Nghệ An: Nhiều thôn bản tan hoang sau mưa lũ

Thứ Tư, 23/07/2025 20:24

|

(CAO) Tính đến chiều 23/7, tại tỉnh Nghệ An vẫn còn hàng nghìn hộ dân, nhiều thôn bản bị cô lập, chia cắt và mất điện hoàn toàn do mưa lũ. Hàng nghìn ha cây nông nghiệp và nhiều tài sản khác bị thiệt hại nặng nề.

Chiều 23/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do lũ lụt trên địa bàn xã Con Cuông (tỉnh Nghệ An).

Báo cáo tại hiện trường, ông Nguyễn Hoài An – Bí thư Đảng ủy xã Con Cuông cho biết, mưa lũ đã khiến 24 thôn bản bị ngập, trong đó 10 thôn bản bị cô lập hoàn toàn, 5 thôn bản bị cô lập một phần.

Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục thiệt hại do mưa lũ tại tỉnh Nghệ An

Ngay khi lũ kéo về, cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị, lực lượng Quân sự, Công an xã đã tổ chức di dời 2.000 nhân khẩu của 650 hộ dân cùng một số tài sản đến điểm khô ráo, an toàn. Theo đó, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn xã đã khẩn trương triển khai đồng bộ các phương án ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo an toàn cho nhân dân. Xã duy trì công tác trực ban, theo dõi sát tình hình, sẵn sàng triển khai phương án dự phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” để kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh.

Hiện toàn xã Con Cuông còn nhiều tuyến đường chính và đường thôn bản bị ngập nên chưa xác định được mức thiệt hại.

Sau khi nghe báo cáo tình hình, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính ghi nhận, đánh giá cao sự chủ động, tích cực, kịp thời của xã Con Cuông và tỉnh Nghệ An trong công tác ứng phó, khắc phục lũ lụt.

Phó Thủ tướng yêu cầu, xã Con Cuông và tỉnh Nghệ An tiếp tục chủ động, theo dõi sát tình hình thời tiết, diễn biến mưa lũ để đưa ra phương án ứng phó kịp thời. Trong đó, phải quán triệt nghiêm công văn chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng là không được chủ quan, phải khẩn trương triển khai phương án đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước. Công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra phòng, chống bão phải được tiến hành thường xuyên, chủ động và sát thực tế. Đặc biệt, phải chủ động rà soát các khu vực xung yếu để không bị động trong các tình huống có thể xảy ra. Dù hiện tại trời không mưa nhưng tuyệt đối không được chủ quan để người dân ra sông hay đi qua những nơi xung yếu.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, tính đến 17 giờ 30 chiều 23/7, toàn tỉnh đã di dời được 3.440 hộ dân ngập nặng ở các xã Tương Dương, Hữu Kiệm, Tam Hợp, Mường Quàng, Huồi Tụ, Quế Phong, Nga My, Tam Thái, Bắc Lý, Tam Quang, Tri Lễ, Con Cuông và Na Loi đến nơi trú tránh an toàn.

Một thôn bản bị lũ nhấn chìm

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn còn hàng nghìn hộ dân bị cô lập, chia cắt và mất điện hoàn toàn. Cụ thể, xã Tương Dương có 3.205 hộ ở 21 thôn bản, xã Tam Quang có 500 hộ ở 3 bản, xã Mường Xén có 4 khối, xã Châu Khê có 6 hộ, xã Hữu Khuông 44 hộ, xã Bắc Lý 536 hộ ở 8 bản, xã Mường Típ 3.000 hộ ở 9 bản, xã Châu Tiến 500 hộ ở 3 bản, xã Cam Phục 277 hộ ở 2 bản, xã Na Loi 356 hộ ở 5 bản, xã Nga My 75 hộ, xã Tam Hợp 8 hộ, xã Con Cuông 5 khối, xã Keng Đu, xã Mỹ Lý, xã Hữu Kiệm, xã Bắc Lý và xã Nhôn Mai.

Bản Cha Nga (xã Mỹ Lý) tan hoang sau lũ

Mưa lũ khiến 3 người chết gồm: bà Lỳ Y Dinh (SN 1955, trú bản Huồi Pốc, xã Nậm Cắn) bị nước cuốn trôi, bà Xừ Y Xìa (SN 1947, trú bản Huồi Cọ, xã Nhôn Mai) bị đất đá vùi lấp và 1 nạn nhân ở xã Bắc Lý chưa xác định được danh tính. Ngoài ra, mưa lũ cũng khiến 1 người mất tích và 4 người bị thương.

Một ngôi nhà nơi lũ quét qua

Về nhà ở có 450 nhà ở 20 xã bị tốc mái, 3.786 nhà ở 17 xã bị ngập nước, nhiều tài sản, thiết bị trường học cũng bị hư hỏng.

Về nông nghiệp mưa lũ gây thiệt hại 1.694,9ha lúa, 307,7ha mạ, 1.291,9ha rau màu, gần 991ha cây trồng hàng năm, 57ha cây trồng lâu năm, 30,7ha cây ăn quả tập trung, 647,2ha rừng bị đổ gãy, 929 cây bóng mát, cây đô thị bị gãy; 202 gia súc bị chết, 2.707 gia cầm bị chết và cuốn trôi, 5 chuồng trại bị hư hỏng; 156,7ha diện tích ao hồ nuôi thủy sản bị thiệt hại, 92 lồng bè bị hư hỏng.

Người dân đứng nhìn nước lũ cuốn sạch mọi thứ

Về giao thông, toàn tỉnh có 32 vị trí trên Quốc lộ, tỉnh lộ bị ngập nước, 27 vị trí taluy trên Quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở, 6 cầu treo, cầu sắt dân sinh bị lũ cuốn trôi và nhiều đoạn đường, cầu cống khác bị hư hỏng, sạt lở gây ách tắc. Theo thống kê, mưa lũ đã làm 37 cột điện bị đổ gãy, 1 trạm biến áp bị chập cháy, 1 trung tâm y tế bị ngập nước.

Những tài sản sót lại sau lũ

Hiện tại vẫn có nhiều địa phương bị cô lập, mất điện, mất liên lạc nên vẫn chưa nhận được số liệu thống kê đầy đủ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang