Mẹ chở che chúng con đi qua chiến tranh

Thứ Sáu, 08/03/2024 09:19

|

(CATP) Ở những quốc đảo xa xôi tận vùng Nam Thái Bình Dương như Salomon, Papua New Guinea có lưu cuốn sách ca ngợi người phụ nữ Việt Nam. Trong phóng sự này, chúng tôi chỉ đề cập tới 4 người mẹ đã đi vào thơ ca, văn chương, được tạc tượng, trở thành biểu tượng của hàng trăm ngàn Mẹ Việt Nam Anh hùng, như: Mẹ Tơm (SN 1880), Mẹ Suốt (SN 1908), Mẹ Thứ (SN 1904), Mẹ Nhu (SN 1914).

Đứng lên từ thân phận

Trong 4 Mẹ Việt Nam Anh hùng này, Mẹ Tơm là người lớn tuổi nhất. Thời của Mẹ Tơm, trong dân gian truyền miệng các bài thơ: Hô hào công, nông, binh nổi dậy; Động viên dân cày đấu tranh; Kêu gọi phụ nữ đứng lên. Những người đàn bà thời đó thường thuộc bài thơ dài 30 câu kêu gọi phụ nữ đừng có yếu mềm: "Chớ nghĩ chữ phục tùng là thân gái/Bước đường đời sao tránh khỏi chông gai/Gánh nợ đời dành để cho trai/Mà quanh quần chân chồng thêm bó buộc".

Thời Pháp thuộc, đất nước chia 3 vùng Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ, quyền hành cao nhất trong mỗi tỉnh là quan Sứ, người Pháp. Cuộc sống của mỗi người dân An Nam là bức tranh của sự cùng đinh, áo rách, đói khát, ghẻ lở, chấy rận khắp người. Tờ báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng kêu gọi người dân "Không tham bồ lúa anh đầy/Tham ba cái chữ làm thầy thế gian". Còn ở khắp các xóm làng vẫn luôn có một dòng chảy ngầm tinh thần yêu nước, già, trẻ, gái, trai truyền nhau những câu thơ: "Ta là công nông binh/Áp bức này đâu lẽ làm thinh...".

Chân dung Mẹ Thứ

Mẹ Tơm tên thật là Nguyễn Thị Quyển (1880-1953), chồng là ông Vũ Văn Sởn. Mẹ quê ở làng Hanh Cù, nay là thôn Đông Thành (xã Đa Lộc, H.Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Tháng 9/1941, chiến khu du kích Ngọc Trạo bị vây ráp, vì là nơi có cơ quan đầu não của tỉnh Thanh Hóa. Trước tình hình trên, Tỉnh ủy đã có chủ trương di chuyển về vùng ven biển để lập khu ATK mới. Ngôi nhà tranh vách đất nằm trước gió biển lùa ngày đêm của gia đình Mẹ Tơm đã trở thành trụ sở để tổ chức in tài liệu, truyền đơn, họp bàn công việc.

Thời đó, việc chứa chấp người yêu nước, gia đình Mẹ Tơm sẽ phải đối diện với chiếc máy chém được mang từ Pháp sang An Nam, đó là máy Guillottine được quảng bá là chém một nhát sẽ chết ngay mà không kịp gây đau đớn, giờ chém đầu luôn được ấn định vào lúc 6 giờ 15 phút sáng. Vậy nhưng Mẹ vẫn xả thân.

Thời Pháp thuộc, việc chạy chợ chủ yếu là đi bộ bằng đôi dép làm từ mo cau hoặc đi đò. Hàng ngày Mẹ Tơm gồng gánh đi tới các chợ Choàng, Nghè, Vích, Mành và dưới giỏ cá là xấp truyền đơn có in những bài thơ kêu gọi đấu tranh, dân cày có ruộng. Hàng đêm, Mẹ lại trở thành người lính canh gác ở một cồn cát gần nhà. Chồng và con trai đi làm nghề đan rổ, cắt tóc để lấy tiền mua gạo nuôi cách mạng. Năm 1961, nhà thơ Tố Hữu khi trở lại thăm ngôi nhà của Mẹ đã viết bài thơ Mẹ Tơm. Bài thơ này đã được đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn 12.

Mẹ Nguyễn Thị Suốt với Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Hình tượng sống mãi

Giai đoạn từ năm 1967, tỉnh Quảng Bình có 2 địa danh ác liệt nhất, đó là trên tuyến Đông Trường Sơn và sông Nhật Lệ. Máy bay Mỹ suốt ngày oanh tạc cùng với các loại pháo ngoài biển rót vào những tuyến đường được khoanh vùng là "tuyến chở quân và vũ khí từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam". Mẹ Suốt tên thật là Nguyễn Thị Suốt (1908-1968), quê ở thôn Trung Bính, xã Bảo Ninh, thị xã Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Mẹ Suốt có hoàn cảnh giống như Mẹ Tơm, đó là gia đình không có đất để canh tác, phải đi ở đợ suốt 18 năm cho gia đình phú nông.

