(CAO) Điều trị phì đại tiền liệt tuyến bằng kỹ thuật thuyên tắc mạch, không cần phẫu thuật, lần đầu đầu tiên được áp dụng tại TP.HCM giúp hạn chế rủi ro do phẫu thuật mở, đặc biệt hạn chế xuất tinh ngược dòng và ít rối loạn cương dương, cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Khoa ngoại niệu ghép thận Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, tại đây vừa áp dụng kỹ thuật mới, điều trị thành công bệnh lý phì đại tiền liệt tuyến mà không cần phẫu thuật.
Bệnh nhân N.T.H. (58 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) nhập viện từ tháng 7-2016 với các triệu chứng tiểu khó, tiểu rặn, cảm giác đi tiểu không hết, tiểu lắt nhắt nhiều lần về đêm… Tình trạng này làm cho người bệnh rất khó chịu, chất lượng cuộc sống giảm rõ rệt.
(CAO) Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM vừa công bố, bệnh viện sẽ bắt đầu sử dụng chất nhuộm màu ICG trong các ca phẫu thuật điều trị ung thư đại trực tràng. Đây là bệnh viện đầu tiên và duy nhất trong cả nước được Bộ Y tế cho phép thực hiện kỹ thuật này.
Bác sĩ chẩn đoán ông H. bị tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt. Siêu âm cho thấy tiền liệt tuyến phì đại, có nhân xơ khoảng 47x29mm, nước tiểu tồn lưu khoảng 148ml. Chụp cộng hưởng từ (MRI) cũng cho thấy kích thước tuyến tiền liệt khá lớn, chèn ép làm hẹp niệu đạo và vùng cổ bàng quang. Bệnh nhân đã được điều trị với các thuốc nội khoa, nhưng tình trạng bệnh không cải thiện.
Theo bác sĩ Trần Thanh Vũ, Trưởng đơn vị can thiệp mạch máu, tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt thường gặp ở nam giới từ 45 đến 75 tuổi, với tỷ lệ mắc 45-70%. Các triệu chứng thường gặp như tắc nghẽn, kích thích đi tiểu nhiều lần về đêm, tiểu són, tiểu gấp, tiểu không hết, đôi khí bí tiểu. Diễn tiến nặng có thể gây sỏi thận, suy thận và tử vong.
Ê kíp phẫu thuật Bệnh viện Nhân dân 115 thực hiện ca mổ đầu tiên sử dụng kỹ thuật thuyên tắc động mạch tuyến tiền liệt cho bệnh nhân. Ảnh do bệnh viện cung cấp
Phương pháp điều trị thông thường hiện nay gồm nội khoa hoặc can thiệp phẫu thuật cắt đốt nội soi. Tuy nhiên, ngoài việc phải trải qua quá trình gây mê hồi sức, bệnh nhân còn phải đối diện với các nguy cơ sau mổ như tiểu không kiểm soát, xuất tinh ngược dòng (chiếm tỷ lệ đến 80%), rối loạn cương dương… ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống.
Bác sĩ Vũ cho biết, bệnh viện đã quyết định áp dụng phương pháp điều trị mới cho ông H. bằng cách can thiệp làm thuyên tắc động mạch tuyến tiền liệt. Đây là một kỹ thuật ít xâm lấn. Đầu tiên, bác sĩ sẽ luồn một ống thông vào động mạch đùi, đến động mạch chậu trong. Rồi bơm thuốc cản quang để xác định nguyên ủy của động mạch tuyến tiền liệt. Sau đó, qua ống thông này, dùng hạt nhựa PVA (Polyvinylalcohcol) 350-500micron đưa vào để làm tắt động mạch tuyến tiền liệt, hạn chế tăng sinh khiến khối u dần nhỏ lại.
Theo bác sĩ Nguyễn Đình Phú, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, với ca phẫu thuật nói trên, lần đầu tiên kỹ thuật thuyên tắc động mạch tuyến tiền liệt đã được áp dụng tại TP.HCM. Bệnh viện là nơi thứ 2 áp dụng kỹ thuật này tại Việt Nam sau Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).