Miền Bắc khẩn trương phòng mưa lũ

Thứ Hai, 29/07/2024 10:42

|

(CATP) Trận mưa lịch sử kèm theo lở đất, lũ quét tại Sơn La và nhiều tỉnh thành phía Bắc ngày 23 - 26/7 đã gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản và cơ sở hạ tầng. Khi hậu quả còn chưa được khắc phục xong, các địa phương này lại tiếp tục khẩn trương thực hiện những biện pháp phòng chống trận mưa lớn được dự báo sẽ xuất hiện ngay trong những ngày tới...

Mưa dông ồ ạt

Theo bản tin dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Sơn La, từ chiều tối 28/7 đến ngày 01/8/2024, trên địa bàn tỉnh này có khả năng xảy ra mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, với lượng mưa phổ biến từ 70 - 200mm/đợt, có nơi trên 300mm và có khả năng cao xảy ra dông lốc, gió giật mạnh.

Trước đó, theo thống kê, hoàn lưu cơn bão số 2 đã gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản và hạ tầng giao thông của tỉnh, với 7 người chết do sạt lở vùi lấp và lũ cuốn trôi; 3 người mất tích; 5 người bị thương, gần 1.200 nhà ở của người dân bị thiệt hại, 6 điểm trường tiểu học, mầm non bị ngập. Trận mưa lũ lịch sử đã làm ngập úng, hư hại hoàn toàn 2.500ha lúa và hoa màu, cây ăn trái, cây lâu năm và gây sạt lở, ách tắc nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ... huyết mạch.

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh cho biết, địa phương này đang khẩn trương triển khai các biện pháp đối phó với trận mưa dông sắp tới. Các lực lượng chức năng đã được huy động để bảo đảm an toàn cho người dân và tài sản, đồng thời túc trực để kịp thời thực hiện các biện pháp phản ứng nhanh, triển khai công tác cứu hộ cứu nạn khi cần thiết.

Các phương tiện được huy động để nạo vét bùn đất

Để ứng phó với tình trạng ngập lụt, nhân dân trên địa bàn TP.Sơn La đã được thông báo khẩn trương di dời các vật dụng, tài sản trong gia đình đến nơi an toàn, chủ động làm tấm chắn, dùng các bao cát để chặn, hạn chế nước, bùn đất tràn vào nhà nhằm giảm thiệt hại tối đa. Chính quyền TP.Sơn La cũng đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp để phòng chống ngập lụt do mưa lớn khi tiến hành huy động nhân lực, phương tiện máy móc nạo vét bùn đất, khơi thông các đường cống để nước có thể rút nhanh hơn, không tràn vào nhà người dân, công sở.

Tăng cường kiểm tra

Cùng ngày, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Sơn La cũng đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác bảo đảm an toàn công trình hồ đập thủy lợi, nhất là các hồ đập xung yếu, không để xảy ra sự cố gây thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân. Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Sơn La chỉ đạo các địa phương tăng cường rà soát, kiểm tra các tuyến đường tỉnh, quốc lộ bị hư hỏng, ngập lụt... và lên phương án để nhanh chóng triển khai các biện pháp khắc phục sau sự cố như sạt lở, ngập lụt, bảo đảm thông tuyến nhanh nhất và an toàn giao thông, thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân.

Ngoài tỉnh Sơn La, Hà Nội cũng là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng từ hoàn lưu cơn bão số 2. Sáng 28/7, hàng trăm người dân xã Đông Yên (H.Quốc Oai, Hà Nội) đã tất bật gia cố đê ngăn lũ sau hai ngày mưa lớn. Trước đó, nước từ rừng ngang thuộc tỉnh Hòa Bình tràn về đê Đồng Lọng, khiến một số điểm trên đoạn đê, đoạn qua H.Quốc Oai (Hà Nội) và H.Lương Sơn (Hòa Bình) bị nước tràn qua. Nước dâng cao cũng uy hiếp hơn 400ha lúa và hoa màu của người dân, đồng thời có nguy cơ ngập lụt khu dân cư xã Đông Yên và xã Hòa Thạch.

Người dân đắp đất, gia cố đê để chống ngập úng ven sông Bùi

UBND xã Đông Yên cho biết trong đêm 27 và rạng sáng 28/7, khu vực H.Chương Mỹ và H.Quốc Oai tiếp tục có mưa lớn với lượng mưa đo được khoảng hơn 140mm. Lãnh đạo xã Đông Yên cho biết nếu không ngăn được nước lũ trên đê Đồng Lọng thì tình hình sẽ rất căng thẳng khi hàng trăm hộ dân, nhiều trang trại và đồng ruộng sẽ ngập sâu. Hiện mực nước sông Bùi đang ở mức 7.39m, trên mức báo động 3 gần 0,4m. Tại xã Nam Phương Tiến (H. Chương Mỹ), tình hình ngập lụt đã trở nên nghiêm trọng khi hàng trăm hộ dân ở nhiều thôn bị cô lập và phải di chuyển bằng thuyền. Hiện H.Chương Mỹ có 11 xã đang bị ngập úng, trong đó có hơn 2.400 hộ dân bị ảnh hưởng, có hộ bị ngập sâu từ 0.5 - 2m.

