Thành phố Thủ Đức: Nhiều kênh rạch ở phường Thảo Điền bị "bức tử"

Thứ Ba, 01/10/2024 08:52

|

(CATP) Với độ cao từ 1-3m so với mực nước biển, P.Thảo Điền (TP.Thủ Đức, TPHCM) không chỉ được biết đến là "khu nhà giàu" tại TPHCM, mà còn là một trong những "rốn ngập" kinh niên. Bên cạnh địa hình thấp, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng ngập nước tồn tại suốt thời gian dài là nhiều tuyến kênh rạch làm nhiệm vụ tiêu thoát nước tại địa phương có dấu hiệu bị lấp, lấn chiếm…

Đến hẹn lại… ngập!

Phản ánh đến Chuyên đề Công an TPHCM, người dân ở khu Thảo Điền không khỏi bức xúc trước tình trạng nhiều tuyến kênh rạch trên địa bàn có dấu hiệu bị lấn chiếm, nước mưa không có đường thoát khiến tình trạng ngập úng kéo dài hàng giờ, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng không nhỏ.

Ông T.V.T (68 tuổi, ngụ P.Thảo Điền) cho biết, địa hình phường giống như 1 bán đảo được sông Sài Gòn bao quanh 3 mặt, mặt còn lại giáp với xa lộ Hà Nội, trên địa bàn có nhiều kênh rạch nối thẳng ra sông Sài Gòn. Với địa hình như vậy, đúng ra việc tiêu thoát nước khá dễ dàng, tuy nhiên những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, các tuyến kênh rạch làm nhiệm vụ tiêu thoát nước tự nhiên có dấu hiệu bị lấn chiếm, thậm chí có nơi bị "xóa sổ". Nước mưa, triều cường không được thu gom lại qua hệ thống kênh rạch, mà chảy tứ tung khiến tình trạng ngập nước càng thêm nghiêm trọng.

Cứ vào mùa mưa là người dân ở P.Thảo Điền lại khổ sở với vấn nạn ngập nước. Mới đây nhất, những trận mưa vào tháng 9 vừa qua cho thấy tại các tuyến đường: Quốc Hương, Thảo Điền, Nguyễn Văn Hưởng... bị ngập sâu, nước lênh láng, người dân phải bì bõm lội hàng giờ.

Người dân sinh sống, làm việc ở khu Thảo Điền khổ sở với vấn nạn ngập nước mỗi khi trời mưa lớn

Theo ông T., tình trạng ngập nước ở địa phương kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết là do các tuyến kênh rạch bị lấn chiếm một cách thô bạo. Lấy điện thoại mở ứng dụng thông tin quy hoạch (QH) của Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TPHCM, ông T. chỉ ra nhiều công trình có dấu hiệu lấn chiếm kênh rạch với diện tích lên đến cả trăm mét vuông. Sau đó, ông dẫn chúng tôi chạy dọc đường Nguyễn Văn Hưởng để tận mắt chứng kiến những con rạch đang "thoi thóp"!

Ông T. cho biết, để bảo vệ sự ổn định của bờ kênh rạch và phòng, chống lấn chiếm đất ven nguồn nước, Điều 9 Nghị định 43/2015/NĐ-CP của Chính phủ nêu rõ hành lang bảo vệ sông, suối, kênh, rạch không nhỏ hơn 10m tính từ mép bờ đối với đoạn sông, suối, kênh, rạch chảy qua các đô thị, khu dân cư (KDC) tập trung hoặc được QH xây dựng (XD) đô thị, KDC tập trung; không nhỏ hơn 5m tính từ mép bờ đối với đoạn sông, suối, kênh, rạch không chảy qua các đô thị, KDC tập trung.

Khu Thảo Điền thời gian qua được coi là "rốn ngập"

Quy định là vậy, nhưng tại P.Thảo Điền có hàng loạt công trình XD cả trên phần đất kênh rạch. Dẫn chúng tôi đến con rạch chảy dưới cầu Ông Hóa, ông T. giải thích phía bên này cầu (đoạn chạy dọc hẻm 120 Nguyễn Văn Hưởng), con rạch khá to và thông thoáng, bờ thoai thoải, cây cối mọc tự nhiên, chưa có dấu hiệu của việc lấn chiếm. Tuy nhiên, đối diện phía bên kia cầu là căn biệt thự rộng lớn xây nhô ra khiến con rạch bị "teo tóp" chỉ còn lại hơn một nửa. Ông T. lắc đầu: "Nếu tính chiều rộng của 2 mố cầu Ông Hóa là chiều rộng của con rạch thì căn nhà kia đã xây nhô ra giữa rạch gần cả trăm mét vuông. Rạch bị "bóp nghẹt" như vậy, nước không ứ đọng mới là lạ!".

