TPHCM: Thu tiền rác mỗi nơi mỗi kiểu?

Thứ Sáu, 05/01/2024 09:15

|

(CATP) Thời gian qua, tại TPHCM diễn ra tình trạng các hộ gia đình phải đóng thêm tiền vận chuyển rác với mức giá khác nhau, ngoài số tiền hằng tháng phải đóng cho lực lượng thu gom rác dân lập. Việc này đã dẫn đến cảnh "loạn giá” thu gom rác, khiến dư luận người dân không đồng tình.

Tự đưa đơn giá

Hiện TPHCM đang giao UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện ban hành và thu giá dịch vụ cụ thể thu gom, vận chuyển và xử rác sinh hoạt tại địa phương trong thời gian chờ ban hành quy định mới về giá dịch vụ theo Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020. Chính vì vậy, các địa phương phải tự đưa ra đơn giá thu gom và vận chuyển rác, điều này gây ra tình trạng mỗi nơi thu một kiểu.

Đơn cử tại Q7, mỗi phường lại thu mỗi giá. Cụ thể, ở P.Bình Thuận, trước dịch Covid-19, tiền rác tăng từ 30.000 lên 50.000 đồng. Do đó, một số hộ dân phản đối đã không đăng ký đổ rác. Người đi thu tiền chỉ đưa tờ biên lai ghi "HTX thương mại dịch vụ môi trường quận 7", kèm mã số thuế, còn số tiền, người nhận được ghi bằng tay. Sau dịch thì giá là 70.000 đồng. Bà N.T.T (72 tuổi, trú P.Bình Thuận) thắc mắc: "Nhà con gái tôi ở Q4, thời điểm trước dịch mỗi tháng đóng tiền rác chỉ 20.000 đồng, hiện nay là 48.000 đồng. Không hiểu sao Q4 và Q7 giáp nhau nhưng tiền rác thu mỗi nơi mỗi giá”.

Cũng tại Q7, nhà chị L.T.V (48 tuổi, trú P.Tân Quy) mỗi tháng đóng tiền rác 50.000 đồng. Mới đây, chị nhận được biên lai phụ thu thêm 20.000 đồng/tháng từ tổ trưởng dân phố nên không khỏi bức xúc. Bởi theo chị V, cùng là tiền rác nhưng khoản thu gom thì đóng cho lực lượng thu gom, khoản vận chuyển thì đóng cho địa phương. Tại sao không thống nhất một đầu mối? Còn những gia đình thuê trọ trên đường Lê Văn Lương (P.Tân Quy, Q7) thì đóng trực tiếp cho chủ nhà với giá 50.000 đồng/tháng. Ngoài ra, họ không phải đóng thêm bất cứ loại phí nào.

Tương tự, ông Đ.T.K (trú P.Linh Trung, TP.Thủ Đức) chia sẻ, hàng tháng nhà ông đều đóng tiền cho lực lượng thu gom, vận chuyển rác với mức 50.000 đồng. Vì vậy, gia đình rất bất ngờ khi nghe tổ trưởng tổ dân phố thông báo đóng thêm tiền thu giá dịch vụ vận chuyển rác năm 2023 với mức 232.000 đồng. Tính ra, mỗi tháng nhà ông K. phải tốn khoảng 70.000 đồng để được thu gom, vận chuyển rác.

Chị N.C.T (ngụ P10Q6) cho biết, mỗi tháng chị đã đóng tiền dịch vụ thu gom rác cho đơn vị thu gom rác tư nhân với giá 40.000 đồng. Tuy nhiên, tháng 7 vừa qua, chị nhận được thông báo của UBND phường về việc thu giá dịch vụ vận chuyển rác thải rắn sinh hoạt sử dụng vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 với giá 120.000 đồng/năm. Chị T. thắc mắc vì sao lại phải đóng 2 khoản tiền rác cho 2 nơi như thế.

