Nhà báo Việt kiều Mỹ - Nguyễn Quang Trường:

Mong phản ánh chân thực, phong phú về một Việt Nam ngày càng phát triển

Thứ Năm, 30/04/2020 14:14

|

(LTS) Là nhà báo người Mỹ gốc Việt nổi tiếng trong cộng đồng, Nguyễn Quang Trường từng là Tổng thư ký Tòa soạn báo Việt Weekly - tờ tuần báo đã gây tiếng vang lớn do cách nhìn mới mẻ, chân thực hướng về quê hương; bóc trần chân tướng, thủ đoạn của những tổ chức, cá nhân chống Cộng cực đoan tại Mỹ. Hiện kênh Văn hóa Việt Nam TV (VHVN TV) của anh được nhiều người Việt trong và ngoài nước biết đến.

Từ một người chống cộng cực đoan, nhà báo Nguyễn Quang Trường đã thay đổi suy nghĩ và cách nhìn của mình về Việt Nam sau những quan sát, chiêm nghiệm, những chuyến về thăm, tác nghiệp tại quê nhà.

Đặc biệt, trong năm 2019, bài "Nghị quyết 36 và một nhà báo người Mỹ gốc Việt" của anh đăng trên Báo Nhân Dân, đã giành giải "Búa liềm Vàng" dành cho tác giả người Việt ở nước ngoài. Báo Công an TPHCM đã có cuộc trò chuyện với anh, nhân kỷ niệm 45 năm ngày đất nước thống nhất.

Phóng viên: Điều gì khiến cho anh từ một người nhìn nhận về đất nước khá cực đoan, đã thay đổi hoàn toàn như hiện nay?

Nhà báo Nguyễn Quang Trường: Trước hết, tôi xin được nói đôi nét về bản thân. Gia đình tôi là người công giáo di cư vào Nam năm 1954, bố tôi là cựu sĩ quan Việt Nam Cộng hòa, đi học tập cải tạo 6 năm. Trước khi bố tôi qua Mỹ theo diện HO, năm 1988 tôi vượt biên sang Thái Lan rồi qua Mỹ năm 1991.

Xin nói sơ qua như thế để anh hiểu, tôi đã từng nhìn nhận về chế độ cộng sản vào thời điểm đó như thế nào. Là một họa sĩ, nhà hí họa, tôi đã dùng ngòi bút của mình để đả kích, phê phán chế độ cộng sản trong một thời gian khá dài.

Cho đến năm 2003, tôi cảm thấy có những vấn đề lấn cấn ở trong suy nghĩ. Quan sát nhiều người hô hào "chống cộng, chống cộng", nhưng tôi lại thấy hình như có một động cơ không chính đáng đằng sau.

Có một câu chuyện xảy ra vào năm 1999, ông Trần Trường trong cộng đồng người Việt ở Mỹ có treo một lá cờ đỏ sao vàng, nhân danh quyền tự do cá nhân. Cộng đồng người Việt lúc đó xôn xao trước một sự việc làm người ta hết sức suy nghĩ.

Những người chống cộng thì ra sức phản đối, đe dọa ông Trần Trường; còn báo chí Mỹ thì đứng ở trung lập, cho rằng chính kiến và tự do cá nhân, ngôn luận cần phải được bảo vệ. Sau đó, họ cho một phóng viên người Mỹ gốc Việt về Việt Nam tìm hiểu thực tế. Những câu chuyện Việt Nam được phóng viên Mỹ này tường trình sau đó, lập tức bị những người chống cộng rủa xả.

Quan sát câu chuyện, tôi thấy hình như là Việt Nam đang có một sự thay đổi, phát triển không giống như mình nghĩ. Từ đó, trong nhận thức của mình, tôi bắt đầu không muốn vẽ những bức hí họa chống cộng nữa.

Năm 2002, một số người trẻ cùng thế hệ của tôi lập ra tờ tuần báo Việt Weekly. Đây là tờ báo đầu tiên trong cộng đồng muốn nói một sự thật khách quan từ hai phía, tạo diễn đàn cho mọi người được đóng góp ý kiến.

Tờ báo của chúng tôi trở nên nổi tiếng, vì nó phản ánh trung thực về quê hương, đồng thời lật được các mặt trái của nhiều người chống cộng. Và những người này bắt đầu chống tờ báo của chúng tôi ngày càng quyết liệt.

