Bộ Y tế:

Phát động Chương trình "24 giờ đồng hành bên con" vì thế hệ trẻ Việt Nam

Thứ Tư, 29/11/2023 08:40

|

(CATP) Ngày 28/11/2023, Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em, Bộ Y tế đã phát động Chương trình "24 giờ đồng hành bên con" với mong muốn các gia đình, các bậc cha mẹ, người nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ dành nhiều thời gian nhất bên con để chăm sóc các em từ khi còn nhỏ, qua đó truyền tải thông điệp đến các bậc phụ huynh luôn trong tâm thái sẵn sàng đồng hành cùng con vì thế hệ trẻ em Việt Nam khỏe thể chất, mạnh tinh thần. Thông qua chương trình cũng lan tỏa thông điệp để xã hội có cái nhìn và những hành động hướng tới sự phát triển tốt nhất cho trẻ, nhất là những năm tháng đầu đời.

Phát biểu tại lễ phát động chương trình, Tiến sĩ Trần Đăng Khoa, Phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em, cho biết, những năm qua, ngành Y tế đã và đang thực hiện tốt các chính sách, chương trình dành cho trẻ em như chăm sóc thiết yếu trẻ sơ sinh, dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và trẻ em, tiêm chủng mở rộng phòng các dịch bệnh nguy hiểm; khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi; phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ; phẫu thuật tim bẩm sinh cho trẻ em nghèo...

Bộ cũng đã ban hành đồng thời chỉ đạo thực hiện quyết liệt các vấn đề chăm sóc thiết yếu trẻ sơ sinh, chăm sóc trẻ bằng phương pháp Kangaroo, thông qua những hành động đơn giản song đạt được tác động tối ưu như: cái ôm đầu đời, da kề da, bú sữa mẹ ngay từ giờ đầu sau sinh, tăng cường dinh dưỡng và miễn dịch từ sữa mẹ để trẻ phát triển thể chất lẫn tinh thần, phòng chống bệnh tật. Cái ôm đầu đời này ngoài thể hiện tình mẫu tử thiêng liêng giữa mẹ và con còn là sự đồng hành của cha mẹ từ những giây phút đầu khi con chào đời.

Phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em Trần Đăng Khoa phát biểu tại lễ phát động chương trình

Với thông điệp "Vì thế hệ trẻ Việt Nam khỏe thể chất, mạnh tinh thần", Chương trình "24 giờ đồng hành bên con" mang nhiều ý nghĩa nhân văn. Theo đó, Ban tổ chức sẽ triển khai chuỗi hoạt động tại cộng đồng với sự tham gia của cha mẹ - con cái cùng vui chơi, trải nghiệm, qua đó góp phần nâng cao vai trò của cha mẹ đối với sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ trong những năm tháng đầu đời, đặc biệt khi cha mẹ dành thời gian cho con mới có thể giúp trẻ cân bằng về tâm lý... Thông qua chương trình cũng nâng cao sự hiểu biết của cha mẹ và tăng cường thực hiện 24 giờ đồng hành, giúp con phát triển toàn diện hơn...

Để trẻ phát triển toàn diện cần được nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ, giáo dục từ gia đình - nhà trường - xã hội. Chương trình mong muốn và kỳ vọng các gia đình, người nuôi dưỡng - chăm sóc trẻ dành nhiều thời gian nhất bên con để có thể tương tác, giáo dục, giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần, nhân cách, đạo đức lối sống lành mạnh, hiện đại...

Hôm nay 29/11, công bố phương án thi tốt nghiệp Trung học phổ thông từ năm 2025

Đại diện Bộ Giáo dục - Đào tạo cho biết, chiều 29/11 đơn vị này sẽ tổ chức họp báo chính thức công bố phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) từ năm 2025. Đây là thông tin được các trường, học sinh (HS) và phụ huynh mong đợi suốt thời gian qua, khi 2025 là năm đầu tiên các HS học theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới 2018 sẽ tốt nghiệp bậc THPT.

Chương trình GDPT 2018 có rất nhiều điểm khác biệt so với trước đó, còn gọi là Chương trình 2.000: từ mục tiêu, quan điểm, phương pháp giáo dục (GD), cơ cấu hệ thống cũng như các môn học, đặc biệt là ở bậc THPT. Cụ thể, trong Chương trình GDPT 2018, GD cơ bản kết thúc ở bậc trung học cơ sở, THPT là giai đoạn GD hướng nghiệp. Do đó, HS bậc THPT không bắt buộc phải học tất cả các môn như chương trình cũ, mà chỉ phải học bắt buộc 4 môn, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử. Ngoài 4 môn học bắt buộc, HS được lựa chọn học thêm một số trong các môn còn lại. Do điều chỉnh trong chương trình học nên việc thi tốt nghiệp THPT đối với HS học theo chương trình mới cũng cần có sự thay đổi phù hợp.

Trước đó, Bộ GD-ĐT đã lấy ý kiến công luận về ba phương án tổ chức kỳ thi này từ năm 2025. Ở tất cả phương án trên, HS đều sẽ thi 2 môn trong số các môn lựa chọn, nhưng khác nhau ở số môn thi trong nhóm môn học bắt buộc.

Cụ thể, phương án 1: HS sẽ thi 6 môn, gồm cả 4 môn học bắt buộc và 2 môn lựa chọn. Phương án 2: các em sẽ thi 5 môn, gồm 3 môn học bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 môn lựa chọn. Phương án 3: HS sẽ thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn lựa chọn. Theo công bố kết quả khảo sát của Bộ GD-ĐT, phương án thi 4 môn có tỉ lệ lựa chọn nhiều hơn so với các phương án còn lại.

XUÂN MINH

Bình luận (0)

Lên đầu trang