Một lời khuyên, nhớ 40 năm

Chủ Nhật, 25/06/2023 12:55

|

(CATP) Năm 1983, khi cả nước còn sống trong cảnh "gạo đong, củi ký” thì Bảy Thành là một trong số ít người giàu có, tài sản dư thừa. Ngoài hai ngôi nhà to nằm mặt tiền đường Lý Thường Kiệt, một cửa hàng kinh doanh sắt thép, còn một xưởng rộng ngàn mét vuông sản xuất các mặt hàng kim khí.

Sau cuộc trò chuyện về nghề nghiệp, Bảy Thành mời tôi đến nhà hàng to nhất trong vùng, chiêu đãi cuộc kỳ ngộ. Trong lúc đối ẩm, tôi hỏi: "Tại sao ông giàu vậy?". Người đàn ông lớn hơn tôi 20 tuổi nói liền: "Chú phải tự hỏi tại sao mình chưa giàu thì đúng hơn...". Rồi ông cầm bàn tay tôi đưa lên ngang mặt, xuýt xoa: "Bàn tay còn trắng trẻo quá, chứng tỏ cuộc sống còn thảnh thơi, chưa ma sát nhiều với đời, chưa nếm những vị chua cay...". Bảy Thành đặt hai bàn tay lên bàn, lật qua lật lại cho tôi thấy những vết trầy xước ngang dọc, có cả vết cắt mới vừa liền da, kẽ móng tay thì bị bám đen bởi dầu, nhớt, gỉ sắt.

Người đàn ông bộc trực nói luôn: "Hồi cỡ tuổi chú, mình đạp xe ba gác đi mua phế liệu. Sau một thời gian bỏ mối cho các chủ vựa, mình thấy có những món đồ nhôm, sắt, i-nốc bị sứt, gãy vẫn có thể sửa chữa, hàn vá lại để tái sử dụng, bán có giá hơn là đem cân ký. Thế là mình chuyển qua thu mua hàng kim khí cũ... Từ làm vài cái, thời gian đưa mình lên làm chủ xưởng, không làm đồ phế thải nữa, mà mua nguyên liệu, chế tạo các vật dụng cho gia đình và theo đơn đặt hàng của công ty, xí nghiệp... Đơn giản vậy thôi".

Nhà báo, nhà văn Trần Tử Văn (nguyên Phó Tổng biên tập Báo Công an TPHCM)

Nghe vậy nhưng tôi thấy không đơn giản chút nào, có bao nhiêu người mua phế liệu mà trở thành chủ xưởng? Thấy tôi ngồi nghĩ ngợi, người từng trải nói tiếp: "Mình học hành không nhiều, nhưng rất thích câu chuyện Sông Đông êm đềm của nhà văn Mikhail A.Sholokhov, mê tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió của Margaret Mitchell, ngưỡng mộ tài tử đẹp trai Alain Delon nổi tiếng của Pháp... Xem phim, đọc sách, nghe nhạc giúp mình thư thả đầu óc và say mê với công việc hơn. Mình thích chú, đời còn dài lắm, nếu muốn giàu có, thành công, người ta làm ngày 8 tiếng, mình làm 10 - 12 tiếng, làm mửa mật, làm chết bỏ...

Theo thời gian, số giờ mình làm dư dôi sẽ trở thành sự kiên nhẫn tuyệt vời, công lao động gấp bội, nếu tính độ dài con đường thì mình đã bỏ xa những người làm việc bình thường rồi, có đúng không?". Tôi gật đầu. Ông lại nói: "Tuổi trẻ là để cống hiến, hy sinh, tạo dựng sự nghiệp, nên bỏ bớt những thứ ăn chơi vớ vẩn, chưng diện màu mè đi. Hai mươi năm gian khổ để đổi lấy thành tựu trọn đời, còn hơn cả cuộc đời cứ bập bềnh, cứ đứng sau lưng người ta. Chú nhớ lời khuyên của một tỷ phú Mỹ không: Thay vì bỏ 500 đô-la để mua một chiếc giỏ xách hàng hiệu mà trong giỏ chẳng có đồng nào thì nên mua chiếc giỏ 50 đô-la thôi, để trong giỏ còn 450 đô-la mà chơi ngang hàng với người ta... Chí lý không?".

Tôi cảm ơn Bảy Thành về bữa ăn và những lời tâm huyết, chí tình, một bài học thực tiễn mà không phải lúc nào ta cũng được truyền đạt.

