Họa luôn rình rập
Ngày 23-5, Trung tâm Nội soi Bệnh viện Xuyên Á (huyện Củ Chi) vừa cấp cứu xử lý gắp dị vật lớn chắn ngang nắp thực quản cho bé trai H.P (8 tuổi). Sự việc xảy ra với bé P. sau khi đi xem ảo thuật, em thấy ảo thuật gia biểu diễn tiết mục làm biến mất đồng xu bằng cách ngậm vào miệng nên bắt chước làm theo. Kết quả, cháu bé ho sặc sụa, nuốt nghẹn, cố khạc ra nhưng không được nên hoảng loạn chỉ tay vào cổ báo cho ba mẹ đưa đi cấp cứu. Ê-kíp bác sĩ Trung tâm Nội soi đã quyết định kịp thời, tiến hành gây mê, dùng ống soi gắp dị vật là đồng xu đồ chơi ra khỏi thực quản, cứu sống bé P. trong gang tấc.
Chiều 28-5, người mẹ phát hiện con gái 15 tháng tuổi (ở Long An) đang ngậm trong miệng mảnh dao lam vụn, tay cầm các mảnh khác lấy trong sọt rác ra. Nghi ngờ bé đã nuốt nhiều miếng khác, người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu. Ê-kíp cấp cứu đã nhanh chóng hỗ trợ hô hấp, cho bé thở oxy. Hình ảnh chụp X-quang cổ, ngực, bụng phát hiện các mảnh kim loại di chuyển nằm rải rác trong dạ dày, ruột non đến ruột già. Qua hội chẩn, các bác sĩ cho bé xổ bằng thuốc và bơm hậu môn chờ 24 giờ để dị vật ra ngoài theo đường tự nhiên.
Một loại thuốc diệt chuột có màu sắc, dung dịch giống siro
Đã có rất nhiều trẻ gặp nguy hiểm đến tính mạng do uống nhầm hóa chất, thuốc đặc trị các bệnh của người có trong nhà vì tưởng đó là kẹo, nước ngọt, si rô... Ngày 27-3, 2 học sinh của một trường tiểu học ở TP.Biên Hòa đã uống nhầm thuốc diệt chuột đựng trong lọ giống si rô mà hai em nhặt được trong lúc đi chơi, khiến một em tử vong, bé còn lại dù được cứu sống nhưng khả năng phải chịu nhiều di chứng về sau.
Mới đây, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí mới tiếp nhận một bệnh nhi tên T. 6 tuổi (trú huyện Đông Triều) nhập viện nghi do ngộ độc thuốc chống loạn thần. Mẹ nạn nhân cho biết thấy trẻ cầm lọ thuốc Levomepromazin, uống nhầm 9 viên. Sau đó trẻ có biểu hiện ngủ nhiều, ngủ lì bì nên đi cấp cứu. Tại bệnh viện, bé T. vẫn trong trạng thái lơ mơ, đồng tử co nhỏ, phản xạ ánh sáng kém, gọi hỏi không biết nên các bác sĩ tiếp tục tiến hành rửa dạ dày, nuôi dưỡng đường tĩnh mạch, đặt sonde tiểu và chăm sóc tích cực.
Không nên đựng hóa chất trong chai nước ngọt vì dễ khiến trẻ uống nhầm gây nguy hiểm đến tính mạng (Ảnh minh họa)
Trưa 19-4, H.Q.Đ (15 tuổi) đi học về mở tủ lạnh thấy chai nước dung dịch màu hồng liền lấy để uống giải khát. Sau vài tiếng, Đ. xuất hiện tình trạng khó thở, buồn nôn, nổi mẩn ngứa toàn thân, phù nề mi mắt kèm theo các biểu hiện của ngộ độc. Được chuyển đến Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai, Hà Nội) trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, được đặt ống nội khí quản, hỗ trợ hô hấp. Sau một ngày điều trị tích cực, giải độc, bệnh nhân đã qua giai đọan nguy kịch. Vào ngày giữa tháng 5-2021, một bé trai (30 tháng tuổi, ở Tiền Giang) thấy chai trà xanh đựng dung dịch tẩy mực in dùng để cọ tẩy rửa các vết mực in vi tính để trên bàn của ba nên mở nắp uống, phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng li bì, thở mệt, tím tái, đã được bệnh viện cứu sống.