Ngập lụt diện rộng vẫn đang xảy ra tại một số khu vực ngoại thành Hà Nội như Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức. Mực nước trên các con sông tại các khu vực này vẫn duy trì ở mức cao, gây ngập lụt nhiều nhà cửa và diện tích sản xuất nông nghiệp. Để ứng phó với tình hình, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP.Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị liên quan chủ động, tăng cường theo dõi thông tin thời tiết, kiểm soát giao thông tại các khu vực nguy hiểm và triển khai các phương án ứng phó thiên tai kịp thời.

Một đoạn Quốc lộ 6 (TP.Sơn La) bị sạt lở

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, những ngày cuối tháng 7 miền Bắc sẽ bước vào một đợt mưa lớn do ảnh hưởng của rãnh áp thấp. Mưa lớn trong điều kiện vùng núi độ bão hòa của đất cao, vùng đồng bằng nhiều nơi bị ngập dẫn tới nguy cơ sạt lở đất ở vùng cao và gia tăng tình trạng ngập úng ở khu vực đồng bằng.

Thành phố Hòa Bình cũng đã ghi nhận mức ngập lụt nặng nề sau đợt mưa lớn bắt đầu từ ngày 23/7. Nước ngập đã biến nhiều tuyến đường thành sông, gây khó khăn cho việc di chuyển và sinh hoạt của người dân. Các lực lượng chức năng đã triển khai nhiều biện pháp để ứng phó với tình trạng ngập lụt, bao gồm việc bơm nước, gia cố các khu vực có nguy cơ sạt lở và hỗ trợ người dân sơ tán. Các biện pháp này đã giúp hạn chế đáng kể thiệt hại về người và tài sản.

Ngoài Sơn La, Hà Nội và Hòa Bình, nhiều tỉnh thành khác ở miền Bắc cũng đang đối mặt với nguy cơ mưa lũ nghiêm trọng. Các tỉnh như Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái đang trong tình trạng cảnh báo đỏ về mưa lũ. Chính quyền các địa phương hiện đang triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp, bao gồm việc sơ tán người dân khỏi các khu vực nguy hiểm và gia cố các công trình thủy lợi và liên tục cập nhật thông tin thời tiết để kịp thời đưa ra cảnh báo cho người dân có thể chủ động phòng tránh.

Miền Tây: Lốc xoáy gây sập, tốc mái 150 căn nhà

Ngày 28/7, cơ quan chức năng các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, An Giang cho biết lốc xoáy xảy ra vào sáng 27/7 làm 150 căn nhà sập, tốc mái, hàng trăm cây ăn trái ngã đổ, ước tính thiệt hại tài sản hàng tỷ đồng. Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre lúc 1 giờ 30 ngày 27/7, tại xã Sơn Định, Tân Thiềng, Hưng Khánh Trung, thị trấn Chợ Lách đã xảy ra lốc xoáy làm 84 căn nhà tốc mái; ngoài ra còn gây thiệt hại 3ha cây trồng, cây ăn trái, nhà lưới cây giống, ảnh hưởng một phần lưới trung thế, nhiều biển quảng cáo.

Nhiều nhà dân tốc mái do lốc xoáy

Tại tỉnh An Giang, ông Lương Huy Khanh - Chánh văn phòng Ban chỉ huy ứng phó biến đổi khí hậu - phòng chống thiên tai và phòng thủ dân sự tỉnh cho biết: Khoảng 0 giờ 20 sáng 27/7, trên địa bàn huyện Thoại Sơn xảy ra mưa, lốc xoáy mạnh khiến 33 căn nhà của người dân 8 xã, thị trấn như: Phú Thuận, Vĩnh Trạch, Vĩnh Khánh, Mỹ Phú Đông, Bình Thành, Vĩnh Chánh, Định Mỹ và xã Vọng Thê tốc mái, xiêu vẹo, nhiều căn nhà của người dân tốc mái hoàn toàn. Mưa dông, lốc xoáy mạnh còn làm đổ 6 trụ điện trung thế gây mất điện tại nhiều khu vực và đổ nhiều cây cối, ảnh hưởng giao thông trên địa bàn. Thống kê ban đầu thiệt hại khoảng 500 triệu đồng.

Còn theo Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang, khoảng 1 giờ 30 cùng ngày, trên địa bàn huyện Cái Bè xuất hiện lốc xoáy khiến 1 người bị thương, 33 căn nhà sập và tốc mái, ngã đổ 264 cây sầu riêng, xoài, nhãn, ước tính thiệt hại khoảng 747 triệu đồng. Theo báo cáo, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang xảy ra 11 cơn lốc xoáy, gây hư hại 179 căn nhà (trong đó sập 14 căn, tốc mái 165 căn), ngã đổ 264 cây ăn trái, với tổng thiệt hại hơn 3,4 tỷ đồng.

NGUYỄN NHÂN

Bình luận (0)

Lên đầu trang