(CAO) Ngày 16-2, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ 20.000 liều vắc xin lở mồm long móng (LMLM) type O-A và 20.000 lít hóa chất BenKocid để phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Cụ thể, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, dịch bệnh LMLM gia súc đã xảy ra từ đầu năm 2020 đến nay tại 800 hộ ở 126 thôn của 54 xã trên địa bàn 6 huyện, thành phố trong tỉnh, với tổng số gia súc mắc bệnh là hơn 2.400 con.
Trong thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các Sở, ngành và chính quyền địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh LMLM gia súc. Đến nay, các ổ dịch LMLM đã cơ bản được khống chế, tuy nhiên nguy cơ lây lan ra diện rộng là rất cao trong thời tiết chuyển mùa hiện nay; đặc biệt có sự lưu hành 2 type vi rút LMLM khác nhau là type O và type A nên gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.
Để kịp thời khống chế, ngăn chặn nguy cơ các ổ dịch phát sinh, lây lan hoặc âm ỉ, kéo dài, trên cơ sở đề xuất của Sở NN&PTNT, UBND tỉnh đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét, hỗ trợ cho tỉnh Quảng Ngãi lượng vắc xin, hóa chất từ nguồn dự trữ Quốc gia để thực hiện công tác chống dịch bệnh ở gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh này.
Người dân chủ động phòng ngừa dịch bệnh LMLM cho đàn gia súc.
Trước đó, báo Công an TP Hồ Chí Minh đưa tin, Theo thông kế tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, tính đến ngày 6-2, có 22/25 xã trên địa bàn xuất hiện lở mồm long móng với tổng số 1.534 con trâu, bò mắc bệnh, trong đó có 50 con đã chết và bị tiêu hủy. Hiện xã Bình Tân (huyện Bình Sơn) là địa bàn xảy ra dịch nghiêm trọng nhất với 993 con bò bị mắc bệnh, trong đó có 35 con chết.
Ông Phạm Hồng Nguyên, Trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Bình Sơn cho hay: “Dịch bệnh xuất hiện từ trước Tết Nguyên đán và hiện đã lan rộng ra hầu hết các xã. Trước tình hình dịch bệnh lở mồm long móng lan rộng, huyện đã trích ngân sách hơn 600 triệu đồng mua vắc xin và hóa chất để phòng chống dịch, đồng thời ứng 5.000 liều vắc xin, hàng trăm hóa chất từ chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh để cấp về cho các xã tiêm vắc xin bao vây, tiêu độc khử trùng chuồng trại”.