Ngoài việc uống nhầm hóa chất để trong tủ lạnh, các tai nạn khác cũng cần đề phòng như có em nhỏ keo dính sắt vào mắt vì tưởng lọ keo là nước nhỏ mắt, uống nhầm thực phẩm chức năng, thuốc điều trị bệnh của người lớn vì tưởng viên kẹo ngậm, vitamin C...
Để trẻ em có mùa hè an toàn
Bên cạnh các tại nạn thương tích thì đuối nước xảy ra trong dịp hè cũng rất đáng lo ngại. Theo ghi nhận từ cơ quan chức năng, chỉ mới bắt đầu hè đã liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm với trẻ em. Đơn cử, chiều 22-5, 3 trẻ em (tầm 6 - 7 tuổi, ở xã Đắk Mang, huyện Hoài Ân, Bình Định) rủ nhau đi tắm suối thì bị cuốn vào hố nước sâu tử vong. Ngày 27-5, một nhóm 4 em nhỏ ở thị trấn Hương Khê (Hà Tĩnh) đến tắm trên dòng sông Tiêm, không may có 2 em bị nước nhấn chìm (một em học lớp 6 và một em học lớp 3)...
Bệnh viện Xuyên Á xử lý gắp dị vật cho bé H.P
Theo thống kê, trung bình mỗi năm tại Việt Nam có tới 370.000 trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Tình trạng đuối nước ở khu vực nông thôn cao gấp 4 lần so với khu vực thành thị, chủ yếu xảy ra vào những tháng học sinh nghỉ hè và xảy ra tại nơi cộng đồng chiếm tới 77,6% (ao, hồ, sông, suối, biển, ngã xuống hố ga, hồ xây dựng), 15,8% xảy ra tại gia đình và 6,6% tại nơi khác.
Năm nay, Tháng hành động vì trẻ em diễn ra từ ngày 1-6 đến 30-6, với chủ đề "Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh". Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Cục Trẻ em đã có hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội, mạng viễn thông các kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại, phòng, chống tai nạn, thương tích, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; phòng chống đuối nước, phòng chống bạo lực gia đình khi ở nhà; tạo điều kiện để mọi trẻ em có một mùa hè an toàn, lành mạnh trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Kết quả X-Quang với nhiều mảng dị vật kim loại phân bố rải rác trong bụng bé gái 15 tháng tuổi ở Long An (ảnh BV Nhi đồng thành phố cung cấp)
Bộ LĐTBXH cũng chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống Covid-19 cho trẻ em và bảo đảm an toàn cho trẻ em trong đại dịch, trong đó yêu cầu cập nhật số lượng, lập danh sách và nhu cầu của trẻ em ở các địa bàn giãn cách xã hội và các cơ sở cách ly tập trung; sử dụng ngân sách của Quỹ Bảo trợ trẻ em cấp tỉnh, hoặc ngân sách của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và các nguồn vận động khác để hỗ trợ dinh dưỡng, đồ dùng thiết yếu, thuốc và các vật phẩm y tế bổ sung cho trẻ em với phương châm không để một trẻ em nào có nhu cầu, gặp khó khăn mà không được hỗ trợ kịp thời. Ngoài ra, Trung ương Đoàn đã có công văn hướng dẫn tổ chức hoạt động hè cho học sinh và trẻ em, trong đó tập trung tuyên truyền theo chủ đề "Hè vui khỏe, an toàn" trên mạng xã hội, fanpage của đoàn... Các địa phương cũng căn cứ tình hình thực tế tổ chức hoạt động ôn bài, rèn luyện kỹ năng, trong đó tăng cường sân chơi giáo dục, sinh hoạt trực tuyến trên mạng xã hội...
Trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, việc bảo vệ trẻ em là một trong những vấn đề được đặt lên hàng đầu và quan tâm tuyệt đối của toàn xã hội. Với những hành động kịp thời và thiết thực, toàn xã hội đang cùng một lòng quyết tâm vượt qua đại địch để có một môi trường an toàn cho trẻ em phát triển tự do.