(CAO) Tối 3-2, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa cùng lãnh đạo các sở, ngành của TP.HCM đã đi thực tế, khảo sát, kiểm tra tình hình hàng hóa và giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Bính Thân 2016 tại 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm, gồm: Thủ Đức, Hóc Môn và Bình Điền.
Báo cáo với đoàn công tác, ông Nguyễn Văn Huây - Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, cho biết lượng hàng về chợ 3.400 tấn/ngày; cao điểm trong những ngày gần Tết đạt khoảng 4.100 tấn đến 4.800 tấn.
Dự kiến trong các ngày 25, 26 và 27 tháng chạp lượng hàng tăng 6.500 tấn đến 7.000 tấn ngày. Lượng hàng trái cây nhập chợ chủ yếu là trái cây trong nước trong những ngày cao điểm phục vụ Tết tăng 1.900 tấn. Lượng trái cây Trung Quốc trong dịp Tết năm nay giảm nhiều, dự báo chỉ khoảng chiếm 10% do người tiêu dùng ưu tiên chọn hàng Việt Nam và vì an toàn cho sức khỏe…
Tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, ông Nguyễn Tiến Dũng- Giám đốc công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Hóc Môn cho biết trong 24 ngày trước Tết Bính Thân, từ ngày 1 tháng Chạp đến ngày 24 tháng Chạp (10/1 – 2/2/2016) lượng hàng về chợ đạt gần 70.000 tấn/ngày-đêm, tăng 14% so với ngày bình thường năm 2015. Dự báo lượng hàng nhập chợ trong 5 ngày trước Tết từ ngày 25 tháng Chạp đến 29/12 Âm lịch (từ 3/2 đến 7/2/2016) ước khoảng 16.000 tấn, bình quân đạt hơn 3.200 tấn/ngày – đêm, tang 25% so với bình quân ngày thường năm 2015.
Đại diện chợ nông sản thực phẩm Hóc Môn cũng cho biết, riêng trong ngày 25 và 26 tháng Chạp, lượng hàng nhập chợ đạt cao nhất khoảng 5.200 tấn/ngày – đêm, tăng khoảng 104% so với ngày bình thường. Đối với thịt heo, trong ngày 28 và 29 tháng chạp lượng hàng về đạt cực đỉnh khoảng 800 tấn, tang khoảng 135% so với ngày bình thường.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa thăm các chợ đầu mối - Ảnh: T. Xuân
Báo cáo của lãnh đạo chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền cho biết, tổng lượng hàng nhập chợ đến tối 3/2 (25 tháng chạp) đạt 2.332 tấn, tăng 100 tấn so với ngày thường. Do đặc điểm hàng hóa của chợ Bình Điền là thực phẩm tươi sống không bảo quản được lâu nên đến thời điểm hiện nay sản lượng chưa tăng nhiều. Dự kiến, chỉ 3 đêm cận tết mới tăng mạnh. Trong đó, dự kiến đêm cao điểm nhất 27 tháng chạp, tổng sản lượng có thể tăng khoảng 50% -60%, đạt khoảng 3.400 tấn – 3.600 tấn.
Bà Trần Thúy Liên, Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền nhận định do sản lượng nhập chợ tăng nhiều, đủ đáp ứng nhu cầu thị trường, nên tình hình giá cả chung không biến động nhiều. Chỉ có một số ít mặt hàng đặc thù sử dụng nhiều trong dịp Tết như cá thu, cá lóc, mực, tôm, thịt heo, gà, trái cây có thể tăng giá vào lúc cao điểm nhất từ 10-40% so với ngày thường. Một số hoa tươi vào đêm cao điểm nhất giá có thể tăng từ 2 -3 lần ngày thường.
Đại diện lãnh đạo 3 chợ đầu mối nông sản cũng khẳng định trong những năm qua thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các sản phẩm hàng hóa nội địa trong chợ ngày càng chiếm tỷ lệ cao hơn 90%; các tiểu thương tại chợ đã niêm yết giá bán hàng rõ ràng, không còn nói thách với khách hàng.
Đặc biệt, quá trình kinh doanh đều liên tục kiểm tra tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm, quá trình truy xuất nguồn gốc hàng hóa, kiểm dịch thú ý, xử lý tốt nước thải, rác thải, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Sau khi đi thăm hỏi các tiểu thương và làm việc với lãnh đạo tại các chợ, Phó chủ tịch Lê Văn Khoa đánh giá cao nỗ lực của 3 đơn vị chợ đầu mối trong việc thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm nguồn hàng dồi dào, giá cả ổn định, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chủ tịch Khoa cũng yêu cầu ban quản lý các chợ theo dõi sát giá cả của các mặt hàng chủ yếu tại chợ để báo cáo kịp thời cho các sở, ngành chức năng tránh tình trạng tăng giá đột biến trong dịp Tết.
Bên cạnh đó, ngoài việc đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa phục vụ người tiêu dùng, cũng cần tăng cường quản lý chất lượng hàng hóa đầu vào, vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ gìn an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, không để tình trạng khan hiếm nguồn hàng, nâng giá bán trong dịp Tết.