 dấu mộc trong đó có 3 dấu mộc màu đỏ, 2 dấu mộc màu xanh lá, hàng trăm văn bằng tốt nghiệp, bảng kết quả học tập, bản sao văn bằng, học bạ, bản điểm.

Thu giữ tại phòng trọ của Trai 4 bằng cử nhân giáo dục tiểu học, 2 bản ghi kết quả học tập có dấu mộc đỏ của trường Trường Đại học Sư phạm TPHCM và các loại giấy khám sức khỏe và rất nhiệu dùng cụ, bằng cấp, chứng chỉ có liên quan.

Các đối tượng khai nhận, tất cả các tài liệu, đồ vật trên đều để phục vụ cho việc làm con dấu và giấy tờ giả và thành phẩm chưa kịp giao cho khách. Cảnh và Dương khai hầu hết số tài liệu, đồ vật trên trước đó đều để trong phòng trọ của Cảnh, nhưng do tối ngày 20-12 là ngày sinh nhật Cảnh nên mới chuyển qua phòng trọ của Dương cho trống chỗ.

Quá trình khám xét, CQĐT mời vợ Cảnh là Hồ Thị Kim Cúc (SN 1992, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) lên làm việc. Cúc khai không biết việc Cảnh làm giấy tờ giả.

Nhận thấy các đối tượng Hồ Tấn Cảnh, Hồ Ngọc Dương và Lê Anh Trai đã có hành vi cấu kết cùng nhau làm ra các con dấu và bằng cấp, giấy tờ giả mạo các cơ quan, tổ chức nhằm bán lấy tiền tiêu xài, hành vi trên đã có dấu hiệu của tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự. Chiều 21-12, các đối tượng đã thừa nhận hành vi vi phạm nên Cơ quan CSĐT Công an quận 9 đã ra lệnh tạm giữ Cảnh, Dương và Trai để tiếp tục điều tra làm rõ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang