Lên rừng tìm món ốc núi trứ danh ở Tây Nguyên

Thứ Tư, 09/01/2019 09:44

|

(CAO) Có một loài ốc núi sống ở các cánh rừng tự nhiên huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) được đồn thổi có thể chữa được bệnh, bồi bổ sức khỏe.

Vì thế loài ốc núi này từ chỉ có người địa phương lên núi bắt về làm món ăn cải thiện trong bữa cơm, thì nay nó được người dân nhiều nơi săn lùng tìm mua.

Mưu sinh với nghề săn ốc núi

Nghe lời đồn thổi về một loài ốc núi ngon, bổ, rẻ, chúng tôi vượt quãng đường hơn 100km từ TP.Pleiku đến với xã Đăk Smar, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai để tận mục sở thị.

Từ đầu con đường dẫn vào trung tâm xã Đăk Smar, gặp ai chúng tôi cũng hỏi mua loài ốc này, tuy nhiên mọi người đều lắc đầu. Không mua được của người dân, chúng tôi đành phải nhờ ông Nguyễn Quý Thao – Chủ tịch UBND xã Đăk Smar hỏi giúp chỗ nào bán.

Sau 3 cuộc thiện thoại về 3 làng trong xã, ông Thao thông báo: “Hiện cả 3 làng có người thường xuyên lên rừng đi bắt đều không có ốc để bán nữa. Tuy nhiên, có người đồng ý dẫn các anh lên rừng Đăk Smar đi bắt loài ốc đó”.

Anh Đinh Văn Sâm dẫn chúng tôi vào rừng săn tìm ốc quý

Khi chúng tôi có mặt, thì anh Đinh Văn Sâm (làng Cam, xã Đăk Smar) đã chuẩn bị xong dụng cụ cho cuộc đi "săn" ốc quý. Lúc này là khoảng 9 giờ sáng, chúng tôi bắt đầu theo chân anh Sâm thẳng tiến lên khu rừng Đăk Smar (xã Đăk Smar). Gắn bó với khu rừng từ nhỏ, anh Sâm biết tường tận từng khe suối, vách đá, nơi nào ốc núi ẩn nấp, thời điểm nào ốc bò ra ngoài.

Anh Sâm nói, cái nghề săn ốc núi rất vất vả nhưng không phải tốn nhiều tiền bạc để đầu tư, mua sắm đồ nghề. Chỉ cần sắm bộ quần áo chuyên đi rừng, cái giỏ đựng, thêm cái đèn pin là có thể hành nghề rồi. Bởi thế, nó được xem là “cần câu cơm” lúc nông nhàn của người nghèo ở vùng rừng núi này.

Đi săn phải nắm rõ quy luật hoạt động của ốc và đòi hỏi con mắt tinh tường

Chúng tôi mỗi người một gậy, cứ thể lội bộ theo khe suối để lên. Vừa đi, anh Sâm vừa kể cho tôi nghe về công việc săn ốc. Người dân ở Đăk Smar vẫn gọi vui ốc núi chính là “lộc trời”. Từ hồi còn nhỏ, đám trẻ trong làng đã biết mưu sinh với nghề này rồi. Ốc núi như một món ăn giúp các gia đình cải thiện mỗi bữa cơm.

Người Đăk Smar đi săn ốc bao giờ cũng theo tốp, thường là hai người trở lên. Họ cùng nhau chia sẻ những nơi có nhiều ốc. Nếu ham đi một mình mang về nhiều của rừng, nhưng cũng sẽ chịu nhiều nguy hiểm nếu gặp rắn độc, thú hoang, hay sảy chân ngã xuống vực.

“Người địa phương ở đây sẽ biết ở nơi nào có nhiều ốc, còn người nơi khác đến sẽ rất khó tìm thấy. Như khu rừng Đăk Smar, có nhiều cây dược liệu - món ăn khoái khẩu của ốc rừng nên rất dễ bắt. Khi đi ăn, ốc rừng thường bò lên lá dược liệu rồi gặm nhấm. Có nơi, chỉ đi vài bước chân là thấy đến cả chục con bò ra đi ăn. Thời điểm đang nắng mà có trận mưa rào, loài ốc sẽ kéo nhau bò ra ngoài tìm ăn và sinh sản”, anh Sâm chia sẻ bí quyết "săn" ốc núi.

Lên đến lưng chừng núi, anh Sâm bảo mọi người tỏa đi các hướng để tìm ốc. Đúng là một ngày may mắn, ốc núi bò ra tìm ăn rất nhiều. Có con bò sát dưới đất, có con đang bám vào các lá cây. Phát hiện thấy ốc, chúng tôi phải nhẹ nhàng, tránh đánh động các con khác, nếu không chúng nhả miệng rơi xuống đất sẽ rất khó tìm. Do vỏ ốc núi có màu nâu, lẫn vào đám lá mục nên phải chịu khó vạch các kẽ lá, lùm cây mới thấy chúng bám.

