Làm theo mạng, uống 1kg nước khế ép, người đàn ông nhập viện chạy thận

Thứ Tư, 16/01/2019 08:41  | Ngô Đồng

|

(CAO) Nghe theo chỉ dẫn trên mạng, người đàn ông 65 tuổi đã ép 1kg khế lấy nước uống cho khỏe. Sau hơn 1 tiếng đồng hồ uống hết số nước ép khế trên, ông bị nôn ói, mệt, tiểu ít, nước tiểu đỏ sậm và phải nhập cấp cứu.

Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nan, 65 tuổi, không có tiền sử về bệnh.

Nghe theo chỉ dẫn trên mạng, ông đã ép 1kg khế lấy nước uống cho khỏe. Sau hơn 1 tiếng đồng hồ uống hết số nước ép khế trên, ông bị nôn ói, mệt, tiểu ít, nước tiểu đỏ sậm và phải nhập cấp cứu tại BV Đại học Y dược.

Tại đây, ông được chẩn đoán tổn thương thận cấp do nước ép khế, được chỉ định chạy thận nhân tạo, cứu chữa kịp thời và xuất viện trong tình trạng chức năng thận được hồi phục.

TS BS. Nguyễn Hoàng Đức, Trưởng khoa Tiết niệu BV Đại học Y dược chia sẻ, thận là một cơ quan thuộc hệ tiết niệu, có nhiệm vụ sản xuất ra nước tiểu để đào thải các chất thải độc hại ra khỏi cơ thể.

Ngoài ra, thận còn đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng khác như giữ cho môi trường bên trong cơ thể luôn ổn định về nước, điện giải, khoáng chất, kiềm toan và cùng với tủy xương tạo hồng cầu cho cơ thể.

Nếu nhiệm vụ này bị suy yếu, các chất thải độc hại tích tụ lại trong cơ thể, môi trường xáo trộn, gây ra nhiều biến chứng nặng nề.

Khi suy thận diễn ra cấp tính, nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, chức năng thận có thể hồi phục và người bệnh có thể hoàn toàn khỏe mạnh, trở về với cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, nếu bệnh diễn tiến mạn tính thì chức năng thận sẽ không thể hồi phục.

TS BS. Nguyễn Hoàng Đức, Trưởng khoa Tiết niệu BV ĐHYD đang khám cho người bệnh

ThS BS. Huỳnh Ngọc Phương Thảo, Trưởng khoa Nội thận – Thận nhân tạo Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, tại khoa Nội thận – Thận nhân tạo, mỗi năm có khoảng 30.000 lượt người bệnh đến khám và điều trị bệnh thận. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng báo động trên thường do tâm lý chủ quan, lơ là với những biểu hiện ban đầu, dẫn đến bệnh tình trở nặng và đa số người bệnh đều nhập viện trong tình trạng muộn.

TS BS. Nguyễn Hoàng Đức cho biết thêm, suy thận được chia làm 5 giai đoạn. Ở các giai đoạn từ 1, 2, 3, 4, nếu được phát hiện sớm và tuân thủ điều trị, người bệnh có thể kéo dài thời gian bảo tồn trong 5 - 10 năm, trì hoãn giai đoạn lọc máu định kỳ. Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn 5 thì phải ghép thận hoặc lọc máu định kỳ. Nếu không, suy thận mạn giai đoạn cuối có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Các biện pháp điều trị thay thế thận hiện nay bao gồm chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng liên tục ngoại trú và ghép thận, ngày càng có nhiều tiến bộ không những giúp duy trì cuộc sống mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống gần với người bình thường.

Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng tránh bệnh suy thận mạn một cách hiệu quả, người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe, thường xuyên khám sức khỏe định kỳ. Nếu phát hiện mắc bệnh, người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, không nên tự ý điều trị. Song song đó, cần kiểm soát chế độ ăn uống hằng ngày, hạn chế ăn mặn, duy trì thể dục thể thao, kiểm soát tốt bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường.

Nhằm nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng về bệnh thận, BV Đại học Y dược sẽ tổ chức chương trình tư vấn miễn phí “Những điều cần biết về bệnh lý suy thận" vào sáng chủ nhật, ngày 20-1-2019 tại Bệnh viện. Người có vấn đề về bệnh thận, người dân trong cộng đồng có nhu cầu tìm hiểu thêm thông tin về các bệnh lý suy thận có thể đăng ký tham dự miễn phí: (028) 3952 5449 – (028) 3952 5422.

Mắc bệnh nặng, suy thận cấp, ói ra máu vì mê ăn các món chế biến từ nội tạng
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang