Điệp khúc “cắt” nước giữa mùa nắng
Những ngày này, khi nghe tin có lịch tạm thời ngừng cung cấp nước từ Nhà máy nước thị trấn Ái Nghĩa huyện Đại Lộc, chị Đ.T.Q. (ngụ xã Đại Hiệp) lại tích nước lên bồn để gia đình sử dụng dần.
Tin tưởng vào hệ thống cung cấp nước sạch của nhà máy, gia đình chị đã lấp bỏ giếng khoan cũ cách đây 1 năm. Giờ nước sinh hoạt “lúc có, lúc không” khiến cuộc sống gia đình chị bị đảo lộn, nhất là đang vào mùa cao điểm nắng nóng.
“Không những thế, nước ở đây đôi khi có màu vẩn đục và tanh rất khó chịu, không thể sử dụng được. Để khắc phục tình trạng này, gia đình tôi đã đầu tư hệ thống lọc đầu nguồn rất tốn kém”, chị Q. nói và cho biết thêm, để tránh xảy ra tình trạng thiếu nước, nhà chị đang có ý định khơi thông lại giếng khoan đã lấp để sử dụng.
Mực nước sông xuống dưới “họng” thu nước thô của nhà máy
Cũng giống như nhà chị Q., chị Tr.Th. (ngụ xã Đại Hiệp) cũng bức xúc vì tình trạng nước “thiếu trước, hụt sau”. Nhà chị Th. kinh doanh buôn bán nên nguồn nước sạch cực kỳ quan trọng. “Có hôm, nước có màu đen, đục ngầu nên không thể sử dụng được, nhất là vào khung giờ từ 20 đến 21 giờ tối. Tôi có chờ cho cặn lắng xuống nhưng nước cũng không trong trở lại. Không chỉ nhà tôi, các nhà trong khu vực cũng lâm cảnh tương tự…”, chị Th. nói và cho hay, rất lo lắng về vấn đề sức khỏe nếu sử dụng nguồn nước bị vẩn đục trong thời gian dài.
Được biết, nhà máy nước thị trấn Ái Nghĩa được đầu tư từ năm 2003. Tháng 12/2019 trở về trước, nhà máy do Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam quản lý. Sau khi giao cho UBND huyện Đại Lộc tiếp nhận, tháng 12/2019, được sự thống nhất của huyện, Trung tâm Phát triển quỹ đất và Cụm Công nghiệp đã ký hợp đồng với Công ty CP 6.3 để tạm giao quản lý, vận hành cho đến khi đấu thầu lựa chọn đơn vị đảm bảo năng lực. Nhà máy cung cấp nước sạch cho 120 cơ quan, đơn vị và 5.503 hộ dân với khoảng hơn 18.795 nhân khẩu.
Để khắc phục tạm thời, đơn vị vận hành thuê bơm để bơm nước thô vào nhà máy để xử lý
Thiếu hụt nguồn nước thô
Ông Huỳnh Ngọc Chương – Giám đốc Nhà máy nước thị trấn Ái Nghĩa cho biết, tình trạng thiếu nước xảy từ chiều thứ 6 đến chiều thứ 2 hàng tuần và rất thường xuyên. “Các năm trước, vào tháng 8 mới bị thiếu nước nhưng năm nay mới tháng 2 đã xảy ra tình trạng này. Mực nước sông thấp thì khả năng sản xuất nước sạch của nhà máy giảm, lúc này buộc phải điều tiết nước ưu tiên cho khu vực thị trấn Ái Nghĩa và Bệnh viện Đa khoa miền núi phía Bắc Quảng Nam”, ông Chương nói.
Nói về nước bị vẩn đục, ông Chương lý giải, trong quá trình điều tiết nước sẽ xảy ra tình trạng sốc thủy lực đường ống, một số vị trí xa hoặc cuối tuyến đường ống nước sẽ bị vẩn đục. “Những năm trước, tình trạng thiếu nước rất hiếm và cùng lắm chỉ 1 đợt. Tuy nhiên, năm nay tình trạng thiếu nước xảy ra hàng tuần…”, ông Chương chia sẻ.
