Trọn vẹn hành trình tri ân nơi đầu sóng

Thứ Tư, 23/07/2025 16:37

|

(CATP) Trung tuần tháng 7/2025, Đoàn công tác của Chuyên đề Công an TPHCM cùng các thầy cô giáo Trung tâm Anh ngữ và tài năng ASKademy, những đơn vị tài trợ đồng hành và Câu lạc bộ (CLB) Phóng viên nhí đã thực hiện chuyến giao lưu đặc biệt tại Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa). Hai ngày, ba điểm đến với rất nhiều bài học sâu sắc được rút ra. Chuyến đi không chỉ mang lời ca tiếng hát, thực hiện nghĩa cử tri ân với Bộ đội Hải quân, mà còn gieo vào lòng thế hệ trẻ tình yêu đất nước đằm sâu, chân thật.

Ở nơi thiêng liêng ấy!

Sự kiện đầu tiên trong hành trình cũng là điểm dừng chân đầy cảm xúc của đoàn công tác: Vòng tròn bất tử - Khu tưởng niệm 64 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Hải quân Nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong trận Hải chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988. Giữa mây trời và sóng gió, vòng tròn ấy như nhịp thở thiêng liêng khắc vào lòng người bài học lịch sử về sự bất khuất, kiên trung của những người lính biển.

Cả đoàn dâng hương, cúi đầu mặc niệm trước khói hương trầm mặc và những tấm bia khắc tên các Anh hùng - Liệt sĩ. Với những học sinh thành phố lần đầu tiên nhìn thấy các dòng tên khắc trên bia đá, lặng nghe câu chuyện xúc động từ những người đi trước, nhiều em vừa lau nước mắt vừa đặt tay lên trái tim mình - giây phút nghẹn ngào sâu sắc hơn cả trăm lời giảng trên lớp.

Thượng tá Phùng Văn Uẩn - Trung đoàn trưởng Trung đoàn Radar 451, Vùng 4 Hải quân - chia sẻ: "Chúng tôi rất cảm kích khi được đón các em học sinh và đoàn công tác từ TPHCM ra thăm. Những buổi trò chuyện, tiết mục biểu diễn, lời ca tiếng hát của các em đã tiếp thêm sức mạnh cho CBCS. Hai ngày cũng đủ lưu lại nhiều kỷ niệm đẹp và đáng nhớ"

Tại Cầu cảng số 02 - Quân cảng Cam Ranh, các em được tận mắt chứng kiến những con tàu chiến khổng lồ, tàu ngầm hiện đại, radar điều khiển... Không còn là hình ảnh trong sách vở, Tổ quốc hiện hữu qua những ánh thép lạnh, qua ánh mắt rắn rỏi của những người lính biển.

"Lần đầu tiên con được nhìn thấy tàu chiến thật và cũng hiểu vì sao các chú phải trực ngày đêm" - Đức An, một học sinh tiểu học chia sẻ.

Suốt hai ngày hoạt động, các phóng viên nhí không chỉ đi - xem - ghi chép, mà còn hóa thân thành những "lính hải quân nhí”. Từ trang phục chỉnh tề, nếp sinh hoạt công vụ, đến cách các em nghiêm trang đứng chào chỉ huy đơn vị, đặt tay lên trái tim trước Tượng đài Liệt sĩ hay tỉ mẩn ghi lại từng lời chia sẻ của các CBCS như đang nhận lệnh công vụ... Tất cả đều thể hiện tinh thần kỷ luật, lòng tự hào và sự tiếp nhận nghiêm túc giá trị thiêng liêng nơi biển đảo quê hương.

