Theo những hộ dân sinh sống ven sông Sài Gòn, hiện tượng trên bắt đầu từ cuối tháng 6, nhưng thời gian gần đây lượng lớn lục bình từ thượng nguồn theo dòng chảy dồn về phía hạ lưu. Đây cũng là năm có nhiều lục bình dạt về hạ lưu nhất, dẫn đến dòng chảy bị thu hẹp, khiến giao thông thủy gặp khó khăn.
Rác, lục bình đe dọa sông Sài Gòn
Có mặt tại chân cầu Bình Triệu vào những ngày đầu tháng 7, chúng tôi ghi nhận lục bình trôi đầy mặt sông, phủ kín từ cầu Sắt kéo dài đến bán đảo Thanh Đa. Ông Nguyễn Công Toản, hành nghề đánh cá trên sông Sài Gòn, cho biết: "Ba tuần gần đây lục bình đổ về ngày càng nhiều; khi thủy triều lên, loài này theo con nước từ sông Sài Gòn trôi vào các kênh nhỏ trong nội thành, gây kẹt dòng chảy.
Số ít còn lại theo dòng nước dạt về phía hạ lưu Q1, Q4, Q7 và hướng ra biển. Do lục bình quá nhiều, thuyền nhỏ không thể di chuyển nên những người hành nghề đánh bắt cá trên sông cũng bất lực, việc mưu sinh vì thế càng khó khăn hơn".
Làng chài nhỏ ven sông Sài Gòn, ở khu vực cầu Bình Lợi, cũng chẳng thể dong thuyền ra sông thả lưới vì lục bình quá nhiều, trong khi thuyền bè qua lại tại khúc sông này cực kỳ khó khăn. Có hôm, đợi những mảng lục bình trôi quá lâu, ông Toản đánh liều cho ghe ra sông, nhưng cũng được chừng trăm mét thì chân vịt bị lục bình quấn chặt khiến chiếc ghe nhỏ quay vòng rồi chết máy.
Người đàn ông này cho biết đã sinh sống bằng nghề đánh cá trên sông Sài Gòn hơn 30 năm, nhưng đây là lần đầu tiên thấy lục bình từ thượng nguồn các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai... dạt về nhiều đến vậy, làm ách tắc giao thông thủy. Cũng làm nghề đánh cá trên sông Sài Gòn, ông Trần Bá Văn lo lắng: "Không biết đến khi nào lục bình mới giảm để chúng tôi còn ra sông kiếm ăn".
Lục bình trôi dạt trên sông Sài Gòn
Ngoài số lục bình tại chỗ, TPHCM cũng đau đầu bởi lượng lục bình ở thượng nguồn theo dòng nước đổ về các kênh trong nội đô thành phố, từng mảng dài hàng chục mét lững lờ trôi, gây khó khăn cho tàu, thuyền lưu thông đồng thời ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng chục hộ dân sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản.
Theo anh Trần Công Thuận (ngụ khu vực Thanh Đa, Q.Bình Thạnh), nguyên nhân chính khiến lục bình ken đầy mặt sông hơn 3 tuần nay là do các con kênh phía thượng nguồn lưu giữ nhiều lục bình, do trời mưa lớn những ngày gần đây khiến dòng chảy mạnh, cuốn lục bình trôi về hạ lưu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến giao thông thủy cũng như sinh kế của người dân.
Việc phát triển quá nhanh của lục bình không những làm ách tắc hệ thống kênh rạch mà còn làm giảm lưu lượng dòng chảy, khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố rơi vào tình trạng ngập lụt.