Nhà báo Nguyễn Quang Trường trên trang nhất báo Viet Weekly sau chuyến thăm Trường Sa

Năm 2006, Việt Nam tổ chức sự kiện lớn APEC, có các nguyên thủ đến dự. Việt Weekly là cơ quan báo chí đầu tiên và duy nhất của người Việt ở nước ngoài được về nước để đưa tin sự kiện này.

Tôi rất hào hứng về chuyến đi đó, bởi không chỉ ghi nhận sự kiện APEC mà bằng mắt thấy tai nghe, được quan sát trực tiếp thực tế Việt Nam vào thời điểm ấy. Và tôi đã thật sự chấn động bởi không hình dung được, lúc tôi đi và lúc tôi về, sau 18 năm Việt Nam có nhiều thay đổi ngoạn mục như vậy.

Trong vai trò Tổng thư ký tuần báo Việt Weekly, tôi tiếp tục có những chuyến đi về Việt Nam. Năm 2011, tôi may mắn được đi thăm Trường Sa. Chúng tôi đã tường trình trực tiếp từ biển đảo.

Tôi có tổ chức một cuộc triển lãm mini, với hàng trăm bức ảnh chụp trong chuyến đi. Nó khiến tất cả những người trước đây chống cộng choáng váng, vì họ chưa bao giờ chứng kiến những hình ảnh mắt thấy, tai nghe như thế.

Phóng viên: Anh có phải chịu nhiều áp lực từ một bộ phận cộng đồng người Việt ở Mỹ, thậm chí là từ những người thân trong gia đình, trước sự thay đổi về nhận thức và những hoạt động của báo chí của mình?

Nhà báo Nguyễn Quang Trường: Anh biết đó, cha tôi là cựu sĩ quan và đã học tập cải tạo 6 năm. Ông đủ tiêu chuẩn để được đưa cả gia đình qua Mỹ vào năm 1994. Nhưng khi biết tôi làm báo, bố tôi trước hết là rất tôn trọng.

Ông bảo: "Bây giờ con lớn rồi, lý tưởng của mỗi người có thể khác nhau, nhưng là nhà báo thì con phải giữ sự trung thực. Nói gì thì nói, mình là người Việt Nam thì phải quan sát thực tế Việt Nam, mình không thể nào nói xấu Việt Nam giống như những người đang nói được. Con cứ về nước quan sát, nếu cái gì chưa tốt thì con phải đóng góp, nhưng mà đóng góp trên một tinh thần khách quan, chứ không thể tô đen hay bôi hồng gì cả".

Với những người chống cộng cực đoan, sau khi chúng tôi về Việt Nam năm 2006 và 2007, họ bắt đầu tổ chức triệt hạ tờ Việt Weekly bằng các hình thức: chửi bới, đe dọa, biểu tình trước tòa soạn hàng năm trời, triệt hạ những nơi phát hành báo, những nơi bán báo của mình. Tới năm 2010, chúng tôi không phát hành được báo in nữa, Việt Weekly chỉ còn tồn tại trên mạng cho tới năm 2015.

Nhà báo Nguyễn Quang Trường (thứ 2 từ trái sang) nhận giải Búa liềm Vàng năm 2019

Thực ra tôi biết, cộng đồng bên đó không phải là tất cả mọi người đều có thái độ thù nghịch, chống đối Việt Nam. Đại đa số khối đông thầm lặng hướng về quê hương đất nước, lặng lẽ về thăm Việt Nam, làm kinh tế, giao lưu...

Chỉ có một thiểu số cấu kết với một vài cơ quan truyền thông chống cộng, để tạo nên một sân khấu và một "kỹ nghệ" chống cộng kiếm tiền. Nhưng những chiêu trò đó giờ không còn ăn khách nữa, khi mà bà con được tiếp cận với nhiều thông tin xác thực, tích cực từ Việt Nam.

Năm 2013, tôi quyết định về Việt Nam sống thường trú, đi về giữa hai nơi. Năm 2017, tôi mời gọi một số người bạn, anh em của tôi bên đó thành lập kênh VHVN TV.

Tôi quan niệm nơi nào người Việt Nam sinh sống thì nơi đó mang giá trị văn hóa Việt đi khắp nơi. Từ đó, tôi có một tâm niệm, sẽ đóng góp phần nào việc giữ gìn cái gốc văn hóa của người Việt Nam, qua những chương trình của VHVN TV.

Phóng viên: Xin cảm ơn anh!

Bình luận (0)

Lên đầu trang