Để chuẩn bị hàng cung ứng vào dịp Tết Nguyên đán này, hàng chục cơ sở làm cà ràng (lò đất) ở ấp Phú Mỹ Hạ (xã Phú Thọ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) hoạt động hết công sức. Do đây là mùa làm ăn cũng như tiền công được trả cao hơn, nên việc sản xuất diễn ra cả ngày lẫn đêm.
Ba thế hệ gắn bó với nghề
Xóm làm lò đất ở xã Phú Thọ được hình thành cách nay khoảng hơn 70 năm. Nguyên liệu để làm lò trước đây là đất sét, trấu nhưng sản phẩm làm ra không được đẹp và bền. Chính vì vậy, người dân nơi đây đã đi tìm hiểu và biết rằng nguồn nguyên liệu đất sét ở Hòn Đất (Kiên Giang) có lẫn cát mịn, dẽo rất thích hợp mà không cần phải trộn trấu. Từ đó họ mới đặt mua đất chuyển về.
Bà Á đang vuốt mỏ cho chiếc lò đất.
Tiếp chuyện chúng tôi, cụ Lê Thị Á (70 tuổi) có trên 25 năm làm nghề cho biết, “Cái nghề này có từ thời cha tôi tới giờ. Lúc ấy, xóm này sung túc lắm, vì nghề có ăn nên gia đình nào cũng làm. Suốt ngày, tay chân ai cũng lấm lem bùn đất, ấy thế mà vui lắm!
Tuy nhiên, chục năm trở lại đây, do sự tiện lợi của bếp gas mà nghề này chựng lại thấy rõ. Đã có nhiều gia đình bỏ nghề hoặc gượng duy trì để tìm nghề khác chuyển đổi. Có lẽ vì sâu nặng với nghề mà gia đình tôi gần chục thành viên giờ vẫn còn gắn bó, nay đã 3 thế hệ”.
Công việc làm lò hết sức vất vả, người dính sình bùn.
Làm cà ràng phụ nữ suốt ngày tay chân, quần áo dính đầy bùn đất, tiếp xúc bụi tro, hít khói của lò nung; còn những người đàn ông nhận vĩ, phơi lò, cho lò vào nung. Chứng kiến giọt mồ hôi thi nhau lăn trên má những người thợ giữa trưa oi ả, chúng tôi mới cảm nhận được phần nào sự vất vả của nghề.
Khom lưng hàng giờ đồng hồ để nắn lò, chị Trần Thị Lan (46 tuổi) cho biết: “Mười lăm tuổi tôi đã theo cha học nghề và làm lò. Hiện mỗi ngày, vợ chồng làm được 60 cái lò. Lúc này, vào vụ nên phải tăng ca gấp đôi. Nghề này đứng lâu nên chân bị tê cứng, đau khớp, móng tay thúi hết, chịu khói và bụi tro.
Dù vậy có nghề trong tay cũng đỡ hơn là đi Bình Dương làm mướn cho người ta. Nghề này nói dễ chứ làm cực lắm. Riêng công đoạn tạo hình, chỉ liệt kê thôi đã đếm không xuể rồi, bởi nào là bỏ manh, vào vĩ, nắn mỏ, làm láng, phơi khô…”.
Các sản phẩm làm từ đất được đem đi phơi nắng.
Nghề làm lò đất ở đây diễn ra quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất là từ tháng 10 đến tháng tư âm lịch. Thời điểm này, thời tiết thuận lợi cho việc phơi lò, nhu cầu thị trường tăng cao. Sản phẩm chủ yếu bán cho các tỉnh miền Tây và Campuchia.
Mỗi ngày, một thợ lành nghề làm được từ 20 – 30 cái lò tùy loại. Lò từ khi bắt đầu làm đến 5 ngày sau mới bán được, còn trời mưa có khi lên đến hơn nửa tháng. Lò có 4 kích cỡ và giá dao động từ 30 – 50 ngàn đồng/cái.
Kiếm sống bằng dịch vụ xay đất
Ngoài việc có thu nhập từ làm lò đất, nhiều lao động ở đây còn kiếm sống bằng nghề xay nhuyễn đất để giao cho các cơ sở. Đang đứng xay đất giữa trời nắng mồ hôi đổ như tắm, ông Nguyễn Văn Đức (57 tuổi) hồ hởi: “Gần chục năm nay làm nghề vác đất mướn nhưng không có dư, vì thế 4 năm nay tôi đi theo mấy anh em xay đất thuê.
Công việc này có nhẹ hơn nhưng nguy hiểm lắm, bởi lơ là chút là tay bị rút vào cối, không chỉ tôi mà rất nhiều anh em khác cũng bị tình trạng đó. Nhà không đất vườn và ở đây duy nhất có nghề này nên đành bám nó mà kiếm cơm”.
Đội xay đất ở xóm cà ràng.
Cách nay 3 năm, trong lúc cho đất vào cối một cục đất to bị sượng nên ông Đức dùng nhánh cây đâm vào cho đất vỡ ra, nào ngờ cối hút luôn tay. May mắn rút tay ra kịp nhưng ngón trỏ trái đã bị dập nát, nhiễm trùng rồi phải điều trị 2 tháng tốn trên chục triệu đồng. Với nghề này, rất dễ bị sự cố khi vét đất dư, tay áo vướng vào hay lấy đất sượng.
Trời nắng chang chang, ôm cục đất hàng chục ký đưa vô cối xay, ông Nguyễn Văn Tâm (60 tuổi) nói: “Năm giờ sáng, nhóm chúng tôi đã đẩy máy đi xay đất cho bà con và đến 5 giờ chiều mới nghỉ. Máy của chủ ghe, dầu chủ lò nên mỗi ngày làm việc anh em tụi tôi có nguồn thu nhập từ 120 - 150 ngàn đồng/người.
Công việc này thấy vậy chứ cực lắm, vì tối ngày đứng ngoài nắng, đẩy xe lên xuống dốc, vác đất xay vô lò. Làm nghề này các ngón tay lúc nào cũng ê ẩm, sình xảm đầy và thúi móng”.
Lò đất sau khi nung.
Dùng hai tay không để chia khối đất lớn thành mảnh nhỏ đủ cho vào cối, anh Võ Văn Hết (36 tuổi) bảo: “Đất này mua ở Hòn Đất nên thường xuyên gặp miểng bom, chai và bị sướt vô tay chảy máu. Cực vậy chứ làm ngày nào là đủ chi tiêu ngày đó không có dư. Đất xay gần lò đỡ chứ xa là chúng tôi phải vác vào”.
Xã Phú Thọ có trên 37 hộ sản xuất, với 150 lao động. Sản phẩm làm ra chủ yếu tiêu thụ ở các tỉnh như: Vĩnh Long, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu…
Lò đất được chở đi bán khắp xứ.
Trước đây, xã Phú Thọ từng đưa ra vấn đề thành lập tổ sản xuất cà ràng để bà con được hỗ trợ theo chính sách vay vốn, mở rộng quy mô, nhưng do quy mô có giới hạn cũng như nhiều hộ chưa mặn nên đến nay chưa thực hiện được. Dù thế, trải qua bao thăng trầm hình thành và phát triển những cái lò làm bằng đất sét được sự chăm chút tỉ mỹ, công phu từ bàn tay người thợ theo thương lái đi khắp các tỉnh, thành.
(Còn tiếp...)