Giá nhân công đắt đỏ
Thiếu công, họa hoằn mới kiếm được người làm nên kêu được người là "làm trước, tính tiền sau". Bà Bùi Kim Quang (ngụ thị trấn Chư Sê, Chư Sê, Gia Lai) kể: "Đầu mùa mưa năm ngoái, khi giá cà phê còn ở mức 50.000 đồng/kg, muốn kêu bao nhiêu người làm cũng có. Nếu "cầm cuốc" làm cỏ, lúc đó giá là 160.000 đồng/ngày, còn "cầm ống, cầm kéo" (tưới nước, cắt cành, cắt chồi) có giá 180.000 đồng/ngày. Cầm cuốc làm bồn có giá 200.000 đồng/ngày. Còn hiện nay làm cỏ, hái tiêu..., tiền công mỗi ngày là 200.000 đồng, còn làm bồn là 220.000 đồng/ngày, chưa kể tiền ăn giữa buổi có khi là ổ bánh mì kèm theo lon Coca".
Tiền công cao kèm theo nhiều "ưu đãi" nhưng vẫn khó kiếm được người làm. Ông Nguyễn Thanh Tri (ngụ xã Ia Pia, huyện Chư Prông, Gia Lai) đăng trên Facebook cá nhân: "Cần một người làm, bao ăn ngày 3 bữa, sáng có cà phê, tối có rượu... Tiền công mỗi ngày là 220.000 đồng". Nhưng gần 2 tuần qua, chẳng có ai đoái hoài. Ông Tri nói: "Tính ra, một công hiện nay gần 250.000 đồng/ngày, cao gần gấp đôi so với mức 160.000 đồng/ngày của năm ngoái".
Mới đây, ông vui mừng gọi báo tin đã tìm được người làm quê tận Cát Minh (H.Phù Cát, tỉnh Bình Định). Trường hợp của ông thuộc hàng "đãi cát tìm vàng". Bà Huỳnh Thị Phượng (ngụ KrôngPach, tỉnh Đắk Lắk) đôn đáo ngược xuôi kiếm công hái tiêu nhưng gần cả tuần vẫn chẳng có ai, chỉ còn biết thở dài nhìn vườn, nhìn trời mà ngao ngán. Bà và chồng đành phải đóng cửa quán ăn sáng để hái tiêu đã chín đỏ cây. Bà Phượng cho biết, vụ tiêu năm ngoái chỉ cần ới một tiếng là người ta nhận lời rần rần...
Tưới nước cho cây ăn trái
Dù vừa bước qua tuổi 40, công việc chính là bán phân cũng đã "tối mặt tối mày", nhưng năm nay vừa ra Tết, nắng "cháy da người" buộc anh Vinh phải kêu công tưới nước cho vườn cây ăn trái của gia đình, trong đó có dừa và sầu riêng. Cứ tưới chừng 30 phút, có người mua phân bón cà phê, sầu riêng; mua thuốc trừ sâu cà phê, thuốc giảm đọt cho sầu riêng là anh Vinh lại giao ống tưới cho người anh để chạy về nhà cách vườn hơn 1km bán hàng. Bán xong, anh lại chạy xuống vườn tưới tiếp.
Anh Vinh chia sẻ: "Năm nay, nhiều loại cây có giá cao nên bà con tăng thêm đợt bón phân, thuốc cho cà phê, sầu riêng. Mấy năm trước, thay vì mùa nắng chỉ bón 2 đợt, đợt trước Tết cho cà phê ra bông và đợt sau mưa nhưng nay tăng thêm một đợt sau Tết, có nhà tăng thêm 2 đợt. Sau mỗi đợt bón phân là phải tưới nước, rồi cắt cành. Tốn công ghê lắm nên kêu công khó là đúng rồi".
Bà Lê Thị Mỏng (ngụ thôn 2, xã Ia Blang, Chư Sê, Gia Lai) cho biết nể lắm mới nhận lời làm cỏ cho một người chị thân, nhưng trong lòng lại nóng vì gần 700 gốc cà phê của gia đình đang "đói" nước. "Làm được 3 ngày, nhận được 600.000 đồng tôi về bỏ phân, tưới nước, bấm chồi cà phê. Lúc này có 3 đầu 6 tay mới làm hết việc", bà Mỏng dứt khoát.
