(CAO) Người phụ nữ 46 tuổi ôm cánh tay nặng nề biến dạng và đau đớn đến Bệnh viện Bình Dân để chạy chữa vì trường hợp của chị quá phức tạp.
TS BS Đỗ Bá Hùng, Phó giám đốc BV Bình Dân TP.HCM cho biết, các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân vừa giúp một bệnh nhân thoát khỏi tình trạng cánh tay biến dạng, tê đau cùng nhiều nguy cơ tim mạch khác do mảnh hỏa khí xé rách thành nối động mạch-tĩnh mạch dưới đòn tay trái từ hơn 40 năm trước gây ra bằng cách đặt stent mạch máu. Bệnh nhân là chị N.T.T. (46 tuổi, Tiền Giang).
Bác sĩ điều trị cho người bệnh, ThS BS Dương Duy Trang, Trưởng đơn vị Tim mạch Can thiệp Bệnh viện Bình Dân cho biết: “Bệnh nhân T. nhập viện trong tình trạng cánh tay biến dạng với các mạch máu to nổi gồ trên cánh tay. Tay trái to hơn tay phải khoảng 40%, luôn tê rần, đau nhức, mất chức năng vận động, cầm nắm đồ vật, không bắt được mạch ở cổ tay trái. Bệnh nhân chỉ đi vài bước là thở dốc, luôn cần có người nâng đỡ”.
(CAO) Đạp phải mìn, bị thương đi cấp cứu, nhưng vì thời đó kỹ thuật y khoa chưa phát triển nên ekip phẫu thuật chưa thể mạo hiểm lấy dị vật trong tim của nạn nhân. Thời gian trôi đi, cùng những lo toan cuộc sống, người bệnh cũng đã quên bẵng đi trong người còn mang dị vật.
Khai thác bệnh sử ghi nhận, năm 3 tuổi, chị T. bị mảnh hóa khí xuyên vào cánh tay. Nhưng chị để yên từ đó đến nay và cánh tay ngày càng to dần theo thời gian, gây đau nhức.
Đi khám bệnh, chị được các bác sĩ chẩn đoán rò động mạch-tĩnh mạch tay trái, tuy nhiên vượt quá khả năng điều trị của bệnh viện địa phương.
Cánh tay chị T. biến dạng, phình to khi nhập viện
Trên phim chụp CT-scan, các bác sĩ BV Bình Dân nhanh chóng phát hiện lỗ rò thông thành động mạch-tĩnh mạch vùng dưới đòn tay trái có đường kính lên đến 10mm. Lỗ rò này làm máu từ tim thay vì đổ hoàn toàn vào động mạch đã bị đẩy một phần vào tĩnh mạch, là nguyên nhân khiến tĩnh mạch của bệnh nhân dần phình lớn, hình thành mạng lưới tĩnh mạch phụ chằng chịt.
Hình ảnh cho thấy tĩnh mạch tay trái phình lớn
Lượng máu lớn bất thường từ tĩnh mạch này đổ về tim khiến tim cũng phải hoạt động tăng bù, khiến bệnh nhân luôn mệt mỏi. Đồng thời, tình trạng tĩnh mạch “cướp” máu động mạch qua lỗ rò lâu ngày làm cánh tay tê rần, đau nhức do thiếu máu nuôi...
Để chặn dòng thông nối động-tĩnh mạch bất thường, tránh nguy cơ cánh tay bị teo nhỏ, mất chức năng do thiếu máu nuôi và nguy cơ phát sinh nhiều biến chứng khác, các bác sĩ đã tiến hành can thiệp mạch máu, tiếp cận động mạch dưới đòn tay trái, đặt stent bít lỗ rò cho bệnh nhân. Ca can thiệp được thao tác nhanh gọn chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ.
Kết quả sau can thiệp, tình trạng của bệnh nhân được cải thiện ngoạn mục, các triệu chứng khó chịu trước đây của cánh tay đã thuyên giảm đi hẳn, hết tê đau, mạch ở vùng cổ tay đập đều.
Kết quả sau can thiệp, tình trạng của bệnh nhân được cải thiện ngoạn mục
Hình ảnh trên phim chụp kiểm tra cho thấy stent mạch máu giúp chặn đứng tình trạng thông thương động-tĩnh mạch. Tái khám một tuần sau khi xuất viện, cánh tay trái và hệ thống tĩnh mạch đã giảm nổi gồ trên da, bệnh nhân đã có thể cầm nắm, thực hiện các động tác trong sinh hoạt thường ngày dễ dàng hơn. Dự kiến, cánh tay sẽ trở về kích thước bình thường và chức năng vận động sẽ hồi phục sau khoảng 6 tháng, những đám tĩnh mạch phụ, mao mạch tăng sinh không còn máu nuôi sẽ thoái dưỡng và tự biến mất.
Theo ThS BS Dương Duy Trang, tổn thương mạch máu do các vết thương hỏa khí hiện hiếm gặp trong cộng đồng. Trong những trường hợp không gây biến chứng ngay thường bị các nạn nhân ngần ngại khám và điều trị, họ chỉ chịu chạy chữa khi các biến chứng nặng nề xuất hiện. Điều này đôi khi quá muộn để khôi phục hoàn toàn chức năng của cơ thể.
Việc khắc phục hậu quả của các biến chứng rò mạch máu một cách nhẹ nhàng bằng can thiệp nội mạch, đặt stent ngăn dòng chỉ có thể thực hiện được ở các bệnh viện có các bác sĩ được đào tạo chuyên sâu về can thiệp nội mạch với trang thiết bị hiện đại kèm theo.
ThS BS Dương Duy Trang cho biết thêm: “Bệnh nhân T. mong muốn là lấy mảnh hỏa khí ra khỏi cơ thể vì cho rằng nó ở trong cơ thể lâu mà gây bệnh. Thực ra, mảnh hỏa khí kích thước chừng 3mm này đã tạo nên lỗ rò ngay tại thời điểm đâm xuyên vào cánh tay trái của bệnh nhân từ hơn 40 năm trước. Hiện nó đã nằm yên vị trong khối cơ, không gây đau đớn và thương tổn mạch máu nào khác nên không cần phải thực hiện thêm phẫu thuật xâm lấn để lấy ra”.