Công nhân thu gom rác thải tại TPHCM

Anh N.V.H (trú xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) bức xúc: "Trước đây, tôi trả cho người thu gom khoảng 45.000 - 50.000 đồng/tháng, nhưng gần một năm nay, phải đóng thêm lên 64.000 đồng. Hỏi ra mới biết, người thu gom rác dân lập sẽ thu giúp phí vận chuyển, sau đó đóng lại cho Nhà nước. Chưa hết, có nơi tổ trưởng dân phố thu phí vận chuyển, còn chỗ tôi ở lại là người thu gom rác thu luôn. Mỗi nơi thu một kiểu như vậy thấy không ổn".

Qua khảo sát của chúng tôi, tại các quận 10, Phú Nhuận, mức thu hiện tính cho mỗi hộ/tháng dao động từ 70.500 - 100.000 đồng (bao gồm giá thu gom tại nguồn 50.000 đồng cộng giá vận chuyển 20.500 đồng khi lượng rác thải dưới 125kg). Mức thu năm 2022 là 63.500 đồng và dự kiến đến năm 2025 mức thu sẽ là 83.500 đồng. Còn huyện Bình Chánh, mức giá đang áp dụng là 87.000 đồng (tăng 14.000 đồng so với năm 2022), đến năm 2025 dự kiến mức thu là 114.000 đồng/hộ/tháng. Tương tự, ở quận Gò Vấp, mức thu từ 128.000 - 171.000 đồng (giá thu tại nguồn là 91.000 đồng, giá vận chuyển 37.000 đồng khi nguồn thải phát sinh dưới 250kg).

Cần hợp lý và đồng bộ

Liên quan giá vận chuyển rác, Sở TN-MT đã báo cáo UBND TPHCM các khó khăn trong triển khai xây dựng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt. Theo Sở TN-MT, từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực đến nay, chưa có tỉnh, thành phố nào ban hành giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, cũng như chưa có hướng dẫn cụ thể nào đối với phương pháp xây dựng và tính giá cụ thể dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Trong khi đó, giá cụ thể cho dịch vụ vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt do thành phố ban hành có thể cao hơn hoặc thấp hơn so với giá trúng thầu tại các địa phương.

Từ những khó khăn trên, Sở TN-MT cho rằng dự thảo ban hành giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt cần lấy ý kiến góp ý nhiều lần để hoàn thiện trước khi trình UBND TPHCM ban hành. Trong thời gian chờ ban hành quy định mới về giá dịch vụ theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Sở TN-MT kiến nghị tiếp tục thực hiện quy định hiện hành của UBND TPHCM - Quyết định 38 năm 2018 về giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và giá tối đa dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước; Quyết định 20 năm 2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 38 - để ban hành và thu giá dịch vụ cụ thể thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương.

Theo Sở Tài chính TPHCM, mỗi ngày thành phố phát sinh khoảng 10.000 tấn rác thải sinh hoạt, tính ra, chỉ riêng công tác xử lý, mỗi năm thành phố phải chi hơn 1.700 tỷ đồng; còn nếu tổng cộng chung cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thì mỗi năm thành phố chi khoảng 3.000 tỷ đồng. Như vậy, phí thu gom rác từ người dân mới chỉ đủ bù cho công tác thu gom tại nguồn và một phần chi phí vận chuyển, tức thành phố đang phải chi hơn 50% ngân sách cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải.

Mới đây, khi Sở TN-MT TPHCM báo cáo về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường đã giao Sở TN-MT tiếp thu ý kiến của các đơn vị có liên quan. Từ đó hoàn thiện các phương án triển khai giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác sinh hoạt trên địa bàn thành phố. Một số ý kiến cho rằng, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải hiện không phù hợp với yêu cầu xử lý chất thải công nghệ cao. Việc điều chỉnh giá được xem là nền tảng để tạo nội lực cho thành phố nâng cao hiệu quả xử lý chất thải, cải thiện chất lượng môi trường trong thời gian tới.

TPHCM đang xây dựng bảng giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt theo khối lượng và có lộ trình tăng giá qua các năm để bảo đảm tính đúng, tính đủ các công đoạn theo quy định. Việc điều chỉnh giá được xem là nền tảng để tạo nội lực cho thành phố nâng cao hiệu quả xử lý chất thải, cải thiện chất lượng môi trường trong thời gian tới; đồng thời góp phần giảm chi cho ngân sách thành phố.

Bình luận (0)

Lên đầu trang