TPHCM: Nguồn hàng dồi dào, sẵn sàng phục vụ người tiêu dùng suốt mùa Tết

Thứ Ba, 14/01/2025 10:15

|

(CATP) Ngày 13/01, Sở Công thương TPHCM đã báo cáo về công tác bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường (BÔTT) cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Theo đơn vị này, hiện công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết đã sẵn sàng với số lượng dồi dào, đa dạng và giá cả bình ổn; đồng thời các hệ thống mua sắm như các siêu thị, cửa hàng… cũng sẽ mở cửa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân xuyên suốt mùa Tết.

Sáng 13/01, Đoàn công tác của Bộ Công thương do Thứ trưởng Phan Thị Thắng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở Công thương TPHCM về công tác bảo đảm cân đối cung cầu, BÔTT cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, cũng như đi kiểm tra tình hình thực tế về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết tại một số địa điểm.

Theo báo cáo từ Sở Công thương TPHCM, hiện đã có 50/62 tỉnh, thành phố có báo cáo về việc triển khai xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa BÔTT trong những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán 2025. Các doanh nghiệp đầu mối tham gia chương trình BÔTT đã chuẩn bị nguồn vốn hơn 22.000 tỷ đồng, trong đó hơn 8.000 tỷ đồng dành riêng cho mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để phục vụ thị trường Tết. Cụ thể, sản lượng hàng thiết yếu được chuẩn bị chiếm 25% - 43% thị phần; bình quân mỗi tháng Tết dự kiến cung ứng gần 8.000 tấn gạo, 5.000 tấn thịt gia súc, 5.500 tấn thịt gia cầm, 23 triệu quả trứng gia cầm, 1.400 tấn đường, 1.100 tấn dầu ăn, 800 tấn thực phẩm chế biến, 10.000 tấn rau củ quả... Ngoài ra, các doanh nghiệp luôn sẵn sàng phương án nhằm tránh tình trạng thiếu hụt hàng...

Thứ trưởng Bộ Công thương cùng đoàn công tác khảo sát tình hình thực tế về việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết tại một siêu thị

Bên cạnh đó, Sở Công thương còn phối hợp UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức triển khai nhiều giải pháp, đôn đốc các chợ đầu mối, chợ dân sinh, các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi tập trung theo dõi, nắm bắt thị trường, dự ước nhu cầu, chuẩn bị nguồn cung, bám sát tình hình giá cả hàng hóa tại nguồn, thực hiện nghiêm quy định về niêm yết giá, hàng hóa kinh doanh có nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm an toàn thực phẩm...

Đáng chú ý, năm nay, giá cả các mặt hàng BÔTT được duy trì thấp hơn tối thiểu 5% so với giá bình quân thị trường; đồng thời chương trình không điều chỉnh tăng giá trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết.

Sau chuyến kiểm tra thực tế cũng như nghe Sở Công thương TPHCM báo cáo tình hình, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng đã đánh giá cao công tác chuẩn bị hàng hóa Tết Ất Tỵ 2025 của TP; đồng thời đề nghị TP và các đơn vị phân phối bán lẻ tiếp tục tăng cường nhân lực, công suất phục vụ, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt hàng, thiếu hụt nguồn cung cục bộ gây sốt giá hoặc gây ùn ứ cho khách hàng trong khi mua sắm.

Từ nay đến Tết Nguyên đán 2025, Sở Công thương sẽ triển khai các giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Trong đó, sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm an toàn, nhận biết các dấu hiệu hàng giả, hàng nhái, hết hạn sử dụng; khuyến khích người tiêu dùng mua sắm hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng, sản phẩm của doanh nghiệp uy tín trong nước, tránh tâm lý tích trữ hoặc mua sắm vượt mức cần thiết.

Nhằm bảo đảm cho người lao động có thể mua sắm hàng vào dịp Tết, Sở Công thương còn phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát và tìm hiểu nhu cầu mua sắm Tết của người lao động tại các doanh nghiệp, KCN, KCX, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống và sinh hoạt trong dịp Tết; tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, bảo đảm đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu mua sắm Tết, góp phần ổn định thị trường và nâng cao đời sống cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán. Đồng thời, Sở Công thương phối hợp Cục Quản lý thị trường TP, UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường, chú trọng kiểm tra hóa đơn, chứng từ, giấy tờ liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; các cơ sở kinh doanh, kho hàng, nhất là các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bánh kẹo, đồ trang trí Tết; công tác kê khai giá, niêm yết giá, phòng, chống tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Qua đó, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, hàng nhập khẩu không rõ nguồn gốc, không chứng từ...

Trong năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 565.013 tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm 2023 (cùng kỳ tăng 9,3%). Các doanh nghiệp kinh doanh được tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (8%) góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và kích cầu tiêu dùng nội địa. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2024 của TP tăng 3,24% so với cùng kỳ; thấp hơn bình quân cả nước (cả nước tăng 3,63%).

Bình luận (0)

Lên đầu trang