Nên mở "luồng xanh" cho người dân thuận lợi trong đi lại

Thứ Sáu, 08/10/2021 11:26

|

(CATP) Với chiến lược sống chung với Covid-19 an toàn cho cá nhân và cộng đồng, Bộ Y tế (YT) cần nhanh chóng soạn thảo, ban hành càng sớm càng tốt bộ tiêu chí kiểm soát (KS) dịch áp dụng trên toàn quốc. Qua đó sẽ tránh được việc mỗi nơi chống dịch mỗi kiểu làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân lẫn doanh nghiệp (DN).

Người dân về quê đã được cách ly tại nhà

Trên số Báo CATP phát hành ngày 7-10, liên quan đến vấn đề cách ly tại nhà (CLTN) cho những người tự phát về quê, chúng tôi đã đề nghị nên để họ được CLTN, dựa trên cơ sở công văn về áp dụng biện pháp phòng chống (PC) dịch của Bộ YT.

Và ngay trong ngày 7-10, nhiều tỉnh thành ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã áp dụng biện pháp này, như Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng... Thậm chí Kiên Giang (đã đón gần 42.000 người dân trở về) chỉ cần test nhanh âm tính là cho CLTN. Tỉnh An Giang cũng làm tương tự, với người chưa tiêm nếu xét nghiệm (XN) âm tính cũng được CLTN. Riêng Sóc Trăng chỉ cho CLTN những người đã tiêm 2 mũi và trường hợp tiêm 1 mũi vắc-xin quá 14 ngày. Cách ứng phó phòng dịch của các tỉnh ĐBSCL rất linh hoạt, gần giống như việc áp dụng "hộ chiếu vắc-xin". Vấn đề căn bản là công tác phòng dịch, nếu các địa phương tổ chức công tác này tốt thì việc tiếp đón người dân trở về quê là chuyện bình thường.

Trong đề xuất khác, để tạo điều kiện cho người dân đi lại dễ dàng mà vẫn đảm bảo công tác phòng dịch, đăng trên Báo CATP ngày 6-10, chúng tôi cũng đã đề cập đến việc sử dụng "hộ chiếu vắc-xin", khi mà nhu cầu đi lại hiện nay của người dân rất cao, kể cả việc bà con ở TPHCM về quê đón hơn 100.000 học sinh đang tránh dịch ở khắp các địa phương quay về TPHCM học tập.

Hiện Bộ YT chỉ mới hướng dẫn XN, CL khi di chuyển giữa các vùng nguy cơ mà chưa quy định rõ ràng trường hợp người ở vùng có nguy cơ, nguy cơ cao về các địa phương có tình hình dịch khác nhau. Vấn đề này, thiết nghĩ cũng giống việc lưu thông hàng hóa mà Bộ GTVT đã quy định, người di chuyển cần có "thẻ xanh Covid-19" và XN nhanh âm tính trong vòng 72 giờ cho cả người đi đón lẫn người được đón là đã đảm bảo công tác PC dịch. Càng đơn giản thủ tục di chuyển nhưng phải đảm bảo công tác PC dịch cũng là tạo điều kiện cho các DN, công dân sống trong điều kiện bình thường mới, sống chung an toàn với dịch Covid-19 cho cá nhân và cộng đồng. Tuy nhiên, do phân cấp nhiệm vụ và trách nhiệm trong công tác PC dịch cho địa phương, nhiều nơi sợ trách nhiệm nên mỗi nơi lại có quy định khác nhau về công tác nhạy cảm này.

Cảnh sát giao thông Công an Đồng Nai dẫn đoàn đưa người dân về quê

Cho đến nay, trên thực tế nhiều địa phương đã KS được dịch rất muốn mở cửa, khôi phục nền kinh tế, nhưng việc kiểm soát đi lại của người dân ở mỗi tỉnh thành vẫn chưa thống nhất đã gây không ít khó khăn.

Cần vượt qua "nỗi sợ thái quá”

Một khi Chính phủ đã thay đổi chiến lược PC dịch, không thể yêu cầu "zero Covid-19" mà bắt buộc phải sống chung an toàn với Covid-19, thì tư duy phải khác. Cần vượt qua nỗi sợ hãi thái quá để tìm cách mở cửa phát triển kinh tế, khi nhiều tỉnh thành đã thực hiện giãn cách xã hội quá lâu, sản xuất, thương mại đình đốn. Vậy thì nên áp dụng biện pháp đi lại bằng "hộ chiếu vắc-xin" với những người đã được tiêm ngừa.

