(CAO) Nhân viên lái xe của Văn phòng HĐND - UBND TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng) và lực lượng y tế tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 ở đèo Chuối, H.Đạ Huoai (Lâm Đồng) hướng dẫn thông tin cho người từ vùng dịch về tỉnh Lâm Đồng phải thực hiện việc cách ly y tế theo quy định; nhưng sau đó đã bị chủ trang “Người Lâm Đồng” đăng video gán ghép, tán phát nội dung không đầy đủ, sai sự thật, gây hoang mang dư luận, làm ảnh hưởng công tác phòng chống dịch.
Ngày 14/8, Công an tỉnh Lâm Đồng công bố thông tin, đã triệu tập làm việc, lập hồ sơ xử lý bước đầu, xử phạt hành chính đối với T.V.N. (SN 1989, trú P.Lộc Sơn, TP.Bảo Lộc), chủ trang Fanpage Facebook (FB) “Người Lâm Đồng”, địa chỉ đầu tiên đăng tải video sai sự thật, nội dung về “quy định cách ly y tế đối với người Lâm Đồng từ vùng dịch về đến chốt đèo Chuối” khiến sau đó, nhiều người khác share, like, bình luận không đúng bản chất sự việc, không đúng với quy định về phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh Lâm Đồng.
Theo đó, ngày 21/7/2021, trên mạng xã hội xuất hiện một video (thời lượng khoảng 3 phút), ghi lại hình ảnh một người đàn ông được cho là cán bộ của UBND TP.Bảo Lộc hướng dẫn quy định và chi phí cách ly y tế cho người dân” tại chốt kiểm soát dịch bệnh đèo Chuối (H.Đạ Huoai), được gán ghép với thông tin cho rằng “xuất hiện “cò” cách ly tập trung đối với người dân từ TPHCM về tỉnh Lâm Đồng với giá cả đắt đỏ" khiến người xem phẫn nộ và bức xúc.
Đoạn video với thông tin gán ghép trên nhanh chóng thu hút sự quan tâm của nhiều người ở cả trong và ngoài địa phương, được tán phát trên nhiều trang, hội, nhóm FB.
Cơ quan chức năng làm việc với đối tượng
Trước sự việc trên, Ban giám đốc Công an Lâm Đồng đã giao Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) phối hợp với các cơ quan chức năng nhanh chóng xác minh, làm rõ vụ việc.
Kết quả như sau: Người đàn ông xuất hiện trong video là ông Đặng Ngọc Hải - nhân viên lái xe của Văn phòng HĐND - UBND TP.Bảo Lộc. Vào khoảng thời gian từ 16h00 đến 20h00 ngày 20/7, có một nhóm công dân (6 người có hộ khẩu ở Bảo Lâm, trong đó có ông N.Đ.H.P. và 5 người khác) đi xe máy từ TPHCM về tỉnh Lâm Đồng, đến chốt kiểm soát dịch bệnh đèo Chuối (H.Đạ Huoai) thì được nhân viên y tế hướng dẫn về quy định cách ly y tế.
Tại thời điểm nêu trên, tỉnh Lâm Đồng quy định bắt buộc tất cả các trường hợp về từ vùng phong tỏa, vùng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 phải thực hiện cách ly 21 ngày tại cơ sở cách ly tập trung hoặc các cơ sở lưu trú có trả phí. Người dân ở huyện, thành phố nào của tỉnh thì sẽ được hướng dẫn liên hệ với cơ quan chức năng địa bàn đó để đưa về cách ly theo quy định hoặc có thể lựa chọn phương án cách ly tại TP.Bảo Lộc.
Những hình ảnh gán ghép trong bài viết của chủ trang FB "Người Lâm Đồng"
Vì nguồn lực có hạn nên lúc đó UBND TP.Bảo Lộc chủ trương ưu tiên ai có hộ khẩu thường trú tại TP.Bảo Lộc sẽ được bố trí cách ly tập trung tại cơ sở miễn phí Ký túc xá trường đại học Tôn Đức Thắng (ở miễn phí, phải trả chi phí ăn uống 80.000 đồng/người/ngày); ai không có hộ khẩu thường trú tại TP.Bảo Lộc sẽ bố trí cách ly y tế tại 2 cơ sở lưu trú có trả phí là khách sạn (KS) Kỷ niệm và KS Sandals (trả phí ở và dịch vụ ăn uống).
