Gia đình 3 thế hệ hơn 2 năm leo thang đi làm, tìm chữ vì không có lối đi

Thứ Ba, 19/01/2016 07:41  | Nguyễn Nhân

|

(CAO) Hơn 2 năm nay, gia đình 3 thế hệ ở ấp Xáng Mới (thuộc thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, Hậu Giang) phải leo qua bức từng dựng đứng cao hàng mét để đi làm, đi học vì xin mở lối đi của Trường tiểu học thị trấn Rạch Gòi A không được.

Để được đến trường, mỗi ngày cứ 4 lượt đều đặn, 7 em học sinh là con của 4 gia đình phải vượt qua được bức tường cao hơn 2m bằng chiếc thang dựng đứng, bởi hơn 2 năm nay xin mở lối đi không được.

Hàng ngày, 7 em học sinh của 4 gia đình phải leo cầu thang mới đến được trường

Nhói lòng khi nhìn con, cháu mình phải vất vả vượt qua chiếc cầu thang bắt lên bức tường của Trường tiểu học thị trấn Rạch Gòi A, ông Trần Ngọc Quý (67 tuổi, ấp Xáng Mới) là cha, ông của 4 gia đình với 15 nhân khẩu trình bày: “Gia đình tôi sở hữu 3.500m2 đất của ông nội vợ để lại trước năm 1975. Từ đó ở và canh tác, đến năm 2007 thì bị thu hồi với diện tích 955m2 và lần thứ 2 là 795m2 (2012), số tiền được bồi thường trên 160 triệu đồng. Sau khi bị thu hồi, con cái đã lập gia đình nên xây cất 4 căn nhà trên phần đất 773m2 còn lại cho 3 đứa con gái và một thằng con trai ở”. 

Theo lời ông Quý, thời điểm ông xây nhà cho các con thì rào của trường vẫn chưa được xây. Một thời gian sau, trường tiến hành xây dựng tường rào bao quanh khuôn viên nên ông có gửi đơn lên lãnh đạo trường, thị trấn, huyện để xin mở lối ra nhưng không được chấp thuận.

Đến nay, 15 đứa con và cháu của ông muốn đi làm hoặc đi học phải trèo qua tường cao hơn 2m của Trường tiểu học thị trấn Rạch Gòi A. Ngoài ra, trước khi đất bị thu hồi mảnh đất ông vuông vứt nhưng giờ đã thành “đầu voi đuôi chuột” khi một đầu thì có chiều ngang là 13,4m, đầu kia chỉ 5,8m.

Việc bắt cầu thang vô ra trước cổng trường đã tạo sự phản cảm cho nhiều phụ huynh, người đi đường

Gặp nhiều khó khăn trong việc ra vào nhà, anh Trần Ngọc Tân (con trai thứ ba của ông Quý) buồn bã nói: “2 năm nay, anh chị em và mấy cháu phải sống trong cảnh bị cô lập. Muốn ra ngoài không dễ vì phải trèo qua chiếc thang cao hàng mét. Cha mẹ đi làm nên nhiều đứa nhỏ phải tự leo tường đi học dẫn đến té ngã máu me đầy người do dốc quá dựng đứng, nhưng chẳng làm gì khác được”.

Được biết, nhiều em học sinh của 4 gia đình này phải đến trường mỗi ngày 2 buổi cũng như trường cách xa nhà nên các em phải chạy xe về buổi trưa để nghỉ ngơi, cơm nước. Vì thế xe được đậu tại cầu thang (nằm ngoài cổng trường) nhưng cũng vì thế 2 chiếc xe đạp không cánh mà bay.

Ngoài ra, buổi chiều học xong, các em và bố mẹ phải gửi xe lại nhà dân cách nhà hàng trăm mét để đi bộ về nhà.Vì không cách nào đưa xe qua được tường rào của trường. Bởi vậy, mỗi tháng phải tốn thêm hàng trăm ngàn đồng gửi xe.

Lo lắng cho chuyện ốm đau, chị Trần Ngọc Tươi có con học mầm non nói: “Bận con nhỏ nên đứa con lớn học mẫu giáo phải leo thang, trèo tường mới đến được trường. Vì thế cứ vài ba hôm là bị té ngã. Mong muốn lớn nhất của gia đình là mở được lối đi để mấy đứa cháu đến trường an toàn, thoải mái. Sợ nhất mỗi khi bệnh mà như lúc tôi sinh cần đến 3 người đỡ qua bức tường tính đâu là sẩy thai thì khổ lắm”.

Có lẽ nào một gia đình sẵn sàng giao đất để phục vụ cho lợi ích chung mà giờ đây phải sống trong cảnh khốn khổ chỉ vì một lối đi bị “phong tỏa” thế này.

Thử hỏi với sự vô cảm như thế, nhất là diễn ra tại môi trường giáo dục thì thế hệ học sinh sẽ thế nào và mấy ai chấp nhận hy sinh nữa? Điều gia đình này và chúng tôi lấy làm lạ là khi chính quyền địa phương, UBND huyện Châu Thành A cho bắt cầu thang đi qua nhưng lại không cho mở lối đi, trong khi đó vách tường không nằm trong trường mà chỉ là một phần khuôn viên.

Bình luận (0)

Lên đầu trang