Bình Định:

Phát hiện mới ở hố khai quật di tích Thành Cha

Chủ Nhật, 25/12/2016 09:19  | Bình Lê

|

(CAO) Chiều 23-12, Ban quản lí di tích thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định tổ chức báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ di tích Thành Cha (thôn An Thành, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định).

Giải pháp nào tu bổ, tôn tạo di tích Chùa Cầu Hội An?

Năm 2015, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành phối hợp với Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Định, Ban quản lí di tích khai quật di tích Thành Cha lần đầu tiên. Hố khai quật được mở trên gò Ông Ty – Trung tâm của thành nội với diện tích 400m2, phát hiện 3 lớp kiến trúc, trong đó có lớp kiến trúc sớm là dấu tích nền gia cố bằng gạch vỡ, đá, sỏi lớn và cát có mặt bằng hình chữ nhật, quy mô nhỏ, niên đại thế kỷ 4-6AD và số lượng lớn vật liệu xây dựng trang trí kiến trúc, đồ dùng sinh hoạt Champa.

Buổi báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ di tích Thành Cha

Trong hố còn phát hiện được nhiều mảnh gốm thô mang truyền thống văn hóa Sa Huỳnh muộn. Những phát hiện mới ở hố khai quật có ý nghĩa rất lớn trong nghiên cứu Thành Cha - kinh đô đầu tiên của nhà nước Champa khi dời đô từ Quảng Nam vào Bình Định nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề cần nghiên cứu thêm.

Năm 2016, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành tiến hành khai quật di tích Thành Cha lần thứ hai, mở 3 hố khai quật trên vòng thành Ngoại phía Bắc, khu vực gò đất trung tâm thành Nội (gò Ông Tỵ) và 1 hố thám sát mở góc Tây Bắc thành Nội. Kết quả thu được nhiều tư liệu về di tích, di vật, cấu tạo các lớp đất góp phần hiểu thêm quá trình hình thành, phát triển thành Cha nói riêng và văn hóa Champa ở Bình Định nói chung.

Những hiện vật khai quật được

Qua khai quật các hố trên gò Ông Ty cho thấy địa tầng khu di tích có hai lớp văn hóa: Sa Huỳnh muộn ở dưới và lớp văn hóa Champa ở trên. Đây là lần đầu tiên phát hiện được lớp văn hóa cư trú Champa sớm niên đại thế kỷ 2-4. Cũng như qua địa tầng hố khai quật, qua các rãnh đào để nghiên cứu địa tầng nhận thấy gò Ông Ty là gò đất nhân tạo được hình thành trong quá trình xây dựng các kiến trúc Champa ở đây. Đặc biệt hơn nữa trước khi khu vực này được người Chăm chọn để xây dựng các công trình kiến trúc đã có lớp cư dân Champa cư trú từ trước đó.

Sơ bộ qua hai lần khai quật thì lần đầu tiên phát hiện được lớp văn hóa Sa Huỳnh (cư trú và mộ táng) và sự chuyển tiếp Sa Huỳnh – Champa qua địa tầng. Phát hiện được hệ thống kiến trúc gạch Champa có niên đại thế kỉ IX-X và thế kỉ XI-XII. Lần đầu tiên nhận biết được cấu trúc các lớp đất đắp thành các giai đoạn: giai đoạn thành thuộc Châu Vijaya và giai đoạn thành Vương quốc Vijaya khi chuyển đô từ Quảng Nam vào Bình Định. Một phát hiện quan trọng khác là di tích kiến trúc lợp ngói gồm 3 loại ngói đặc biệt lần đầu tiên tìm thấy ở Việt Nam.

Kết quả khai quật bước đầu cung cấp những tư liệu quý về cấu tạo, vật liệu, kỹ thuật xây đắp tường thành. Đây mới chỉ là nhận thức ban đầu còn cần nhiều tư liệu lịch sử, môi trường, địa chất, kết quả phân tích mẫu khảo cổ của khoa học tự nhiên hỗ trợ thì Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành phối hợp với Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục nghiên cứu trong thời gian tới.

Bình luận (0)

Lên đầu trang