Sau hơn 20 năm, hệ thống nhà máy đã xuống cấp, cũ kỹ, lạc hậu
Nhà máy có công suất là 5.000m3/ngày đêm. Trong khi đó, tổng nhu cầu của khách hàng đang sử dụng hoặc chưa được sử dụng nước sạch lên tới 8.900m3/ngày đêm. Tính thêm lượng nước phục vụ súc xả đường ống định kỳ và thất thoát, nhu cầu tổng thể phải là 11.583m3/ngày đêm. Chưa tính đến nhu cầu sử dụng nước các dự án sản xuất kinh doanh trong Cụm Công nghiệp, với nhu cầu dùng nước hiện tại thì công suất nhà máy đang hoạt động sẽ không đáp ứng được.
Theo ghi nhận thực tế của chúng tôi, mực nước sông đã xuống dưới “họng” thu nước thô của nhà máy. Để khắc phục tạm thời, đơn vị vận hành đã thuê bơm chống hạn để bơm nước thô vào nhà máy. Ngoài ra, hệ thống của nhà máy đã xuống cấp nghiêm trọng, các trang thiết bị, đường ống, các van thao tác… hoen gỉ nặng nề.
Đường ống, các van thao tác… đã hoen gỉ nặng nề.
Trao đổi với PV, ông Trương Công Trái – Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp Đại Lộc thừa nhận xảy ra tình trạng thiếu nước thời gian qua. Theo ông Trái, vào mùa khô hạn, nhà máy thường xuyên thiếu hụt nước (do hết công suất thiết kế, khách hàng dùng nước tăng đột biến) nên phải điều tiết cấp nước theo vùng, ưu tiên cho bệnh viện. Đến khi cấp nước trở lại cho toàn mạng lưới thì xảy ra hiện tượng đục như người dân phản ánh. Ngoài ra, công suất hiện tại không đủ cung cấp cho khách hàng nên xảy ra hiện tượng tụt áp trong thời gian cao điểm.
Theo ông Trái, nguyên nhân do hệ thống đường ống nước sạch lắp đặt từ năm 2001 đến nay chưa được cải tạo thay thế, van thao tác thiếu, lắp đặt không đồng bộ, đường kính ống nhỏ, một số van xả cặn không xả được gây ra hiện tượng đục và nước chảy yếu cục bộ. Bên cạnh đó, mực nước sông thấp do các thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia vận hành xả nước với lưu lượng ít hơn quy định.
“Nhà máy đã đầu tư rất lâu hơn 20 năm, công nghệ lạc hậu cùng với đó là nguồn nước đầu vào bị phụ thuộc thủy điện. Nếu thủy điện xả phát hiện thì dưới này mới có nước, còn nếu thủy điện đóng thì dưới này nước bị hụt. Lúc này, phải thuê bơm đưa nước thô vào nhà máy xử lý”, ông Trái giải thích.
Nước sinh hoạt bị vẩn đục ảnh hưởng đến đời sống người dân
Ông Trái nói thêm, để đảm bảo hoạt động ổn định, nhà máy cần phải nâng cấp, cải tạo hệ thống (khoảng 20 tỷ đồng), nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân đang hết sức cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, nguồn kinh phí để thực hiện là rất lớn, ngân sách huyện đang rất khó khăn nên chưa thể triển khai…
Liên quan đến khắc phục sự cố thiếu hụt nguồn nước thô phục vụ sản xuất, cung cấp nước sạch cho Nhà máy nước thị trấn Ái Nghĩa, ngày 16/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu đã có văn bản đề nghị UBND huyện Đại Lộc chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách huyện, chỉ đạo đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy tiếp tục thuê máy móc, thiết bị để bơm nước thô từ sông Vu Gia vào hố thu của Nhà máy để xử lý, cung cấp nước sạch cho nhân dân trên địa bàn.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng giao cho Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban ngành liên quan theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các chủ hồ thủy điện trên lưu sông Vu Gia tổ chức vận hành hồ chứa tuân thủ quy trình vận hành theo quy định, đảm bảo nhu cầu sử dụng nước ở hạ du…