(CAO) Đạp phải mìn, bị thương đi cấp cứu, nhưng vì thời đó kỹ thuật y khoa chưa phát triển nên ekip phẫu thuật chưa thể mạo hiểm lấy dị vật trong tim của nạn nhân. Thời gian trôi đi, cùng những lo toan cuộc sống, người bệnh cũng đã quên bẵng đi trong người còn mang dị vật.
Người bệnh nữ Mai Thị T. (59 tuổi, hiện đang cư ngụ tại phường 9, Gò Vấp, TP.HCM). Bệnh nhân vừa được các bác sĩ BV Đại học y dược TP.HCM phẫu thuật nội soi sửa van 3 lá thành công.
Theo lời chị T. kể lại, cách đây 1 năm, chị thấy mệt khi gắng sức, đi kiểm tra sức khỏe tổng quát phát hiện bệnh tim cần phẫu thuật. Lần lữa mãi, cho tới năm nay, được biết bệnh tim có thể mổ nội soi, chị mới quyết định tìm đến bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM hỏi thăm bệnh của mình có thể mổ nội soi được không.
(CAO) "Mổ tim có mổ nội soi không?", câu trả lời của TS BS Nguyễn Hoàng Định, Trưởng Khoa phẫu thuật tim mạch Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM là "có".
Siêu âm tim ghi nhận người bệnh bị hở van 3 lá rất nặng, tim phải dãn lớn, có chỉ định phẫu thuật sửa van 3 lá.
Tuy nhiên khi xem phim XQ ngực thẳng và chụp mạch vành, các bác sĩ phát hiện trong tim có một mảnh dị vật cản quang.
Phim XQ ngực thẳng và chụp mạch vành, các bác sĩ phát hiện trong tim có một mảnh dị vật cản quang
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định chụp MSCT không cản quang cho người bệnh để xác định vị trí của dị vật. Sau khi phân tích kết quả chụp, kết luận được dị vật nằm trong nhĩ phải.
Sau khi hội chẩn và bàn bạc cùng gia đình và người bệnh, TS BS Nguyễn Hoàng Định, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch quyết định vẫn sẽ phẫu thuật nội soi tim để sửa van 3 lá và lấy dị vật.
Chị T. cũng cho biết, cách đây 45 năm, khi đang đi thăm vườn dừa tại Bến Tre cùng mẹ và cô hàng xóm, ba người vô tình đạp phải mìn chôn dưới đất. Cả ba đều bị thương, trong đó chị là người bị thương nặng nhất, được đưa đi cấp cứu tại một bệnh viện TPHCM.
Lúc đó, bác sĩ phẫu thuật của Hàn Quốc đã tiến hành phẫu thuật cứu sống người bệnh. Nhưng vì thời đó kỹ thuật y khoa chưa phát triển như bây giờ nên ekip phẫu thuật chưa thể mạo hiểm lấy dị vật trong tim, chấp nhận để lại trên người bệnh. Thời gian trôi đi, cùng những lo toan cuộc sống, người bệnh cũng đã quên bẵng đi trong người còn mang dị vật.
Người bệnh đã được phẫu thuật tại BV Đại học Y dược ngày 22-8-2016 qua nội soi. Dị vật được tìm thấy ghim trong nhĩ phải, nằm sát đường đi của động mạch vành phải.
Dị vật vừa được lấy ra khỏi tim bệnh nhân
TS BS Nguyễn Hoàng Định chia sẻ: “Người bệnh đã rất may mắn, vì chỉ cần lệch vài mm, mảnh dị vật sẽ làm tổn thương động mạch vành phải, và tính mạng của người bệnh khi đó sẽ khó lòng mà giữ được”.
Van ba lá của người bệnh hở nặng do đứt một số dây chằng của hai trong số ba lá van của van ba lá. Tổn thương van 3 lá dạng này ít gặp hơn, sửa chữa phức tạp hơn các trường hợp hở van 3 lá xảy ra sau các tổn thương khác của tim. Van ba lá của người bệnh đã được sửa thành công bằng phương pháp nội soi tim.
Người bệnh được rút nội khí quản sớm và ra phòng bệnh sớm. Với đường mở ngực bên rất nhỏ, người bệnh hiện đã có thể đi lại và thực hiện sinh hoạt cá nhân thông thường từ ngày thứ hai sau mổ.
BS Nguyễn Hoàng Định thăm bệnh nhân sau ca phẫu thuật
TS BS Nguyễn Hoàng Định chia sẻ: “Đây là một trường hợp dị vật chiến tranh trong tim đầu tiên mà ekip khoa Phẫu thuật tim mạch gặp phải, và cũng là trường hợp đầu tiên một dị vật trong tim được ekip lấy ra qua ngả nội soi. Người bệnh đến với chúng tôi với sẹo mổ cũ dài từ ngực xuống bụng của những lần mổ trước. Thật may mắn khi người bệnh đã có thể sống sót được hơn 45 năm với dị vật trong tim. Và may mắn hơn, nhờ phẫu thuật tim nội soi mà người bệnh đã không phải mang trên người thêm một vết sẹo dài”.