(CAO) Vào dịp Tết, khô sặc bổi, cá lóc, rắn, tra phồng… được tiêu thụ mạnh, trong đó khô sặc bổi bán chạy nhất so với các mặt hàng còn lại. Chính vì vậy, khoảng một tháng nay, làng khô ở xã Khánh An (huyện An Phú, An Giang) nhộn nhịp hẳn lên.
Nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm
Những ngày này đến Khánh An thấy ì xèo người và cá. Hễ mỗi độ 14 giờ chiều, xe tải chở cá sống mang về làng khô ven bờ sông Hậu.
Phụ nữ tranh nhau từng rổ cá để làm có thêm chi phí, bởi ba tháng giáp Tết là mùa bội thu của dân làm thuê nơi đây. Mỗi rổ cá gần 30 ký được thuê đánh vẩy, móc ruột và cắt đầu giá 40 ngàn đồng.
Làm công ở cơ sở khô, mỗi công nhân có thu nhập hàng trăm ngàn đồng/ngày.
Mới đây, chúng tôi ghé cơ sở chế biến khô cá sặc bổi của bà Suộl thấy rất nhiều người già, trẻ em và phụ nữ với đôi tay cần mẫn làm cá. Họ đua nhau lao động khiến bầu không khí sôi động.
Luồng gió ngoài sông Hậu thổi vào làm man mát như xuân đã cận kề. Cạnh đó, nhóm nam nhân công hì hục xúc cá vào rổ, rồi kéo đi phân phối cho nhân công. Người khác lại quét vẩy, gom đầu và ruột cá.
Anh Vương Thanh Thảo (40 tuổi, người chở cá thuê) cho hay, vào mấy ngày này, mỗi cơ sở làm khô lớn có cả trăm người làm cá. Người nào siêng thu nhập trung bình 600 ngàn đồng/ngày. Cá làm xong được mang đi đông lạnh và đến 2 giờ sáng đem rửa thật sạch rồi đổ vào thùng phuy ướp muối.
Tám giờ sáng hôm sau, cá được chất lên kệ phơi. Sau một ngày, công nhân gom khô vào sọt, rồi được đưa vào đóng gói. Hết tốp người này đến tốp khác tất bật suốt ngày và thâu đêm.
Người dân đảo cho con cá khô thật đều.
Gắn bó với việc làm khô đã nhiều năm, chị Nguyễn Thị Ngân (ngụ ấp An Hòa, xã Khánh An) cho biết: “Nghề làm cá phơi khô khỏe hơn rất nhiều so với việc làm công ty. Bình quân mỗi tiếng làm cá một người có nguồn thu nhập trên 20 ngàn đồng. Do vậy với mỗi ngày làm việc từ 8 – 10 tiếng sẽ có thu nhập từ 150 - 200 ngàn đồng. Đối với người bận rộn việc gia đình mỗi ngày chỉ cần lại cơ sở làm 4 - 5 tiếng đồng hồ là có nguồn thu nhập cả trăm ngàn đồng”.
Gắn bó với nghề làm khô mà cuộc sống gia đình có phần ổn định, nhất là thời điểm cận Tết như hiện tại. Chị Võ Thị Nhung (42 tuổi) cho biết: “Làng khô Khánh An đã nổi tiếng lâu nay. Cả làng có khoảng 30 điểm làm với đủ loại như cá kết, thác lác, chạch… nhưng chiếm đa số là sặc bổi.
Ngày thường cơ sở tôi chế biến 1 tấn khô, còn vào thời điểm này tăng gấp đôi công suất. Nhờ nghề này mà vợ chồng cất được nhà, nuôi con ăn học”.
Cá sặc bổi là loại khô nổi tiếng ở Khánh An.
Sức hấp dẫn mãnh liệt
Bà Trương Thị Phượng, chủ cơ sở sản xuất khô cá sặc bổi hàng chục năm và có quy mô lớn nhất nhì xã Khánh An cho biết: “Để chuẩn bị cho nhu cầu thị trường Tết cuối năm, cơ sở đẩy mạnh sản xuất cách nay hơn 2 tháng.
Đặc biệt, thời điểm này nguồn nguyên liệu dồi giàu và thị trường tăng mạnh, nên sản lượng làm ra phải gấp nhiều lần. Các tháng khác cơ sở cung ứng cho thị trường từ 3 – 5 tấn khô, còn vào dịp Tết này phải hơn 30 tấn mới đáp ứng đủ nhu cầu”.
Cá làm khô được phơi ngay thẳng trên giàn.
Cá sặc bổi được các cơ sở sản xuất thành 2 loại, có đầu và không đầu. Loại khô có đầu thường là cá có trọng lượng lớn hơn. Tùy loại và kích cỡ mà có giá bán khác nhau. Cá sau khi được làm sạch, tẩm gia vị được đem phơi từ 2 – 3 nắng sẽ cho ra sản phẩm khô.
Được biết, để có lượng hàng dự trữ, cơ sở bà Phượng thuê từ 40 – 50 lao động làm cá mỗi ngày. Chính vì vậy, vào thời điểm này hàng trăm lao động có nguồn thu nhập hơn hẳn các tháng còn lại.
Ông Phan Thanh Hồng cho biết: “Công việc làm khô rất nhẹ nhàng. Đối tượng làm nghề này chủ yếu là nông dân trong ấp tranh thủ thời gian rảnh rỗi để kiếm thêm thu nhập kinh tế gia đình. Tùy theo thời điểm cá về mà lao động tiến hành công việc. Thường cơ sở hoạt động tất bật là từ 2 - 8 giờ sáng và từ 17 - 22 giờ mỗi ngày”.
Theo nhiều cơ sở sản xuất khô, năm nay lượng khô cung ứng cho thị trường sẽ nhiều hơn so với các năm trước.
Bà Nguyễn Thị Hồng cho hay, thị trường buôn bán khô cá sặc bổi chủ yếu ở TPHCM nhưng đôi khi cũng thuê xe chở đến khu vực chùa Bà Chúa xứ núi Sam để bán cho khách nước ngoài. Nhờ ít mỡ so với nhiều loại cá khác mà khô sặc bổi vận chuyển được xa và để dành ăn được lâu ngày. Khách hàng ăn khô này cũng rất đa dạng và hầu như ai cũng thích.
Mỗi ký khô bán với giá từ 250 - 300 ngàn đồng.
“Lâu lâu có đoàn người đến Khánh An mua khô. Họ nói người thân ở Mỹ, Canada, Trung Quốc nhớ và thèm chứ mình có ướp thứ gì để họ nghiện đâu. Đến cơ sở này họ mua khô gửi về Mỹ nhiều nhất”, bà Hồng chia sẻ.
Con khô xứ Khánh An có sức hấp dẫn mãnh liệt, nên mới có chuyện người ta hối hả làm để phục vụ cho những ngày xuân về, tết đến.
Theo thống kê, mỗi năm làng khô cung ứng cho thị trường khoảng 3.000 tấn các loại. Có thể nói, con khô Khánh An đã giúp biết bao gia đình vượt qua nghèo khó, thay đổi bộ mặt vùng biên.
Ngoài khô cá, Khánh An còn nổi tiếng với khô rắn. Nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Việt Nam Nguyễn Hữu Hiệp cho hay: “Khánh An xưa nay nổi tiếng nhờ chế biến khô tập trung, nên trở thành làng khô lớn nhất miền Tây. Mấy ngày này tất bật người làm, người mua. Nhờ có thương hiệu từ lâu nên chuyện buôn bán ở đó rất nhộn nhịp”.