Nhưng vì KS Kỷ niệm đã hết phòng nên UBND TP.Bảo Lộc kích hoạt KS Sandals (với tổng chi phí khoảng 800.000 đồng/người/ngày, giá niêm yết công khai) để công dân không có hộ khẩu ở TP.Bảo Lộc cách ly theo quy định.
Nếu không đồng ý với các quy định trên thì người dân sẽ không được qua chốt đèo Chuối để vào địa phận tỉnh Lâm Đồng, bắt buộc phải quay về nơi xuất phát.
Vì số lượng công dân về đông, nên việc tư vấn của đội ngũ y tế quá tải; mặc dù không được giao nhiệm vụ hướng dẫn, giải thích thông tin, nhưng ông Hải đã hỗ trợ lực lượng y tế để giải thích thêm về quy định cách ly y tế cho người dân.
Chính quyền UBND TP.Bảo Lộc xác nhận: Toàn bộ quá trình hướng dẫn của ông Hải là đúng quy định về công tác phòng chống dịch Covid-19 của UBND TP.Bảo Lộc vào ngày 20/7, không sai sự thật.
Tuy nhiên, video phát tán sau đó chỉ ghi hình một phần nội dung, không phản ánh đầy đủ toàn bộ quá trình diễn biến vụ việc nên không khách quan, làm sai lệch sự thật.
Thông tin không đúng sự thật, gây hiểu lầm với nhiều người, làm mất uy tính chính quyền địa phương
Người ghi hình sự việc là ông N.Đ.H.P. (SN 1993, HKTT tại H.Bảo Lâm; hiện đang cách ly tập trung tại H.Bảo Lâm) đã cung cấp tất cả video quay lại việc ông Đặng Ngọc Hải và các nhân viên y tế tại đèo Chuối thông tin, hướng dẫn về quy định cách ly theo quy định của UBND TP.Bảo Lộc cho trang Fanpage FB “Người Lâm Đồng” (do T.V.N. tạo lập, quản lý); mục đích, để trang Fanpage FB “Người Lâm Đồng” thông báo những nội dung nêu trên đến mọi người ở các tỉnh khác về Lâm Đồng biết, cân nhắc kỹ, tránh việc quay đầu sẽ vất vả, không có mục đích khác.
Sau đó ông N.Đ.H.P. thay đổi ý kiến, không đồng ý đăng tải các nội dung, video nêu trên. Tuy nhiên, T.V.N. vẫn tự ý đăng tải video mà không có sự đồng ý của ông P., không truyền tải đầy đủ các thông tin do ông P. cung cấp. Sau đó, video trên đã bị tán phát trên không gian mạng với nội dung cho rằng “xuất hiện cò cách ly Covid -19 ở Lâm Đồng”. Đến 20h46 phút cùng ngày, ông T.V.N. đã xóa bài viết nêu trên và đăng tải bài viết đính chính thông tin.
Công an tỉnh Lâm Đồng đã triệu tập, làm việc với T.V.N.; đồng thời ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với T.V.N. về hành vi “cung cấp thông tin sai sự thật”, quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ; mức phạt: 7,5 triệu đồng.
Hiện Công an tỉnh Lâm Đồng đang điều tra, xác minh tất cả các trường hợp đăng tải, tán phát video gán ghép với thông tin sai sự thật cho rằng “xuất hiện cò cách ly ở tỉnh Lâm Đồng” để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Ngoài hình ảnh, các đối tượng tự viết thêm thông tin không truyền tải đúng quy định của UBND TP.Bảo Lộc về công tác phòng chống dịch Covid-19
Công an tỉnh Lâm Đồng khuyến cáo mỗi người dân cần tỉnh táo, sáng suốt khi tiếp nhận, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội; tuyệt đối không chia sẻ thông tin không rõ nguồn gốc, thông tin sai sự thật. Thực hiện thông điệp “5K” khi sử dụng mạng xã hội:
- KHÔNG vội “like”
- KHÔNG vội nghe
- KHÔNG vội “share”
- KHÔNG thêm thắt
- KHÔNG kích động.