(CAO) Hơn 2.000 gốc mai chờ bán tết của người dân đang chết dần do bị ngập úng bởi công trình đê bao phòng chống lũ lụt gây tắc nghẽn hệ thống thoát nước.
Công trình bờ bao rạch Tư Trang, thuộc khu phố 1, tổ 7, P.An Phú Đông, Q.12, TP.HCM được khởi công xây dựng từ đầu năm 2014 và hoàn thành vào tháng 4-2015. Đây là một trong 14 bờ bao phòng chống lụt bão sử dụng cừ bán nhựa uPVC trên địa bàn Q.12 với ý nghĩa ngăn triều cường, chống sạt lở, giải quyết nhu cầu đi lại cho nhân dân.
Theo phản ánh của người dân, khi công trình này đưa vào sử dụng thì gây tắc nghẽn hệ thống cống nước thải đấu nối với rạch Tư Trang làm khu vực bị ngập úng triền miên ảnh hưởng đến hoa màu và đời sống của người dân nơi đây.
Vườn mai của anh Tuấn bị chết khô
Điển hình, vườn mai hơn 2.000 gốc chờ bán tết của gia đình anh Phạm Văn Tuấn đang dần chết khô khiến anh xót xa. “Mình trồng cực khổ nào công chăm sóc, phân thuốc nhưng giờ chết dần thì coi như tết năm này trắng tay”, anh Tuấn cho hay.
Ngoài ra, vườn mai của anh Phạm Thanh Dũng nằm cạnh bên cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Theo anh Dũng, kể từ khi công trình chống ngập rạch Tư Trang hoàn thành nhưng không làm cống thoát nước, dòng chảy không được khơi thông. Do đó, mỗi khi trời mưa là vườn mai lại chìm trong biển nước kéo dài khiến việc chăm sóc không thuận tiện. Bất lực trước thực trạng trên, anh Dũng đành cam chịu, buông xuôi cho 300 gốc mai trồng hơn 12 năm dần héo úa rồi hầu như chết sạch.
“Hồi xưa nước ở đây không có ngập, nhưng từ khi công trình vào làm cho đến xong là ngập luôn cho đến giờ. Giờ mai chết hết rồi, không biết năm nay gia đình ăn tết sao đây”, anh Dũng lo lắng.
Công trình bờ bao rạch Tư Trang
Còn ông Phạm Thanh Chín – người dân địa phương bức xúc: “Lúc trước đời sống của chúng tôi đỡ lắm, tết có hoa màu buôn bán kiếm tiền mua cá thịt cho gia đình nhưng kể từ khi bờ bao này làm không có dọn dẹp đường sông, đất của tôi nước ngập hơn 1 tấc. Bây giờ chỉ có cỏ chứ không có cây nào sống hết cả”.
Ông Cung Quảng Hà – Chủ tịch P.An Phú Đông cho biết, trước kia không có công trình thì vườn mai các hộ cũng bị ngập, nhưng vài ngày là nước rút. Còn hộ anh Dũng là do anh canh tác nhưng không tu bổ đất, công trình bờ bao vẫn có thoát nước nhưng thoát chậm. Tuy nhiên, về góc độ địa phương, chúng tôi cùng với ban quản lý công trình sẵn sàng hỗ trợ người dân trong việc khai thông các mương, rãnh cũng như là hỗ trợ người dân nhưng người dân cũng phải có trách nhiệm tôn tạo đất của mình để ổn định canh tác.
Ngoài mai bị chết, công trình bờ bao rạch Tư Trang còn gây bít hệ thống thoát nước thải tự nhiên của nhân dân, dẫn đến nước tù động, lăng quăng sinh sôi phát triển ngày càng nhiều, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết.
Bà Phạm Thị Ba than thở: “Tụi tôi ở đây bị ảnh hưởng nhiều nhất, nước hôi thúi là chúng tôi chịu hết, hồi đó nước ngập 1 – 2 ngày là nước rút, nhưng từ khi có bờ bao này là nước không rút luôn. Giờ chỉ mong chính quyền cho nạo vét con kênh này thôi, chứ cũng không trông mong gì”.
Do bị tắc nghẽn hệ thống thoát nước nên vườn mai của người dân luôn ở tình trạng ngập nước
Ông Mã Huy Tân – Phó chủ tịch P.An Phú Đông xác nhận việc xuất hiện nhiều muỗi đúng như phản ánh của người dân và Ủy ban nhân dân đã tiến hành báo cáo với trung tâm y tế dự phòng, lên kế hoạch tiến hành phun xịt thuốc diệt muỗi. Ông Tân cho biết, trong thời gian tới, phường tiếp tục kiến nghị với cơ quan cấp trên để thực hiện khai thông dòng chảy, hỗ trợ thêm thuốc để phun xịt, tiêu diệt triệt để tình trạng muỗi phát sinh.
Trong khi chờ đợi nhà chức trách có những biện pháp cụ thể và hợp lý thì người dân nơi đây phải sống chung với nguy cơ dịch sốt xuất huyết và người trồng mai đối mặt với cái tết ảm đạm khi hoa màu bị ảnh hưởng bởi tình trạng ngập úng kéo dài.