Phối hợp các nước thu thập thông tin đối tượng nghi vấn vận chuyển ma túy

Chủ Nhật, 12/03/2023 18:14  | Thanh Hòa

|

(CATP) Cục Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về ma túy (C04), Bộ Công an cho biết, cơ quan này đang phối hợp với Văn phòng Interpol và những cơ quan phòng, chống ma túy của các nước, để kịp thời thu thập thông tin, tình hình về các đối tượng người nước ngoài, người Việt Nam nghi vấn vận chuyển ma túy để chủ động trong công tác phòng ngừa và đấu tranh.

Thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi

Thời gian qua, đặc biệt từ sau đại dịch Covid-19, các tổ chức tội phạm quốc tế đã cấu kết với các đối tượng tội phạm ma túy ở Việt Nam lợi dụng tuyến đường hàng không, bưu điện để vận chuyển ma túy về nước tiêu thụ với số lượng ngày càng lớn, thủ đoạn hoạt động cũng ngày càng tinh vi.

Theo báo cáo của Cục C04, trong năm 2022, Cục đã phát hiện, khám phá nhiều chuyên án lớn liên quan đến tội phạm vận chuyển ma túy qua tuyến đường biển, đường bưu điện, đường hàng không. Trong đó, riêng tại TP.Hồ Chí Minh đã bắt 84 vụ việc; thu hơn 211kg ma túy tổng hợp; gần 21kg heroin; 227kg cần sa, gần 6kg ketamin; 654gr cocain. Tại TP.Hà Nội cũng phát hiện 46 vụ, bắt 39 đối tượng, thu giữ hơn 309kg ma túy tổng hợp, 3,6kg ketamin; hơn 11kg cỏ Mỹ; 33kg cần sa, gần 6,5kg cocaine.

Điển hình như ngày 13-5-2022, Cục C04 chủ trì, phối hợp với lực lượng nghiệp vụ Bộ Công an, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy - Công an TP.Hồ Chí Minh, CATP Đà Nẵng, Công an tỉnh Quảng Bình, Cục Hải quan TP.Hà Nội, Trung tâm an ninh hàng không - Sân bay quốc tế Nội Bài thực hiện kế hoạch đấu tranh chuyên án 552Q, đồng loạt triển khai các tổ công tác tại TP.Đà Nẵng và TPHCM. Kết quả đã bắt giữ 7 đối tượng, thu giữ trên 31kg MTTH các loại, 1 súng bắn đạn cao su, 50 viên đạn. Đến ngày 27-5, mở rộng điều tra chuyên án 552Q đường dây vận chuyển ma túy từ Đức về Việt Nam tiêu thụ, lực lượng phối hợp đã bắt giữ thêm 3 đối tượng, thu gần 17kg MTTH, 1,1kg ketamin, 80 gói nước vui, 500 viên thuốc lắc, 200 viên MTTH, 41 viên đạn.

Ma túy được ngụy trang trong hàng hóa

Tội phạm ma túy thường lợi dụng các Công ty vận chuyển quốc tế qua tuyến đường hàng không (Đồng Xuân Cargo, công ty vận chuyển Đức Việt, công ty cổ phần hợp nhất Quốc tế, Công ty TMN Cargo, Công ty Frankfurt, Tập đoàn Geis Logistics...) có mạng lưới bao phủ khắp các tỉnh thành trong cả nước và có công ty con ở nước ngoài để gửi hàng hóa từ các nước về Việt Nam tiêu thụ. Ma túy được chia thành nhiều kiện hàng vận chuyển đi các địa chỉ ở nhiều địa phương khác nhau, thường xuyên thay đổi người nhận hàng để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện. Khi gửi hàng hóa ở các công ty vận chuyển có mã vận đơn, đối tượng có thể tra cứu trên mạng các kiện hàng đi đến đâu hay đang ách tắc ở đâu, có bị nghi ngờ gì không? Sim điện thoại sử dụng thường là sim rác, người nhận tên giả, địa chỉ giả. Nếu thấy không an toàn, đối tượng sẵn sàng bỏ kiện hàng không đến nhận hoặc thuê xe ôm đến nhận thay.

Để né tránh sự theo dõi, kiểm soát, các đối tượng cầm đầu đường dây thường chủ động bí mật đặt trước lịch trình chuyến bay, điểm hẹn, sử dụng mạng xã hội Zalo, Viber, Wechat, Facebook, Telegram... để điều hành người vận chuyển các gói hàng có chứa ma túy, sau đó đi lòng vòng các nước khác nhau nhằm xóa nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa có cất giấu ma túy.