* *

*

Sau này, khi giao tiếp với những người có năng lực, làm ăn thành đạt, tôi không đặt câu hỏi cũ mèm mà nhiều nhà báo hay dùng, như "bí quyết nào?", "phương pháp ra sao?", mà chỉ hỏi "điều gì cần nhất cho nghề nghiệp?" thì hầu như ai cũng nói: "thích thú, đam mê”. Chính yếu tố này đã giúp con người vượt mọi khó khăn, tìm tòi, học hỏi, nảy sinh những sáng tạo và tận tụy với công việc.

Ngày nay, người ta đã không còn ngạc nhiên khi thấy những anh nông dân chân đất chế tạo máy bay, máy gặt lúa, máy gieo hạt, sửa chữa xe tăng..., những sáng chế hữu dụng mà nhiều kỹ sư, người có bằng cấp không thể làm được. Lý thuyết được đúc kết từ thực tiễn, nhưng thực tiễn thì luôn luôn vận động, mỗi ngày, mỗi giờ đều phát sinh những cái mới, nên lắm khi lý thuyết bị rơi lại phía sau, không còn hiệu quả khi đưa ra ứng dụng.

Từ lúc gặp ông chủ tay chân lem luốc Bảy Thành và một số người yêu nghề khác, tôi quyết tâm noi gương họ, làm việc với tinh thần "chết bỏ”, quyết đổi thay giá trị con người. Những bài học cụ thể, sống động về mưu sinh, lập nghiệp ở đâu cũng có, vấn đề là ta nhìn nó với đôi mắt như thế nào, học hỏi ra sao. Tôi nhớ trước năm 1975, chỉ cần tấm bằng tú tài (tốt nghiệp trung học phổ thông), nhiều người đã có thể làm việc ung dung ở các công sở, các công ty tư nhân và đời sống bảo đảm ở mức trên trung bình.

Một nền giáo dục khoa học, căn bản sẽ cung cấp cho xã hội những lớp người có tri thức, biết hành động, luôn thượng tôn danh dự, giữ gìn phẩm chất. Tôi cũng biết cùng trong khu vực, có người học hành không nhiều nhưng là chủ 4 xưởng thuộc da, cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở đóng giày, làm đồ nội thất; một người từ làm công trở thành ông chủ 5 cây xăng, cuộc sống phú quý, vinh hoa; một người chỉ có một dàn sản xuất đèn cầy (nến) mà thân thế đứng trên nhiều người...

Nhà báo Trần Tử Văn trong đợt cứu trợ lũ lụt tại Chắc Cà Đao (An Giang) ngày 13/10/1994

Sự thành đạt của một con người có thể tựu trung nhiều yếu tố, nhưng không thể thiếu tố chất "dám nghĩ, dám làm". Chỉ có lao động, miệt mài với công việc mới khai phá tư duy, phát huy được khả năng tiềm ẩn hoặc nhận ra giới hạn năng lực của một con người. Không chỉ lời khuyên của Steve Jobs "Muốn thành công phải chấp nhận hàng trăm lần té ngã”, mà còn có vô số hình ảnh đáng kính, đáng yêu về tinh thần lao động, mang lại những giá trị hữu ích, lớn lao cho cuộc sống chung của nhân loại; trường hợp phải nghiên cứu, thử nghiệm đến 10.000 lần mới tìm được chất liệu phát sáng bóng đèn điện của Thomas Edison là một dẫn chứng vĩ đại nhất...

Nếu ta chấp nhận một cuộc đời "cuốn theo chiều gió” thì không có gì phải bàn luận, muốn bước lên đỉnh cao của cuộc sống thì "thiên kinh vạn quyển" cũng không thể nói hết khả năng và trí tuệ của con người. Trong 8 triệu loài động vật hiện hữu trên trái đất, con người được xếp vào vị trí "sinh vật thượng đẳng" là do luôn luôn tìm cách nâng cao giá trị cuộc sống của mình. Từ thuyết "Tiến hóa" của Darwin cho đến thuyết "Tương đối" của A.Einstein đều nói lên năng lực vận động, ý thức làm chủ thiên nhiên cũng như sự cân bằng trong nhận thức và hành động của con người.