Các phóng viên nhí tự hào khi được khoác trên vai chiếc áo và đội lên đầu chiếc mũ Hải quân Nhân dân Việt Nam

Đêm giao lưu và những món quà chan chứa yêu thương

Buổi tối là một không gian khác - gần gũi và ấm áp hơn. Học sinh, đoàn công tác và các CBCS Trung đoàn 451 cùng xem và lắng nghe tiếng nhạc hùng tráng vang lên từ những thước phim lịch sử ghi lại chặng đường gian khổ mà oanh liệt của lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Không khí bắt đầu rộn ràng với Chương trình giao lưu văn nghệ đặc biệt do các chiến sĩ Hải quân, những ca sĩ thiện nguyện thuộc Hội Chữ thập đỏ Sen Việt cùng các phóng viên nhí của CLB Báo chí - Truyền thông ASKademy biểu diễn. Đây là kết quả của hành trình luyện tập suốt nhiều tháng - nơi các em hồ hởi tự chọn bài, tập hát, múa, dàn dựng chỉ để dành tặng các chú Bộ đội Hải quân.

Tiếng đàn ngân vang, giọng ca trong trẻo, ánh mắt lấp lánh niềm tự hào dân tộc của các em nhỏ đã thực sự chạm đến trái tim người lính. Không ít chiến sĩ lặng lẽ lau những giọt mồ hôi rơi lẫn nước mắt sau tiếng vỗ tay rộn rã. "Các con biểu diễn bằng cả tấm lòng - điều đó ai cũng cảm nhận được" - một chiến sĩ xúc động bày tỏ.

Các phóng viên nhí phỏng vấn những bạn nhỏ là con em CBCS Hải quân

Buổi giao lưu khép lại bằng phần trao tặng những món quà thiết thực từ đoàn công tác gửi đến đơn vị: kinh phí xây dựng hai vườn rau tăng gia, máy laptop, bộ sạc điện thoại, ba lô - sách vở - dụng cụ học tập cho con em CBCS. Đặc biệt, em Nguyễn Mạc Thục Quyên (12 tuổi) - Chủ nhiệm CLB Phóng viên nhí - đã dành tặng 10 triệu đồng tiền lì xì và 20 chiếc nón gửi đến các bạn nhỏ là con em CBCS đang công tác tại đơn vị, hành động tuy nhỏ nhưng thể hiện được lòng biết ơn rút ra từ những điều tử tế hàng ngày.

“Lần đầu tiên được sống như một "chiến sĩ nhí" em rất xúc động. Em hiểu rằng phía sau màu áo xanh là những hi sinh thầm lặng. Em muốn viết bài thật hay để kể lại cho các bạn chưa đi được chuyến này biết rằng tình yêu Tổ quốc đôi khi bắt đầu từ một cái bắt tay, một ánh mắt, một bài hát”, em Nguyễn Mạc Thục Quyên – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phóng viên nhí ASKademy nói.

Còn em Mã Minh Khuê - thành viên Câu lạc bộ phóng viên nhí bộc bạch: "Lần đầu đến thăm các chú bộ đội, con rất hồi hộp nhưng cũng vô cùng háo hức. Các chú thân thiện, gần gũi khiến con cảm thấy ấm áp như đang ở nhà. Điều khiến con xúc động nhất là sự kiên trì, nghiêm túc của các chú trong luyện tập dù thời tiết nắng nóng. Con cảm nhận được tình cảm chân thành qua ánh mắt, nụ cười và cả tiếng vỗ tay khi tụi con biểu diễn. Chuyến đi đã để lại trong con những kỷ niệm khó quên!".

Đảo xa - Gần lại những trái tim

Hôm sau, đoàn tiếp tục hành trình ra đảo Bình Ba - nơi có Trạm radar 570 sừng sững giữa biển trời Tổ quốc. Tàu rẽ sóng đưa đoàn tiến ra khơi, những vệt sóng trắng loang loáng chạy dài phía sau, mặt nước lấp lánh trong nắng sớm, lòng người rộn lên với cảm giác đang bước vào trang khác của câu chuyện người lính.