Cách đó không xa, tại khu vực rạch Ông Dí xuất hiện căn biệt thự với quy mô hoành tráng cũng có dấu hiệu chồng lên phần đất kênh rạch. "Mỗi tấc đất tại TPHCM được xem là "tấc vàng", còn ở P.Thảo Điền này mỗi tấc đất là "kim cương", nên có cơ hội là người ta đua nhau lấn rạch", ông T. bức xúc.

Kênh rạch chỉ còn trên bản đồ?

Dù được mệnh danh là khu "nhà giàu" tại TPHCM nhưng nhiều tuyến kênh rạch ở P.Thảo Điền lại chưa được nạo vét và bê-tông hóa bờ kè một cách đồng bộ, vì thế tình trạng lấn chiếm càng có dấu hiệu phức tạp. Với "chiến thuật quây tôn vây lấn", nhiều con rạch trên địa bàn hiện có dấu hiệu tiếp tục bị lấn chiếm.

Con rạch cạnh địa chỉ 189B Nguyễn Văn Hưởng có dấu hiệu bị lấn chiếm

Đơn cử như con rạch nằm sát bên địa chỉ 189B Nguyễn Văn Hưởng. Có mặt tại đây, chúng tôi thấy nhóm công nhân đang đổ đất thi công 1 công trình, đất đá được nhóm này san gạt tràn xuống rạch gây cản trở dòng chảy khiến nhiều người đi qua đây bức xúc. Tương tự, con rạch nằm sát bên Nhà hàng ẩm thực Q.N. cũng có dấu hiệu bị lấn chiếm. Đối chiếu với thông tin của Sở QH-KT TPHCM, có thể dễ dàng nhận thấy một diện tích lớn đất rạch đã được "quây tôn". Liên quan đến nhà hàng trên, cuối năm 2023 Thanh tra TP. Thủ Đức từng nêu các sai phạm về XD không phép. 

Khu vực này từng là con rạch, nhưng giờ nhìn nhiều người không hình dung được

Cụ thể, nhà hàng do ông B.V.Th làm chủ đầu tư, đã XD không phép với quy mô lên đến 660m2. Tại thời điểm thanh tra phát hiện địa phương chỉ mới có quyết định xử phạt vi phạm hành chính và quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với công trình XD có diện tích 310m2, kết cấu tường gạch, cột sắt, xà gồ, mái tôn + ngói. Còn lại 3 công trình khác gồm 1 công trình tiếp giáp đường số 66 có diện tích khoảng 200m2, kết cấu: cột gạch + sắt, khung sắt, mái bạt, nền gạch tàu và 2 công trình tiếp giáp đường Nguyễn Văn Hưởng có diện tích khoảng 150m2, kết cấu: cột gạch + sắt, khung sắt, mái bạt, nền gạch tàu chưa được lập hồ sơ xử lý vi phạm...

Con rạch có dấu hiệu bị lấn chiếm tại khu vực nhà hàng ẩm thực Q.N.

Nghiêm trọng hơn, một số con rạch chúng tôi chỉ có thể tìm thấy trên... bản đồ QH! Cụ thể, theo thông tin của Sở QH - KT TPHCM thì khu vực gần hẻm 112 Nguyễn Văn Hưởng có 1 con rạch tự nhiên, tuy nhiên qua kiểm tra trên thực tế, chúng tôi nhận thấy khu vực trên hiện là những căn nhà kín cổng cao tường như chưa từng có sự tồn tại của con rạch này. Người dân chỉ có thể nhận ra rạch nếu quan sát từ phía sông Sài Gòn khi một phần cửa rạch chưa bị san lấp. 

Một con rạch không được nạo vét cỏ mọc um tùm.

Để làm rõ hơn các thông tin phản ánh về tình trạng lấn chiếm rạch của người dân, phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM đã liên hệ với UBND P.Thảo Điền và được yêu cầu để lại nội dung thông tin, sẽ trả lời sau. Tuy nhiên, đến nay đã nửa tháng trôi qua, dù chúng tôi nhiều lần liên lạc lại nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi. Chuyên đề Công an TPHCM sẽ tiếp tục theo dõi để kịp thời thông tin đến bạn đọc về vấn đề trên.

Bình luận (0)

Lên đầu trang