Xổ nhụy cho sầu riêng
Sợ cây trồng "đói" nước
Những cây công nghiệp chính của người dân Tây Nguyên hiện đang có mức giá cao nhất trong 10 năm qua. Giá cà phê đang tăng từng ngày, từ 59.000 đồng/kg nhân hồi tháng 10 năm ngoái, nay lên 84.000 đồng/kg. Tiêu đã vượt mức 100.000 đồng/kg. Mùa sầu riêng vừa rồi, giá dao động mức 50 - 70.000 đồng/kg... Giá tăng, dù diện tích từ 5 sào đến vài hec-ta, mỗi hộ làm nông dân miền cao nguyên dành nhiều thời gian chăm sóc như: tỉa cành, bón phân, tưới nước... cho vườn nhà mình, chẳng mấy người rảnh đi làm công cho người khác dù mức trả cao hơn từ 20 - 40.000 đồng/ngày.
Theo lời của lão nông Thanh Tri, công việc không có gì nặng, chỉ kéo ống tưới nước, tưới xong cầm kéo cắt chồi, rồi chỉnh bồn sơ sơ. Vậy mà không kiếm ra người. Ở tuổi 70, ông Tri phải gắng sức cầm ống tưới. Cứ tưới chừng 10 gốc cà phê, ông tắt máy ngồi thở. Không chỉ riêng người Kinh mà nhiều lao động là người dân tộc thiểu số JRai, BarNah... cũng chẳng còn thời gian rảnh để đi làm thuê thời vụ như những năm trước. Với họ, không chỉ có cà phê, tiêu, sầu riêng như người Kinh (dù diện tích nhỏ) mà còn có những mảnh ruộng lúa mùa đông xuân.
Tháng 3 đã là mùa nắng của Tây nguyên. Từ sáng sớm, hàng chục người Bar Nah của làng Koái (xã Ia Blang, Chư Sê, Gia Lai) hối hả khơi mương thủy lợi lấy nước tưới hàng chục hec-ta lúa đang chuẩn bị làm đòng. Bà Siu HPhat chỉ tay vào mương thủy lợi, nói bằng tiếng Kinh khá sõi: "Mùa này phải lo lấy cái nước cho cây lúa sắp chết". Ông Vinh nói: "Với người BarNah và JRai, ruộng lúa rất quan trọng nên dù có trả công cao đến mấy họ cũng không đi làm". Theo lời ông chủ trẻ đại lý phân bón: "Hồi hái cà phê trong năm, có cặp vợ chồng dân làng Koái hái thuê cà phê từ 1 - 1,2 tấn cà phê tươi/ngày, quy ra tiền là 1 - 1,2 triệu đồng".
Thu hoạch tiêu
Ông Hải (ngụ thôn 2, xã Ia Blang, Chư Sê, Gia Lai) hiện có khoảng 200 gốc tiêu và 1.000 gốc cà phê (tương đương 1 hec-ta đất) và là nhân viên bán thời gian cho một doanh nghiệp đóng trên địa bàn thôn nên chẳng còn thời gian rảnh. Ông cười: "Mấy năm trước đi làm ngoài và chơi nhiều lắm. Còn năm nay, cà phê đang được giá nên phải dồn toàn lực để chăm sóc vườn". Theo lời ông Hải, sẽ không có tình trạng dư công dù các chủ vườn đã xong từng phần việc theo tháng. "Giờ rảnh là tôi xuống vườn để coi ngó nước, sâu rầy, cắt cành... Mấy năm trước mặc kệ ra sao thì ra, còn năm nay phải chăm thiệt kỹ. Mong sao mùa tới giá cũng như mùa vừa rồi", ông Hải hồ hởi chia sẻ.
Theo ông Hồ Minh Hậu - quyền Chủ tịch UBND xã Ia Glai (H.Chư Sê, Gia Lai), hiện xã có 1.506 hộ (6.505 nhân khẩu) đang canh tác 725 hec-ta cà phê. Với địa phương này, nếu chia bình quân, mỗi hộ chỉ có 0,48 hec-ta cà phê, nhưng cộng với diện tích sầu riêng, chanh dây... ước chừng gần 0,8 hec-ta/hộ chưa kể phần diện tích cao su được khoán nên người dân ở đây chẳng còn thời gian đi làm công mà cả ngày "cắm mặt" với mảnh vườn cũng những loại cây đang vào lúc được giá.