Giao thông thủy nghẽn vì lục bình
Theo khảo sát của phóng viên, nhiều tuyến kênh, rạch trên địa bàn thành phố cũng xuất hiện tình trạng lục bình xâm lấn. Kênh Thầy Tiêu (Q7) mấy năm gần đây hầu như trở thành con kênh "chết" do lục bình ken nghẹt mặt kênh. Vào mùa khô, con kênh nhỏ tắc nghẽn dòng chảy, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Theo quan sát, đoạn kênh này thường xuyên bị lục bình phủ lấp mà chẳng thấy ai vớt hay nạo vét khơi thông lòng kênh. Bà Trần Thị Thìn (ngụ KP5, P.Tân Thuận Tây, Q7) ngán ngẩm: "Ở Sài Gòn mà lục bình còn khủng khiếp hơn ở quê”, thậm chí trên một số tuyến kênh được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng như kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Đôi - kênh Tẻ... vào mùa mưa cũng xuất hiện lục bình nổi đầy kênh.
Tương tự, tại rạch cầu Bà Lát (tiếp giáp giữa xã Phạm Văn Hai - Vĩnh Lộc B, Bình Chánh), lục bình cũng đang bao phủ toàn bộ diện tích mặt nước. Một cửa cống thoát nước tại đây cũng bị lục bình bít chặt, gây ách tắc dòng chảy; nguồn nước ứ đọng lâu ngày đã chuyển màu đen ngòm, bốc mùi hôi.
Ông Nguyễn Văn Thanh (ngụ ấp 6, xã Vĩnh Lộc B) cho biết, trước đây kênh này rất xanh, người dân thường dùng tưới cây; nhưng mấy năm nay nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng, muỗi sinh sôi nảy nở hàng đàn, mấy năm gần đây thêm tình trạng lục bình sinh sôi nảy nở, hầu như không có loài cá nào sống nổi.
Theo thống kê, trên địa bàn thành phố có khoảng hơn 200 dòng kênh với gần 700km đường thủy bị lục bình, cỏ dại phát triển ngăn dòng chảy. Nhiều con kênh như kênh Thầy Tiêu (Q7), kênh Bến Cát, kênh Nước Lên (Q12), kênh Vàm Thuật (Q. Gò Vấp), kênh Xáng (huyện Hóc Môn)... là những tuyến đường thủy quan trọng đã bị lục bình xâm chiếm, khiến gia tăng ô nhiễm cho khu vực nội thành.
Không dừng lại đó, lục bình phát triển nhiều cũng gây ảnh hưởng tới các tuyến giao thông đường thủy nội địa đồng thời trở thành vật cản qua đó hình thành những bãi rác trôi nổi trên các dòng kênh. Trong khi đó, nhiều tuyến kênh không có dòng chảy lưu thông sẽ thuận tiện cho nhiều loại sinh vật, lăng quăng... gây bệnh.
Điều đáng báo động là mới đây, Sở Khoa học Công nghệ TPHCM lấy 18 mẫu lục bình tại nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố kiểm tra, cho thấy thân và rễ của loài này chứa hàm lượng lớn chất kim loại nặng như asen, chì, thủy ngân, cadium. Các chất gây ô nhiễm đều vượt từ 3 - 10 lần tiêu chuẩn cho phép.
Thế nhưng, hiện công tác xử lý lục bình trên địa bàn thành phố còn lạc hậu, trong khi đặc thù của loài này chỉ cần một đoạn rễ sót lại cũng có thể sinh sôi nảy nở thành bè mới.
Câu chuyện về cây lục bình vì thế tưởng chừng đơn giản nhưng thực sự đang là vấn đề nan giải đối với các cơ quan chức năng thành phố.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TPHCM, thành phố có khoảng 3.079km kênh rạch, đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thoát nước, nhưng hiện có hơn 200km kênh rạch bị lục bình, cỏ dại phát triển ngăn dòng chảy, làm gia tăng ô nhiễm, với nhiều nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Đặc biệt có 66/181 tuyến sông, kênh, rạch nhiễm lục bình nghiêm trọng làm gia tăng tình trạng ô nhiễm, tắc nghẽn dòng chảy. Tình trạng này đã diễn ra trong nhiều năm, ô nhiễm nặng rất dễ phát sinh dịch bệnh, nhất là bệnh sốt xuất huyết.