Chỉ huy Trung đoàn Radar 451 tiếp nhận tấm lòng của các nhà tài trợ đồng hành

Tới đảo, cả đoàn bắt đầu leo dốc lên trạm. Đường đi khúc khuỷu, gió thốc vào mặt từng cơn, nhưng không một ai than mệt. Tại đỉnh cao ấy, nơi từng tấc không gian đều được radar quét giữ, đoàn được đón tiếp bằng sự chân tình, giản dị nhưng đầy ấm áp. Lễ cắt băng khánh thành nhà lưới trồng rau diễn ra giản dị mà xúc động. Vườn rau tuy nhỏ nhưng ấm áp nghĩa tình - là lời cảm ơn, sự sẻ chia từ hậu phương vững chắc gửi đến những người lính kiên cường nơi tiền tuyến trong những ngày gian khó.

Trên đường về đất liền không còn tiếng cười đùa rộn rã, những phóng viên nhí từng náo nức cả quãng đường đi giờ chỉ im lặng, suy tư. Biển ngoài kia vẫn xanh, sóng vẫn vỗ nhẹ vào mạn tàu, nhưng lòng người đã có nhiều thay đổi.

Có em nắm chặt quyển sổ nhỏ, nơi lưu lại những dòng ghi chép đầu tiên về người lính biển. Có bạn ngoái nhìn dãy núi xa dần - nơi trạm radar lặng lẽ thu gió trời, canh giữ từng tầng không phận Tổ quốc.

Em Nguyễn Mạc Thục Quyên - Chủ nhiệm CLB báo chí truyền thông ASKademy - tặng quà và chụp hình lưu niệm với các bạn nhỏ ở đảo Bình Ba

"Con thấy mình lớn thêm một chút. Không phải vì được đi xa, mà vì được đứng trước những người lính biển kiên cường, rắn rỏi để nói lời cảm ơn" - phóng viên nhí Minh Khôi thì thầm như sợ ký ức sẽ biến mất.

Chuyến đi thực tế đến Cam Ranh đã kết thúc, nhưng hành trình trong tim mỗi người thì vừa bắt đầu. Những đứa trẻ trở về với lòng biết ơn sâu sắc, với câu hỏi chưa thể gọi tên cùng nỗi khát khao được hiểu thêm dải đất hình chữ S từ chính những người lính đang chắc tay súng ngày đêm bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Các anh lại quay về ca trực giữa dàn radar và biển trời bất tận, nhưng trong những khoảnh khắc lặng im nhất có lẽ họ sẽ nhớ về lời ca, tiếng hát hồn nhiên của các em nhỏ thành phố - thứ âm thanh khác lạ, dịu dàng xen giữa tiếng sóng và tần số máy móc quen thuộc.

Còn những thầy cô giáo, các đơn vị đồng hành sẽ mang theo ký ức của chuyến đi này như một lời nhắc nhở, rằng vẫn còn những thế hệ trẻ lớn lên với lòng biết ơn cùng khát vọng được hiểu thêm về biển trời quê hương bằng đôi chân, ánh nhìn và chính trái tim mình! 

Bà Nguyễn Thị Ngoan – Giám đốc Trung tâm Anh ngữ & Tài năng ASKademy chia sẻ: “Chuyến đi không chỉ giúp học sinh hiểu thêm về người lính hải quân mà còn là hành trình giáo dục lòng yêu nước sâu sắc. Các em đến không phải để tham quan đơn thuần, mà để kết nối, tri ân và trưởng thành trong từng trải nghiệm. Tôi tin những ký ức ở Cam Ranh sẽ theo các em suốt đời.”

Còn bà Mạc Thị Lệ Thủy – Tổng Giám đốc Công ty Homemas, đại diện Quỹ Vun Gốc xúc động: “Chúng tôi luôn tin vào việc gieo những hạt giống đẹp trong tâm hồn trẻ. Chuyến đi này là một minh chứng. Khi các con đứng trên sân khấu tặng khúc nhạc - lời hát cho các chú bộ đội, tôi thấy rõ sự tử tế và lòng biết ơn đang được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.”

Một số hình ảnh chuyến đi:

Bình luận (0)

Lên đầu trang