Điều khó khăn nhất của Việt Nam hiện nay là tỷ lệ tiêm vắc-xin ở các địa phương rất khác nhau. Trong khi TPHCM, các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam; Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng... có tỷ lệ tiêm ngừa rất cao, thì nhiều địa phương khác độ phủ này vẫn còn thấp. Vấn đề có thể giải quyết trong nay mai khi tháng 10 và những tháng sắp tới lượng vắc-xin về nhiều, trong đó nước ta cũng đã sản xuất vắc-xin Sputnik - V của Nga, để cuối năm ít nhất 70% dân số được tiêm ngừa. Bộ YT cần nhanh chóng soạn thảo, ban hành càng sớm càng tốt bộ tiêu chí KS dịch đối với việc đi lại của người dân và có thể áp dụng ngay từ bây giờ với những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin và cả cho người đã tiêm 1 mũi.

Chúng ta đã chấp nhận chiến lược sống chung với Covid-19 an toàn cho cá nhân và cộng đồng thì rất cần bộ tiêu chí KS dịch Covid-19 áp dụng trên toàn quốc. Song song đó cần triển khai ngay những biện pháp được cho là "mới" nhưng thực ra nhiều quốc gia đã áp dụng, như CL khoanh vùng khu vực nhỏ, cho các DN tự chịu trách nhiệm test nhanh Covid-19, cho phép bán công khai các bộ test nhanh kháng nguyên trong các nhà thuốc để người dân tự tầm soát dịch bệnh và cơ quan YT nhà nước cần công nhận kết quả này...

Đã sống chung thì phải chấp nhận có ca Covid-19 mới trong cộng đồng, vấn đề là năng lực hệ thống YT cộng đồng, năng lực trong công tác PC dịch phải được nâng cấp. Cả nâng cao trách nhiệm của chính quyền các địa phương, cần vượt qua những nỗi sợ hãi vô hình để sống chung với Covid-19 một cách khoa học, an toàn.

Để tiếp tục thực hiện các giải pháp KS dịch bệnh đồng thời đảm bảo người dân có nhu cầu cần thiết, chính đáng được đưa đón về quê an toàn, chu đáo, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký ban hành Công điện 1314/CĐ-TTg ngày 7-10-2021 của Thủ tướng gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực Trung ương, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về việc phối hợp đưa đón người dân có nhu cầu cần thiết, chính đáng được về quê an toàn, chu đáo. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu:

1. Các tỉnh, thành phố (TP) trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện 1625/CĐ-TTg ngày 30-9-2021, Công điện 122 DK ngày 1-10- 2021 của Văn phòng Chính phủ. Việc phối hợp đưa, đón người dân phải được thực hiện nhanh, nhịp nhàng hơn, không để ùn ứ tại các điểm KS cửa ngõ.

2. Với các địa phương mà tình hình dịch bệnh còn chưa KS hoàn toàn nhưng đã dừng thực hiện Chỉ thị 16 tiếp tục vận động, thuyết phục người dân yên tâm ở lại gắn với hỗ trợ an sinh và thực hiện khôi phục sản xuất kinh doanh an toàn. Đối với những người vẫn muốn về quê cần chủ động lập danh sách thông báo cho địa phương nơi đến và tổ chức đưa, đón đến tận nơi đến. Với những người đã ra tới các chốt KS cửa ngõ của tỉnh, TP để về quê thì phải thực hiện ngay việc phân nhóm, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn dịch tễ, liên hệ với tỉnh, TP nơi đến và tổ chức đưa người dân đi. Các tỉnh, TP dọc đường đi có trách nhiệm phối hợp đảm bảo giao thông thông suốt và có sự hỗ trợ nếu cần thiết. Tỉnh, TP nơi đến có trách nhiệm đón, nhận bàn giao và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch theo quy định.

3. Các tỉnh, TP nếu phát hiện có người dân tự phát từ vùng có dịch về quê đang đi qua địa phương mình cần chủ động hỗ trợ cần thiết, thông báo cho tỉnh, TP nơi đến và tổ chức đưa người dân di chuyển an toàn không để lây lan dịch bệnh. Bố trí phương tiện chuyên chở thuận lợi nếu người dân không có phương tiện phù hợp.

4. Bộ YT phân bổ ngay vắc-xin sau khi tiếp nhận, ưu tiên sớm hơn cho các tỉnh có nhiều người dân từ vùng dịch về; hỗ trợ phương tiện, sinh phẩm XN; hỗ trợ thuốc để các địa phương có người dân trở về XN kịp thời, sẵn sàng điều trị khi có ca nhiễm Covid-19 mới. Căn cứ yêu cầu các địa phương, Bộ YT, Bộ Quốc phòng tăng cường, hỗ trợ nhân lực đảm bảo công tác PC dịch...

T.B

Bình luận (0)

Lên đầu trang