Mẹ Thứ là hình tượng tiêu biểu của Bà mẹ Việt Nam anh hùng với sự cống hiến, hy sinh vô bờ bến; là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam.
Chín lần nhận giấy báo tử của các con trai
Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ (SN 1904, theo giấy căn cước chế độ cũ mẹ SN 1902) tại xóm Rừng (thôn Thanh Quýt, xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, Quảng Nam); mất ngày 10-12-2010 tại TP.Đà Nẵng, đại thọ 106 tuổi.
Quê nhà mẹ Thứ những ngày này nhộn nhịp kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Nhà mẹ Thứ đơn sơ, yên bình. Nhiều người đến dâng hương, tưởng nhớ mẹ và các anh hùng liệt sĩ. Trên tường nhà treo 12 bằng Tổ quốc ghi công và trên bàn thờ hương khói của 9 người con trai mẹ Thứ.
Mẹ Thứ bên mâm có chín cái bát, chín đôi đũa dành cho 9 người con của mẹ đã hy sinh. Bức ảnh do Đại tá, nhà báo Trần Hồng chụp gây xúc động đối với bất cứ ai nhìn thấy
Nhiều người dân xã Điện Thắng Trung vẫn nhớ từng chi tiết về gia đình mẹ Thứ. Vợ chồng mẹ cùng con gái đầu bám trụ xóm làng, vừa sản xuất, vừa đào hầm nuôi giấu cán bộ. Hằng đêm, mẹ để ngọn đèn sáng bên bàn thờ làm ám hiệu an toàn cho cán bộ, du kích đi về hoạt động.
Vườn nhà mẹ rộng, có 5 căn hầm bí mật. Quanh vườn có nhiều cây xanh và cỏ, nuôi nhiều bò để ngụy trang. Lúc an toàn, mẹ Thứ và các con mở hé cửa hầm để mọi người dễ thở và khi có động thì lại giả vờ trông coi bò để chỉnh sửa, ngụy trang lại miệng hầm. Hàng trăm cán bộ, bộ đội, du kích được gia đình mẹ Thứ chở che, chăm sóc...
Nuôi con cháu trong cảnh lận đận, đói nghèo nhưng khi Tổ quốc cần, mẹ Thứ động viên, tiễn các con ra chiến trường. Mẹ Thứ có 12 người con (11 trai và 1 gái) thì 9 con trai hy sinh. Con đầu và cũng là con gái duy nhất - bà Lê Thị Trị là thương binh, cũng được trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) khi có chồng và 2 con gái là liệt sĩ. Như vậy gia đình mẹ Thứ có 12 liệt sĩ.
Hiếm có người mẹ nào trên thế giới này mang nhiều nỗi đau và sự hy sinh cho Tổ quốc như mẹ Thứ. Trong chống Pháp và Mỹ, mẹ Thứ lần lượt nhận 9 giấy báo tử của 9 con trai và nhận tin con rể cùng 2 cháu ngoại hy sinh.
Ngày 18-6-1948, anh Lê Tự Xuyến - chiến sĩ giao liên bị Pháp bắn tại đầu làng. Nửa tháng sau, ngày 5-10-1948, con trai Lê Tự Hàn Anh hy sinh khi làm nhiệm vụ tải thương. 10 ngày sau, con trai Lê Tự Hàn Em ngã xuống trong trận chống càn. Con trai Lê Tự Lem tròn 20 tuổi hy sinh trong lúc chiến đấu ở huyện nhà vào tháng 4-1954. Trong vòng 6 năm, mẹ Thứ mất 5 người con, đau thương dồn dập nhưng cứ khi con trưởng thành, mẹ lại động viên, tiễn con ra chiến trường.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm, dâng hương mẹ Thứ và các anh hùng liệt sĩ trong gia đình mẹ vào năm 2017.
Tháng 9-1966, con trai Lê Tự Nự hy sinh. Năm 1972, anh Lê Tự Mười và anh Lê Tự Trịnh hy sinh. Năm 1974, anh Lê Tự Thịnh - Ðại đội trưởng bộ đội ở huyện Duy Xuyên hy sinh trong lần chỉ huy đơn vị đánh đồn giặc. Con trai cả Lê Tự Chuyển - chiến sĩ biệt động Sài Gòn hy sinh vào 9 giờ ngày 30-4-1975 ngay trên cầu Rạch Chiếc ở cửa ngõ vào Sài Gòn, chỉ trước vài giờ đất nước thống nhất.
Con rể của mẹ là Ngô Tường (chồng của mẹ VNAH Lê Thị Trị) tham cách mạng từ thời chống Pháp, bị giặc Mỹ bắt năm 1956, bị tra tấn cho đến lúc tử vong, được công nhận là liệt sĩ. Mẹ Thứ còn 2 cháu ngoại (con gái của mẹ Trị) là Ngô Thị Điểu bị giặc Mỹ bắt tra hỏi, hy sinh tháng 8-1970 và Ngô Thị Cúc hy sinh trong lần công tác vào vùng địch hậu năm 1973.
Năm 80 tuổi, mẹ Thứ mù đôi mắt, sống với con gái ở quê nhà sau đó chuyển ra Đà Nẵng sống cùng con út Lê Tự Tân cho đến khi mất ở tuổi 106 vào ngày 10-12-2010.