Ngày nay, nhân loại đã đến nơi rất xa trên dải ngân hà, đã biết có những gì ở nơi sâu nhất trong lòng đại dương, nhưng không thể khỏa lấp những "chiếc hố nhân sinh" trong đời sống xã hội, mà sự cách biệt ấy, hiện thực ấy có những nơi không khác gì... thời kỳ Trung cổ. Trong khi mỗi năm trên thế giới có khoảng 1,3 tỷ người sống trong tình trạng nghèo đói, thiếu lương thực, trong đó có một nửa là trẻ em và người trẻ tuổi thì nhiều cuộc chi phí xa hoa vẫn diễn ra, như World Cup mới đây tổ chức ở Qatar, nước chủ nhà đã chi 230 tỷ đô-la (gấp 20 lần số tiền mà nước Nga đã bỏ ra cho kỳ World Cup trước đó) chỉ nhằm ghi tên vào cuộc tranh tài lớn nhất hành tinh và thể hiện sự giàu có của một nước nhỏ vùng Trung Đông. Trong khi có nhiều nơi mỗi ngày người dân chỉ sống vỏn vẹn với 1 đô-la Mỹ (tương đương khoảng 24.000 đồng) thì 2.200 tỷ phú trên thế giới sở hữu số tài sản hơn 4,6 tỷ người cộng lại, tương đương 60% dân số hiện diện trên địa cầu... Ai cũng muốn mình đứng trong tầng lớp trên, không ai muốn mình "dâng hiến" một đời người cho cảnh tối tăm, đau khổ cả.

Trước cảnh oan trái của xã hội hiện nay, ông Nguyễn Lịnh Nhân Đức, người Việt Nam đầu tiên chế tạo robot lặn biển (phục vụ cho ngành dầu khí và thám hiểm đại dương), từng được nhiều đài truyền hình quốc gia và truyền thông thế giới phỏng vấn, làm phóng sự, đã than thở với tôi: "Thượng đế (nếu có) thì ngài cũng vô tình lắm!". Tôi hiểu chữ "vô tình" của ông, nhưng không thể trách Thượng đế. Bởi vì xã hội loài người ngày nay không ít ỏi, sống chậm rãi, vô tư như thời kỳ ông Adam và bà Eva, mà tất cả đều quay cuồng, đến mức cả máy điện toán có lúc còn phải "đứng hình".

* *

*

Ngày 07/5/2023 là dấu mốc quan trọng của đời tôi, kỷ niệm 45 năm chính thức nhận việc tại Báo Công an TPHCM (nay đổi tên là Chuyên đề Công an TPHCM), trở thành người cầm bút chuyên nghiệp. Gần nửa thế kỷ xoay vần với những con chữ, đến nay tôi đã viết khoảng 2.500 bài báo (có những bản in và viết tay còn lưu trữ); cho ra đời 40 quyển tiểu thuyết và truyện ký, 2 tập thơ, 8 bộ phim truyện, 2 kịch bản sân khấu; được trao 10 giải thưởng trên tất cả lĩnh vực báo chí, văn học, điện ảnh. Một gia sản đánh đổi bằng trí lực, sự đam mê, lòng kiên trì, hy sinh nhiều cuộc vui chơi, thụ hưởng bình thường của cuộc sống.

Nói thế không có nghĩa là tôi sống như một tu sĩ. Trong ngần ấy thời gian, tôi được diễm phúc đã đi khắp dải sơn hà, đã đến nhiều quốc gia, dành nhiều thời gian tham gia vào các lĩnh vực văn hóa, thể thao, sưu tập tranh, đồ xưa, cổ vật, giao tiếp với giới "tao nhân mặc khách", chính trị gia, doanh nhân thành đạt, đặc biệt là cúi mình để chan hòa cùng hơi thở của thành phần cô thế, khổ đau, bất hạnh. Trong 30 năm làm công việc xã hội - từ thiện, các nghịch cảnh chua xót của đời sống con người càng làm cho tinh thần tôi thêm rắn rỏi, nhẫn nại chịu đựng những thử thách cam go, lắm khi nghiệt ngã của dòng đời. Nói như A.Pushkin: "Chỉ có ý thức độc lập và lòng tự trọng mới có thể nâng chúng ta lên trên những nhỏ nhen của cuộc sống và những bão táp của số phận...", và những ước mơ từ tuổi 15 - 18 của tôi đã trở thành hiện thực.

Cho dù ngày mai thế nào thì "Chim vẫn hót, em ơi, chim vẫn hót", như một bài thơ tôi làm tặng người vợ dấu yêu. Trong một chiều hoài niệm cuộc hành trình đằng đẵng đã qua, tôi bỗng nhớ đến anh Bảy Thành, một người mua phế liệu trở thành chủ xưởng, khi giàu có đôi tay vẫn chai sần, lem luốc, vẫn chí thú làm ăn. Một tri thức rất bình dị. Những lời khuyên chân tình của anh như vẫn đọng lại bên tai, là một trong những nhát cuốc đầu tiên giúp tôi noi theo để mở con đường đi đến tương lai.

Bình luận (0)

Lên đầu trang