Cơ sở nghiên cứu Khoa và Đào tạo trực thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có trụ sở tại xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội với diện tích khoảng 25 ha được xây dựng từ năm 2002 đến năm 2010 thì hoàn thành dự án gia đoạn 1 với tổng kinh phí hơn 36 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách của Nhà nước.
Tên gọi của dự án trên là “Khu nghiên cứu thí nghiệm mô hình sông, biển và công nghệ cao Thủy lợi”. Dự án xây dựng lên phục vụ cho các đơn vị trong Viện Khoa học Thủy lợi có những công trình nghiên cứu, lấy số liệu, phân tích mục đích để nghiên cứu làm thí nghiệm liên quan đến dòng chảy của sông, biển.
Hiện Viện khoa học Thủy lợi Việt Nam đang chờ kinh phí từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xây dựng giai đoạn 2 với một số hạng mục mới phục vụ thí nghiệm.
Bên ngoài viện nghiên cứu
Tuy nhiên, dù đang trong thời kỳ còn hoạt động, nhưng cơ sở nghiên cứu này nằm “hoang phế” xen lẫn cỏ mọc um tùm. Thậm chí, một số cơ sở vật chất bị xuống cấp trầm trọng, cửa bị vỡ bung nhưng cũng không có ai quan tâm.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hàng chữ nổi màu vàng gắn trước cổng cơ sở ghi: “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam - Cơ sở nghiên cứu Khoa và Đào tạo” đã bong tróc, loang lổ, nhìn rất phản cảm.
Bên trong, cổng ra vào đã bị hư hỏng, cửa chốt bảo vệ đã bị vỡ. Ngoài ra, cửa che chắn của hạng mục bơm thủy lực cũng bị rơi vỡ.
Lý giải cho vấn đề này, cán bộ của Viện nghiên cứu cho rằng do “sét đánh” nên dẫn tới hư hỏng !?.
Theo cán bộ Viện cho biết, hiện cơ sở có 3 cán bộ bảo vệ thay nhau trông coi, bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng không hiểu vì sao người dân có thể vô tư vào bên trong thả bò.
Chốt bảo vệ trước cổng, luôn đóng cửa, cửa kính bị phá vỡ.
Thậm chí, theo điều tra của chúng tôi, hiện hạng mục hồ nước phục vụ cho nghiên cứu đã được một người tên Trường - cán bộ dạy lái xe tại 1 trường dạy lái ở địa phương tiết lộ là đã thuê lại để thả cá, làm hồ câu với mục đích “kinh doanh”.
Ông Trường cho biết hồ của cơ sở được ông thuê lại với giá 60 triệu đồng/năm. Ông thuê thả cá và làm hồ câu được 1 năm nay.
“Một ca chúng tôi cho thuê là 4 tiếng với giá 200 ngàn. Ở đây nhiều cá to lắm, có con lên tới chục ký. Chủ nhật, khách vào câu đông lắm, họ đến đây muốn ăn gì tôi làm cho”, ông Trường tiết lộ.
Còn theo bảo vệ hộ câu cho ông Trường, hồ nghiên cứu này đã được 1 người khác thuê cách đây 2 năm. Sau đó, người này rời khỏi thì ông Trường thuê được 1 năm nay.
Theo quan sát của chúng tôi, hiện tại gần hồ này đã xuất hiện 1 căn nhà nhỏ kiên cố là nơi sinh sống cho người làm và là cơ sở để ông Trường làm “kinh doanh” hồ câu.
Lý giải cho sự xuất hiện của căn nhà này xuất hiện cạnh hồ nước nghiên cứu, cán bộ của Viện cho rằng “chòi nằm khuất lấp cây cối nên không nhìn thấy”.
Còn cán bộ bảo vệ của cơ sở khi tiếp xúc với chúng tôi tiết lộ rằng, không phải ai vào “thuê” làm hồ câu cũng được mà phải có “quan hệ” mới thuê được.
Trạm bơm thủy lực phục vụ nghiên cứu phía sau cửa vỡ rơi nhưng không được hàn gắn
Trả lời Báo Công an TP.HCM, ông Nguyễn Thái Hưng - Phó Trưởng phòng Tổ chức hành chính - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho biết, cơ sở này không phải là bỏ hoang mà hoạt động vẫn thường xuyên diễn ra khi có các đơn vị đưa các công trình lên nghiên cứu.
Khi các đơn vị lên nghiên cứu họ đắp mô hình xong, thí nghiệm xong họ lại phá đi để làm mô hình khác chứ không giữ lại.
Nói về việc để cỏ mọc um tùm, một số hạng mục bị xuống cấp ông Hưng Lý giải: “Thực ra hàng năm bọn anh vẫn phát thường xuyên đấy nhưng do đợt vừa rồi mưa lên quá nhanh. Về hạng mục thì từ 2010 đến bây giờ, nhà lại hướng Tây nên cửa nào chịu được, một phần cũng do sét đánh làm hư hỏng nữa”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc có người thuê hồ nghiên cứu trong cơ sở làm hồ câu, ông Hưng cho biết Viện chỉ sử dụng với mục đích là nghiên cứu thí nghiệm, không cho thuê.
Hạng mục nơi làm các mô hình thí nghiệm cỏ mọc um tùm, thiết bị rỉ sét, loang lổ
Mặc dù ông Hưng nói là Viện không cho thuê hồ nước nghiên cứu làm hồ câu, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, ngay tại cạnh hồ có nhiều “căn cứ” cho thấy có người sinh sống ăn dầm ở dề tại đây. Ngoài ra, tại vị trí của căn nhà gần hồ còn có bảng nội quy hồ câu với các quy định rõ ràng.
Cơ sở nghiên cứu với kinh phí giá trị nhiều tỷ đồng, nhưng cỏ mọc um tùm, một số hạng mục xuống cấp và có thông tin được chính người tại đây tiết lộ đã thuê lại hồ nước phục vụ nghiên cứu với giá 60 triệu đồng/năm làm “kinh doanh” hồ câu. Vậy lãnh đạo của Viện ở đâu khi để tình trạng này xảy ra?.
Clip một số hạng mục công trình xuống cấp nghiêm trọng:
Hồ nước phục vụ nghiên cứu được ông Trường tiết lộ thuê lại với giá 60 triệu/năm để làm hồ câu
Căn nhà nhỏ và bảng nội quy hồ câu được ghi rõ các quy định.
Trụ sở hành chính của cơ sở