Sự mất mát, hy sinh của gia đình mẹ Thứ không có bút mực nào diễn tả hết. Nhiều cựu lãnh đạo, cán bộ vẫn còn kể câu chuyện, vào năm 1998 khi một đoàn khách nước ngoài về thăm mẹ Thứ, một nhà báo, cựu chiến binh người Hàn Quốc đã hỏi mẹ: “Thưa bà, với quan niệm người Á Đông, con cái là phúc lộc, là tài sản. Khi người con thứ tư, thứ năm tử trận, tại sao bà vẫn tiếp tục động viên những người con khác ra mặt trận”?
Chân dung Bà mẹ Việt Nam anh hùng lấy nguyên mẫu từ mẹ Thứ.
Mẹ Thứ điềm tĩnh trả lời: “Ở nước tôi, Cụ Hồ đã dạy là “Không có gì quý hơn độc lập tự do” nên cứ là người Việt Nam, trong đó có các con, các cháu tôi đều sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để giành lấy độc lập, tự do. Nếu còn chiến tranh, các con tôi, rồi cháu tôi vẫn sẽ tiếp tục ra trận để giành độc lập, tự do, bình yên mà hôm nay chúng tôi đang hưởng”. Người cựu chiến binh Hàn Quốc sững người, rưng rưng nước mắt rồi thấp người xuống, cầm tay xin lỗi mẹ…
Sừng sững tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng
Ngày 17-12-1994, Chủ tịch nước Lê Đức Anh ký quyết định tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH đợt đầu tiên cho 19.879 bà mẹ, trong đó có mẹ Thứ. Trân trọng với những gì các Bà mẹ VNAH đã cống hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân, năm 2004, Đảng và Nhà đồng ý xây dựng quần thể tượng đài Bà mẹ VNAH. Ngày 27-7-2009, công trình được khởi công tại núi Cấm (thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) rộng 150.000m2 (15ha); hoàn thành ngày 24-3-2015. Đây là tượng đài Bà mẹ VNAH lớn nhất nước.
Đặc biệt, công trình lấy nguyên mẫu từ mẹ Nguyễn Thị Thứ. Với ý tưởng: Mẹ là suối nguồn bao la vô tận, là linh hồn đất nước. Mẹ sinh ra từ mảnh đất anh hùng, rồi sinh ra những người con anh hùng và sẽ lại hoá thân vào đất, vào non nước Việt Nam. Mẹ sẽ sống mãi ngàn đời, vẫn tiếp thêm nguồn sức mạnh mẽ cho các thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Họa sĩ Đinh Gia Thắng đã thể hiện bức tượng mẹ Thứ (cao 18,5m, rộng 84,7m). Bên trong tượng đài là Nhà tưởng niệm Mẹ VNAH, có bia ghi danh gần 50.000 Mẹ VNAH cả nước; giới thiệu hình ảnh, cuộc đời và sự cống hiến của các Bà mẹ VNAH…
Trong hồi tưởng của Bà mẹ VNAH Lê Thị Trị có đoạn viết: “Lúc Mẹ (tức mẹ Thứ - PV) còn sống, mỗi khi tới kỳ giỗ chạp của các con hay ngày Tết Nguyên đán, ngày Thương binh Liệt sỹ, Mẹ lọ dọ chống gậy đến bàn thờ thắp 9 ngọn nến, 9 nén hương và xếp 9 cái bát, 9 đôi đũa bên mâm cơm để gọi các con về với Mẹ… Lại có những đêm thiếp đi trong cơn mê, Mẹ như thấy các con về, Mẹ choàng tỉnh dậy, nước mắt lưng tròng đến trước bàn thờ gọi tên từng người con yêu quý và thắp 9 nén hương để tưởng nhớ các con…”.
Đại tá Trần Hồng (SN 1947, ngụ TP.Hà Nội) được biết đến là nhà báo chuyên ghi lại hình ảnh về cuộc sống của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chụp ảnh chân dung Mẹ VNAH là người đã chụp bức ảnh mẹ Thứ bên mâm cơm cúng các con.
Năm 2001, ông chụp bức ảnh mẹ Thứ ngồi trước mâm cơm với 9 bộ bát đũa bày ra để tưởng nhớ các con và coi đó là sự sum vầy, rồi ông viết: “Bất chợt bữa đến nhà, tôi thấy Mẹ đang ngồi như thế này. Bà bảo tôi rằng bà vẫn đợi nó về. 9 thằng chắc chắn có một thằng về với tôi, chắc chắn thế”.
Bức ảnh Mẹ Thứ cùng 9 cái bát, 9 đôi đũa chờ các con về, bức ảnh gây xúc động với bất cứ ai nhìn thấy. Ảnh: Vietnamnet.
Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho đã viết về chi tiết này thành bài hát “Người mẹ Quảng Nam”: "Chín bát hương, chín khúc ruột tái tê/ Chín con ra đi không một đứa trở về/ Giọt lệ chảy dài như dòng sông quê mẹ/ Nỗi đau chất chồng cao tựa Trường Sơn… Mẹ yêu thương, mẹ anh hùng, mẹ của con/ Cả nước tự hào, ôi người mẹ Quảng Nam"...
Chân dung Bà mẹ Việt Nam anh hùng lấy nguyên mẫu từ mẹ Thứ tại Quần thể tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại núi Cấm (thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam).
Gian thờ tự trong gia đình mẹ Thứ