Sau tổng khởi nghĩa năm 1945, Mẹ lập gia đình, sinh được 3 người con và hàng ngày làm nghề chèo đò sang sông Nhật Lệ kiếm sống. Giai đoạn này, máy bay Mỹ liên tục bắn phá dọc sông để ngăn những chuyến đò chở vũ khí và bộ đội ta. Mặc dù nghề chèo đò hàng ngày đối mặt với sinh tử, nhưng Mẹ vẫn dũng cảm, gò lưng đưa đò. Chiếc đò của Mẹ Suốt đã bao lần đi giữa những cột nước đen ngòm và trên đầu là các loại máy bay A4, F8U, AD 6 liên tục quần đảo như diều hâu. Những nhân chứng thời đó kể lại, tất cả những người dân thời đó, không kể già trẻ, tất cả đều thực hiện khẩu hiệu: "Xe chưa qua là nhà không tiếc", "Tiếng hát át tiếng bom".

Năm 1965, nhà thơ Tố Hữu trong một lần về công tác tại tỉnh Quảng Bình (lúc đó ông giữ chức vụ Phó trưởng Ban Tuyên giáo) đã rất cảm động khi nghe kể về người mẹ 57 tuổi, dáng người gầy gò, tóc bạc, khuôn mặt đã sớm phủ nếp nhăn dọc ngang vì cuộc đời cơ cực, luôn dũng cảm chèo đò chở bộ đội, thương binh, đạn dược qua sông Nhật Lệ. Nhà thơ Tố Hữu đã sáng tác bài thơ nổi tiếng Mẹ Suốt. Hiện, tượng đài Mẹ Suốt nằm bên dòng sông Nhật Lệ với chiếc mái chèo, dáng đứng hiên ngang, dưới chân Mẹ là sóng gió trùng trùng luôn là điểm đến được người dân và du khách viếng thăm khi đến Quảng Bình.

Bức tượng phác thảo Mẹ Tơm

Từ Quảng Bình đi ngược vào tới trung tâm TP.Đà Nẵng cũng sẽ bắt gặp tượng đài người Mẹ có dáng đứng hiên ngang, chỉ tay về phía trước, đó là Mẹ Nhu (tên thật là Lê Thị Dãnh). Tháng 12/1968, ngôi nhà của Mẹ bị địch bao vây. Mẹ và người con trai bị địch bắt, bị tra khảo nhưng một mực không khai ra căn hầm bí mật. Ngày nay, thế hệ trẻ ở TP.Đà Nẵng mỗi khi kể chuyện lịch sử thì thường nhắc tới Mẹ Nhu, Mẹ Hiền và 7 dũng sĩ Thanh Khê.

Mẹ Thứ - điểm đến Quảng Nam

Hơn 10 năm về trước, nhiều tờ báo đặt câu hỏi về việc "đầu tư hơn 400 tỷ đồng để xây dựng tượng đài Mẹ Thứ của tỉnh Quảng Nam là quá lãng phí?". Nhưng vào thời điểm đó, có ý kiến chia sẻ ngược lại rằng, "tượng đài là công trình trăm năm và chỉ xây dựng 1 lần, nếu Quảng Nam xây lớn như vậy không chỉ tôn vinh Mẹ mà còn để gắn với phát triển du lịch, điểm đến của du khách trong nhiều năm sau".

Và tới giờ này, những ai đi du lịch qua vùng đất miền Trung thì đều nhắc tới việc "ghé thăm tượng đài Mẹ Thứ". Nhiều người được tôi phỏng vấn khi tham quan khu tượng đài Mẹ Thứ đã cảm động nói về sự hy sinh của người phụ nữ Việt Nam và tỏ lòng xót thương, thương từng nếp hằn trên khuôn mặt của Mẹ, thương 12 lần khóc thương con cháu.

Tượng đài Mẹ Thứ ở tỉnh Quảng Nam

Mẹ Nguyễn Thị Thứ, SN 1904, tức nhỏ hơn Mẹ Tơm 24 tuổi và ít nhiều cũng từng được những người đồng chí của mình lưu truyền câu chuyện về lòng hy sinh của một người phụ nữ ở vùng đất Thanh Hóa, cách Quảng Nam gần 700 km, gắn với cái tên "chị Tơm". Những người đi trước tạo niềm cảm hứng cho người sau tiếp bước trên con đường làm cách mạng.

Mẹ Thứ qua đời vào cuối năm 2010, hưởng thọ 106 tuổi. Thời còn sống, cứ đến ngày giỗ là Mẹ đặt 12 bát cơm với đôi đũa để con cháu về đoàn tụ. Trên tường nhà của Mẹ treo 12 tấm bằng Tổ quốc ghi công (9 người con và 3 người là cháu ngoại, con rể). Người dân địa phương vẫn còn kể chuyện vợ chồng Mẹ bám trụ lại giữa bom đạn để nuôi giấu cán bộ. Mảnh vườn canh tác ngô, sắn của gia đình Mẹ có tới 5 căn hầm bí mật.

Những người trẻ mà tôi từng phỏng vấn chia sẻ suy nghĩ về Mẹ Thứ đều bày tỏ lòng biết ơn Mẹ, những hình ảnh họ đăng tải trên trang cá nhân luôn lan tỏa câu chuyện dài về những người mẹ hiền trên dải đất hình chữ S. Mẹ đã chở che cho chân chúng con bước, như lời thơ của tác giả Dương Hương Ly (Bùi Minh Quốc): "Hầm mẹ giăng như lũy, như thành... Đất quê ta mênh mông/Lòng mẹ rộng vô cùng".

Bình luận (0)

Lên đầu trang