Để cất giấu ma túy, các đối tượng thường để lẫn trong các thùng hàng hóa xuất nhập khẩu và dùng nhiều thủ đoạn khác nhau qua mặt các công ty ủy thác, đánh tráo thùng hàng xuất nhập khẩu có ma túy với hàng mẫu chúng yêu cầu mang đến kiểm tra, rồi hoàn trả cho các công ty thực hiện xuất nhập khẩu. Các đối tượng gửi ma túy về Việt Nam qua đường hàng không, chuyển phát nhanh được cất giấu trong các thùng hàng, phổ biến là: mỹ phẩm, thuốc tân dược; sữa bột đóng hộp, thực phẩm chức năng Magnesium, quạt Picachu, đồ chơi trẻ em, đèn 7 màu, thức ăn cho chó mèo, các thiết bị âm thanh, thiết bị điện tử...

Địa bàn trọng điểm liên quan đến vận chuyển ma túy qua đường hàng không là sân bay quốc tế Nội Bài, sân bay Tân Sơn Nhất; tuyến vận chuyển đa dạng và thường xuyên thay đổi phụ thuộc vào sự điều khiển, chỉ đạo của các đối tượng cầm đầu tại nước ngoài. Theo đó, heroin, methamphetamin có nguồn gốc từ khu vực Tam giác Vàng qua đường bộ về Việt Nam rồi "bay" sang Hồng Kong, Úc; thuốc lắc MDMA từ Đức, Bỉ, Hà Lan về Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh. Các đối tượng tham gia những đường dây ma túy quốc tế này hầu hết là người Việt Nam (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình...) lao động ở các nước Châu Âu sản xuất ma túy, kết nối với các đối tượng trong nước để vận chuyển ma túy về Việt Nam tiêu thụ, do nhu cầu tại Việt Nam rất lớn.

Sẽ có biện pháp xử lý các công ty vận chuyển vi phạm

Trước tình hình đó, Cục C04 đã chỉ đạo lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy các địa phương có sân bay trọng điểm tăng cường biện pháp công tác phòng chống tội phạm ma túy trên đường hàng không. C04 cũng phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan xây dựng dự thảo Quy chế phối hợp giữa hai lực lượng; đề nghị các địa phương thống kê, lên danh sách những công ty có dịch vụ chuyển phát nhanh, chuyển phát quốc tế có trụ sở đóng trên địa bàn và công ty đã bị lợi dụng để vận chuyển ma túy, các chú ý khác liên quan đến tình hình vận chuyển trái phép chất ma túy qua đường hàng không (bằng hình thức chuyển phát nhanh qua bưu điện) từ các nước Châu Âu (Đức, Hà Lan...) về Việt Nam tiêu thụ để chủ động có giải pháp phòng ngừa, đấu tranh. Tiếp tục đẩy mạnh phối hợp các lực lượng chức năng tại sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Nội Bài trong công tác đấu tranh với tội phạm ma túy; tăng cường, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành như A06, V06, Viettel, Mobifone, Vinaphone... thực hiện các yêu cầu nghiệp vụ phục vụ công tác đấu tranh chuyên án.

Các đối tượng và tang vật thu giữ trong chuyên án 552Q

Trong năm 2023, lực lượng Công an sẽ tiếp tục lên danh sách các tuyến, địa bàn, đối tượng trọng điểm vận chuyển ma túy qua cảng hàng không để bố trí lực lượng tập trung đấu tranh. Thành lập tổ liên ngành (Công an, Hải quan, An ninh hàng không) thường xuyên trao đổi thông tin, tổ chức các hoạt động phòng ngừa thường xuyên trên địa bàn cảng hàng không. Phối hợp với các lực lượng chức năng tập trung đấu tranh, làm rõ, thu giữ hàng hóa có chứa ma túy từ nước ngoài, nhất là các nước châu Âu về Việt Nam qua đường hàng không, bưu điện nhằm triệt hạ nguồn kinh kế của các đối tượng hoạt động phạm tội.

Công an các địa phương cũng sẽ yêu cầu các công ty, doanh nghiệp ký cam kết phải thực hiện đúng quy trình, quy định trong công tác bưu chính; có biện pháp xử lý thích hợp đối với các công ty vi phạm. Đặc biệt, Cục C04 sẽ phối hợp với Văn phòng Interpol, các cơ quan phòng chống ma túy của các nước tại Việt Nam như: AFP (Úc), DEA (Hoa Kỳ), Trung Quốc, Văn phòng kinh tế văn hóa Đài Bắc nhằm tranh thủ các nguồn lực và kinh nghiệm của các nước, phối hợp trong đào tạo, tập huấn, kịp thời thu thập thông tin, tình hình về các đối tượng người nước ngoài, người Việt Nam nghi vấn vận chuyển ma túy qua địa bàn hải quan để chủ động trong công tác phòng ngừa và đấu tranh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang