Làng nghề đã hình thành từ xa xưa và được truyền lại cho đến bây giờ. Nghề dệt chiếu giúp biết bao gia đình ổn định về mặt kinh tế, giải quyết được nhu cầu lao động của địa phương…
Nhà nhà dệt chiếu bán
Từ phà Vàm Cống rẽ phải vào Quốc lộ 54 chừng chục cây số sẽ đến những thảm lác đủ màu sắc rực rỡ phơi dọc hai bên đường cùng với tiếng lách cách liên hồi của máy dệt chiếu là đến xã Định Yên.
Làng chiếu được hình thành cách đây hàng trăm năm. Qua bàn tay khéo léo của mình, hàng năm, các hộ dân nơi đây đã sản xuất ra hàng triệu sản phẩm chiếu có hoa văn rực rỡ, mịn màng và bền chắc được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.
Quốc lộ 54 được trang trí bởi những thảm lác đã nhuộm màu.
Những ngày đầu tháng 12-2018, chúng tôi trở lại làng làm chiếu và thấy không khí hoạt động nơi đây hết sức nhộn nhịp. Thật ngỡ ngàng khi nơi này lúc nào cũng đầy màu sắc, từ trong nhà ra ngoài ngõ với những sợi lác xanh, đỏ, vàng, tím.
Một số vị cao niên cho biết, ở xứ này từ người già cho đến người trẻ, kể cả những em mới chín, mười tuổi cũng biết dệt chiếu. Lác là nguyên liệu chính mua về phải giũ cho sạch, tuốt phao và phân loại cùng kích thước, đun sôi phẩm màu với nước để nhuộm rồi đem phơi. Sau đó treo lên cao để cọng lác không bị gãy.
Trước khi dệt, lác lại được đem ngâm nước cho mềm dẻo vừa phải. Để hoàn thành một chiếc chiếu, người thợ phải làm rất nhiều công đoạn. Đầu tiên là se đay làm dây trân rồi gắn vào khung dệt, chiếu dệt xong sẽ được đem phơi khô tránh ẩm móc, sau đó cắt đầu, dệt giềng.
Từng sợi lác được đảo đều để chiếu làm ra đạt chất lượng.
Đang cùng các thành viên trong gia đình hoàn chỉnh các công đoạn để cho ra một chiếc chiếc, bà Trần Thị Hoa (ngụ ấp An Lợi A, xã Định Yên) cho biết: “Gia đình bà vẫn sử dụng khung dệt bằng tay. Mỗi ngày dệt được từ 4 - 6 chiếc chiếu, với giá 55 ngàn đồng/chiếc, trừ đi chi phí vẫn còn thu nhập trên 150 ngàn đồng”.
Theo lời bà Hoa, hiện nay, đa số các hộ dân trong nghề đều đã trang bị máy dệt, năng suất cao hơn rất nhiều so với khung dệt bằng tay. Tuy nhiên, trước xu thế công nghiệp hoá ngày càng cao, bà và một số người dân vẫn muốn giữ lại nét truyền thống mà cha ông cha đã truyền lại.
Với khung dệt tay luôn cần phải có 2 người, một người dập và một người chuồi lác. Nếu dệt chiếu trắng bình thường 2 người làm cật lực suốt từ sáng đến chiều cũng chỉ được 4 chiếc. Riêng đối với những loại chiếu bông nổi, chiếu chữ... đòi hỏi kỹ thuật cao và cách dệt công phu hơn, cả ngày mới dệt xong một chiếc nhưng không phải ai cũng biết dệt.
Bà Thủy ngồi dệt chiếu để duy trì cuộc sống gia đình.
Thay vì dệt theo kiểu truyền thống nhiều người chọn việc sản xuất bằng máy móc. Bà Nguyễn Thu Thủy (45 tuổi, ấp An Lạc, xã Định Yên) cho biết: “Sau khi gom góp vợ chồng mua được 2 cái máy dệt. Một ngày với 2 lao động cho ra sản phẩm là 20 chiếc chiếu. Mỗi chiếc trừ đi chi phí người làm công và chủ còn lại lợi nhuận khoảng 12 ngàn đồng.
Ở đây có nhà cả chục cái máy dệt. Sản phẩm làm ra các vựa sẽ đến lấy về bán, thường diễn ra 5 ngày một lần. Thời điểm này người dân, cơ sở có nguồn thu nhập cao hơn những ngày thường do vào mùa Tết”.
Trở thành di sản Quốc gia
Với địa hình thuận lợi nằm cặp sông Hậu, Định Yên có nhiều cồn, bãi bồi rất thích hợp phát triển nguồn nguyên liệu để cung cấp cho làng nghề tồn tại và phát triển.
Từ lâu, chiếu Định Yên đã được nhiều người biết đến và tin dùng, bởi chất lượng của sản phẩm vừa đẹp lại vừa bền. Mẫu mã đa dạng phong phú, giá cả phải chăng, phù hợp với mọi đối tượng tiêu dùng nên tiếng lành đồn xa.
Phụ nữ dệt chiếu còn đàn ông phơi lác và những chiếc chiếu đã dệt.
Bà Lý Thị Mỹ gắn bó với nghề dệt chiếu hơn 30 năm cho biết, nghề dệt chiếu đòi hỏi sự điêu luyện, tinh xảo và những bí quyết riêng để tạo ra những sản phẩm bền, đẹp. Để hoàn thành một chiếc chiếu với hình ảnh, màu sắc sắc sảo và ít phai, phải mất khá nhiều công đoạn.
Trước tiên là chọn sợi lác về nhuộm phẩm với đủ loại màu xanh, đỏ, tím, vàng. Để màu nhuộm chính xác, khó phai phải nấu phẩm màu lên, nhúng từng chùm lác nhỏ vào, tùy theo độ đậm nhạt mà có thể nhúng 2-3 lần trở lên. Lác nhuộm phẩm xong phải phơi cho đủ nắng, không quá gắt vì dễ giòn gãy, cũng không quá dịu dẫn đến ẩm mốc.
Chiếu Định Yên có 3 loại: chiếu con cờ, trà niên (chiếu bông) và ốc trớn.
Chiếu ở đây có 3 loại: chiếu con cờ, trà niên (chiếu bông) và ốc trớn. Nơi đây không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu. Năm 2013, làng nghề truyền thống dệt chiếu Định Yên càng nổi tiếng hơn khi được Bộ Văn hóa thể thao và du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Chiếu được phơi thật khô để hoàn thiện công đoạn cuối cùng.
Mấy năm gần đây, làng nghề gặp khó khăn vì thị trường tiêu thụ ngày càng thu hẹp. Thu nhập của người làm chiếu vì vậy cũng bấp bênh, nên nhiều lao động đã bỏ nghề, rời quê lên Bình Dương làm thuê. Tuy thăng trầm, vất vả nhưng người dân Định Yên vẫn gắn bó với nghề cha truyền con nối.
(Còn tiếp...)