(CAO) Những ngày này về Thuận Hưng (quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) đâu đâu cũng thấy những vỉ bánh tráng phơi đầy sân. Nhiều người gắn bó với việc làm bánh gần nửa thế kỷ, dù tuổi cao nhưng họ vẫn tham gia, vì muốn gợi nhớ lại nghề tổ truyền.
Cả làng bánh đỏ lửa
Những ngày đầu tháng 12-2018, chúng tôi chạy dọc theo những con rạch thấy những lò bánh tráng nghi ngút khói, vỉ bánh tráng dựa vào vách nhà hết sức đẹp mắt.
Nhiều người lớn tuổi vẫn gắn bó vì đó là nghề gia truyền.
Ngồi đang đổ bánh, bà Hai Giáo, một người đã gắn bó 34 năm với nghề cho biết: “Sở dĩ bánh tráng Thuận Hưng nổi tiếng là nhờ kinh nghiệm trên 200 năm trước của ông bà truyền lại, con cháu nối nghiệp phát huy và đẩy mạnh quảng bá thương hiệu. Muốn cho bánh thơm ngon, không dai, bở, để được lâu phải chọn lúa cấy tại vùng Thốt Nốt, không được lấy loại mới cắt hay để quá lâu ngày”.
Theo tìm hiểu, các lò làm bánh hoạt động quanh năm, kể cả mùa mưa. Tuy nhiên vào mùa giáp tết, các lò hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm, gấp chục lần so với ngày thường.
Làng bánh tráng Thuận Hưng sản xuất 4 loại bánh gồm: mặn (bánh dịu, có pha muối), lạt (bánh giòn), bắng tráng nem (khổ nhỏ) và bánh tráng dừa (loại để nướng, có thêm dừa và mè). Loại nào cũng ngon, mịn màng, tròn trịa và nguyên vẹn khiến du khách nao lòng mỗi lần đến tham quan.
Để cho ra chiếc bánh tráng, mỗi lò phải có 3 người, trong đó 2 người tráng còn 1 người phơi. Dây chuyền thủ công được thực hiện nhịp nhàng, chính xác. Cụ thể 10 giây đầu là thời gian hoàn thành chiếc bánh, còn 10 giây nữa sẽ nằm trên vỉ và sau đó được phơi dưới nắng thêm 30 phút.
Quá trình phơi bánh và gỡ bánh cũng là một nghệ thuật. Muốn cho chiếc bánh còn nguyên vẹn, thẳng thớm, không cong vênh người phơi phải biết canh nắng để gỡ cho đúng lúc. Sau đó xếp bánh lại thành từng chục rồi dằn cho bằng mặt trước khi giao hàng.
Bánh tráng xong được đưa ra sân phơi.
Theo quan sát, vào những ngày này, cả làng bánh tráng nhà nào lò cũng đỏ lửa, cháy rực suốt ngày đêm, người ngồi tráng bánh cặm cụi từ sáng đến chiều.
Bà Trương Thị Sậm hồ hởi cho biết: “Còn gần 2 tháng nữa mới đến tết nhưng thương lái từ khắp nơi Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh đã sang tận nhà bỏ cọc đặt hàng. Gia đình tôi có 4 người và mỗi ngày tráng gần 3.000 cái bánh lạt. Năm nay hầu hết các loại bánh đều tăng giá so với năm trước vì mọi thứ từ gạo, củi lửa đều nhích lên”.
Đối với các chủ lò làm theo diện gia đình, công nhà sẽ có nguồn thu nhập trên dưới 1 triệu đồng/ngày. Riêng những người làm công cũng có thu nhập bình quân từ 120 – 150 ngàn đồng, tùy vào tay nghề.
Phù hợp với nữ và người lớn tuổi
Người dân ở làng bánh tráng thường chọn sản xuất những loại bánh phù hợp với điều kiện gia đình hoặc lợi nhuận. Chuyên làm bánh tráng dừa, bà Hà Thị Sáu cho biết: “Bánh này cực công nhưng được cái lời nhiều hơn những loại khác. Việc người dân bỏ nghề phần vì trấu, gạo lên giá. Ai có mối thì làm quanh năm còn không chỉ tráng dịp Tết”.
Còn gia đình bà Lê Thị Ánh lại chọn sản xuất bánh tráng lạt. Bà Ánh nói: “Loại này sẽ khỏe hơn bánh tráng dừa, bởi loại kia nếu làm là chiều phải đem ra phơi sương cho mềm rồi mới gỡ, có khi 7 – 8 giờ tối.
Gia đình làm việc liên tục từ tờ mờ sáng đến tối được 2.000 cái bánh kiếm vài trăm ngàn đồng. Tuy nhiên, mỗi mùa phải bỏ chi phí đầu tư 6 triệu để mua 300 vỉ phơi. Lý do vỉ mỗi mùa phải thay bởi cũ quá nó dính không gỡ bánh được”.
Làm bánh tráng giúp nhiều người có thêm thu nhập dịp Tết.
Bà Thái Lê Thị Hồng (58 tuổi, ngụ khu vực Tân Phú, phường Thuận Hưng) gắn bó về nghề làm bánh tráng đã 25 năm cho biết: “Nghề này phù hợp với lao động nữ và những người lớn tuổi ở nông thôn. Vợ chồng tôi không có ruộng đất sản xuất nhờ có nghề làm bánh mà có thu nhập đắp đỗi qua ngày”.
Với sự hỗ trợ từ 2 người con, mỗi ngày gia đình bà Hồng làm được 1.500 cái bánh dừa và giao cho các đầu mối. Khách đến mua lẻ, số lượng ít hầu như không có hàng để bán.
Theo lời bà, tháng mưa bánh tráng càng khan hiếm hơn vì các đầu mối thiếu hàng và yêu cầu phải có giao liêu tục. Dù vậy, gia đình bà cũng không dám mở rộng quy mô sản xuất vì điều kiện vốn và nhân công không không đáp ứng được.
Thuận Hưng có hơn 100 hộ dân tham gia làm bánh tráng, trong đó có khoảng một nửa là sản xuất theo thời vụ Tết. Một số hộ hiện nay đã đầu tư máy móc còn phần lớn là làm thủ công.
Tồn tại hơn trăm năm, bánh tráng Thuận Hưng đưa đi tiêu thụ khắp vùng.
Bánh tráng ở làng nghề Thuận Hưng làm ra được giao cho các bạn hàng đi bỏ mối hoặc thương lái đến tận nhà nhận về bán lại cho các chợ đầu mối. Thị trường bánh tráng Thuận Hưng rất rộng, lan toả ra các tỉnh ĐBSCL và tận Campuchia. Nơi đây đã được công nhận làng nghề truyền thống và là một trong điểm phục vụ khách đến tham quan.