"Không dám mơ giá như năm nay, mà chỉ cần cà phê có giá từ 55 - 60.000 đồng/kg nhân, chanh dây chừng 15.000 đồng/kg, còn tiêu quanh mức 90.000 đồng/kg... đã là quá đủ cho bà con có niềm tin để gắn bó với mảnh đất nhà mình", ông Hậu cho biết thêm.
Bà Siu HPhat (người JRai ở làng Koái) đào mương lấy nước thủy lợi tưới vụ đông xuân
Mừng, lo lẫn lộn
Mấy ngày qua, khi mặt trời sắp lặn là tiết trời lành lạnh. Nhìn gương mặt người dân miền quê từ người Kinh đến các dân tộc thiểu số, thấy họ đang vui... nhưng trong lòng bồng bềnh nhiều nỗi sợ. Sợ thiếu công làm đang là câu chuyện thời sự của miền đất đỏ này. Sợ nắng sẽ thiếu nước trong vài tuần tới. Mấy ngày gần đây, nhiều giếng đã bắt đầu rút nước. Trước bơm cả ngày không hết nước, giờ chỉ có vài tiếng đồng hồ là phải "ngắt cầu dao", nằm chờ 3 - 4 tiếng mới có nước trở lại để bơm. Đáy giếng sâu hoắm, đen ngòm.
Cái nóng vẫn chưa là gì mà nỗi sợ lớn nhất của người dân Tây nguyên hiện nay là giá. "Nóng" nhất là cây sầu riêng. Đề tài của các lão nông khi uống cà phê, vào quán nhậu chính là... cây sầu riêng với những thuật ngữ mới: xổ nhụy, chặt đọt, bung đọt, hãm nước, thụ phấn đêm...
Giá cà phê đang được các website, diễn đàn công bố ở mức giá 87.000 đồng/kg đã làm người trồng đổ hết công sức, tiền của vào loại cây này. Ngay cả cây tiêu - vàng đen một thời trên sau gần 6 năm "đao giá” xuống mức 34.000 đồng/kg, nay có nhiều hộ dân rục rịch tính chuyện trồng lại tiêu trong những vườn cây ăn trái, vườn "cà tơ” (cà phê 4 năm tuổi) và cả trong vườn sầu riêng chuẩn bị hái trái bói. Cũng như nhiều vùng chuyên canh khác, một thời người dân không còn tha thiết với loại cây trồng từng định danh một vùng đất như cây dừa ở Bến Tre.
Nhiều chủ vườn đã mạnh tay chặt bỏ hàng trăm gốc dừa đã thu hoạch được nhiều mùa để chuyển sang trồng chanh. Người người trồng chanh, nhà nhà trồng chanh... khiến dội chợ, rớt giá là điều không thể tránh. Vùng Tây Nguyên vài năm qua, khi cà phê, tiêu rớt giá, nhiều nhà nông đã phá vườn để trồng chanh dây, gừng... trong khi vẫn chưa tìm được nguồn tiêu thụ. Trồng tự phát, manh mún... không được định hướng, qui hoạch từ những nhà chuyên môn, có trách nhiệm chính là bài học mà nhà nông phải "gánh", trả giá đắt trong thời gian qua.
Nếu 3 loại cây "chủ lực" của Tây Nguyên ở mức giá hiện nay, đó là hạnh phúc cho người dân. Còn... thì hồi hộp chờ đợi vụ mùa tới sẽ như thế nào. Cây sầu riêng đã "xổ nhụy", nghĩa là ra trái non. Nghe nói, giá sầu riêng hiện nay ở miền Tây đã lên đến hơn 100.000 đồng/kg. Là loại trái cây theo mùa, giá sầu riêng thay đổi theo mùa vụ và nguồn cung. Ngoài ra còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như vùng trồng, vận chuyển, thời tiết... Người dân Tây Nguyên khấp khởi, hồi hộp chờ...