Cầm trên tay chiến lợi phẩm, anh Sâm hóm hỉnh khoe thành quả như thách thức những người đi cùng. Nhìn anh Sâm tay thoăn thoắt bắt ốc liên tục, còn chúng tôi tìm mãi mới bắt được đôi con, thì mọi người mới biết rằng, đi bắt ốc tưởng chừng đơn giản nhưng ấy vậy mà không phải ai có thể làm tốt.

Ốc thường ăn lá dược liệu nên được người dân ưa chuộng

Đang bước từng bước nhẹ nhàng để tìm ốc, chúng tôi gặp tốp của anh Đinh Le. Anh Đinh Le có kinh nghiệm hơn 10 năm làm nghề săn ốc núi trên các khu rừng, từ khi còn thanh niên. Giờ thì đã có vợ nhưng anh cũng không quên được nghề. Cứ rảnh rổi, anh lại cùng mấy người bạn lên núi bắt ốc, vừa để ăn, vừa để bán.

“Mùa săn ốc núi rộ nhất rơi vào từ tháng 6 đến tháng 10 dương lịch. Những vùng rừng ẩm ướt, ốc thường tập trung ở đó. Biết được quy luật hoạt động của ốc núi, người dân sẽ chọn thời điểm để đi bắt cho phù hợp. Nếu trúng, một người có thể được cả chục ký ốc mỗi lần đi, có thêm một khoản thu nhập nhất định về cho gia đình. Dù có nhiều người đi bắt trên 1 cánh rừng nhưng họ luôn tôn trọng nhau, tuyệt đối không bao giờ tranh dành”, anh Đinh Le tâm sự.

Ốc quý có tiền cũng không mua được

Khi mặt trời gần lặn sau núi, nhóm chúng tôi và anh Le cùng nhau xuống núi, kết thúc chuyến đi "săn" ốc núi. Về đến nhà anh Sâm, nhóm chúng tôi bắt đầu đem chiến lợi phẩm của một ngày vất vả ra “khoe” với nhau. Trong 3 người chúng tôi, anh Sâm thu được nhiều nhất khoảng 4kg, còn lại tôi và anh bạn được khoảng hơn 2kg ốc.

Đang bàn tính xử lý với món “lộc trời” thu được, thì chị Trần Thị Hảo, chủ một cửa hàng tạp hóa trên địa bàn xã Đăk Smar, đồng thời là đầu mối thu mua ốc núi trong vùng đến hỏi mua. Thấy chị Thảo, anh Sâm từ chối khéo: “Chị thông cảm, hôm nay không có ốc bán, từng này để làm mấy món thiết đãi khách”.

Loài ốc núi hiện ở các cánh rừng huyện Kbang còn khá nhiều

Theo chị Thảo, ban đầu thấy người dân đi tìm ốc trên rừng về chế biến, chị cũng thử ăn và thấy ngon. Ốc phần thịt dai, ngọt, có độ đạm cao, ăn vào có cảm giác sức khỏe được bồi bổ. Đặc biệt, thịt con ốc được chế biến lên có mùi thơm dược liệu. Ngoài ra, nhiều người còn cho rằng thịt ốc núi còn có tác dụng tăng cường sức khỏe, chữa được các bệnh về khớp. Không riêng chị Thảo mà nhiều người dân khác cũng tin rằng ốc núi có khả năng chữa bệnh.

“Thấy thịt ốc núi ngon còn có tác dụng chữa bệnh nên mình đứng ra thu mua. Mình tự đem đi giới thiệu với bạn bè, họ ăn khen ngon và bổ, từ đó có nhiều mối đặt mua. Ban đầu, mình cũng chỉ giám mua mỗi tháng khoảng 50kg rồi bán từ từ, nhưng giờ thì có bao nhiêu khách lấy hết. Nhiều khách đặt cả tháng trời, gọi điện liên tục hỏi mua ốc nhưng không có bán. Mỗi kg ốc mình bán giá khoảng 50.000đ”, chị Thảo cho biết thêm.

Loài ốc tuy nhỏ nhưng thịt rất thơm ngon và bổ

Vừa dứt câu chuyện với chị Thảo, anh Sâm bày ra 2 đĩa ốc núi, một xào sả ớt, một luộc. Uống chén rượu nồng cùng món ốc thơm lừng mùi thảo dược, mọi người đều phấn chấn lên. Càng về khuya, những hàng xóm của anh Sâm cũng tới chung vui. Họ cười nói đủ thứ chuyện, rồi bạn chuyện mưu sinh… và cả chuyện món thịt ốc có những tác dụng gì.

Bình luận (0)

Lên đầu trang