(CAO) Những ngày này, nhiều ngư dân huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam ra dọc bờ biển cào bắt ốc ruốc (ốc gạo) cho thu nhập vài trăm ngàn đồng.
Hằng ngày, vào khoảng 5 giờ sáng, bà Cao Thị Hoa, (trú xã Tam Tiến, huyện Núi Thành) cùng với các ngư dân địa phương mang theo dụng cụ gồm: chiếc cây cào, thùng nhựa;… ra bờ biển nước ngập ngang lưng để cào bắt ốc ruốc.
Bà Hoa cho hay, loại ốc ruốc này chỉ có theo mùa, từ tháng 12 âm lịch cho đến gần tháng 3 năm sau, loài sinh vật biển này chỉ bằng mút đũa, vỏ láng, óng ánh sắc màu rất đẹp;… Ruột ốc chỉ có một chút thịt bằng chân tăm xỉa răng nhưng được nhiều người thích ăn.
Các ngư dân đang phân loại ốc ruốc bán cho thương lái
Ốc ruốc cho vào thùng nhựa để bán thương lái
Theo bà Hoa, sau 3 giờ lao động, bà được 3 thùng ốc gạo, mỗi thùng nặng 25 kg. Thương lái chờ sẵn đứng trên bờ thu mua với giá, ốc loại to hơn 220.000 đồng; loại nhỏ hơn 150.000 đồng một thùng.
Cách chỗ bà Hoa chừng 50 m, hơn 10 người đàn ông ở xã Tam Tiến cào bắt ốc cách bờ biển khoảng 50m. Họ dàn thành một hàng ngang, nước ngập đến ngang bụng và đi thụt lùi cào ốc.
Mang thành quả túi lưới đựng hơn 20 kg vào bờ sau 20 phút, anh Nguyễn Văn Thìn (32 tuổi) vui mừng nói, hôm nay trúng ốc. “Từ sáng đến giờ đã bắt được 5 thùng thu 1 triệu đồng”, anh nói và ngồi nghỉ bên bờ biển. Lúc này, vợ anh mang thức ăn sáng ra để ăn và tiếp tục công việc.
Ngày thường, anh Thìn làm nghề đánh bắt hải sản trên biển bằng lưới chụp. Tuy nhiên, năm nay được mùa ốc nên anh tạm nghỉ công việc chuyển qua đi cào. Từ Tết đến nay, mỗi ngày lại ra bờ biển hành nghề. Đều đặn những ngày qua, hôm anh bắt ít nhất được 2 thùng, bán được 400.000 đồng, hôm nhiều 10 thùng thu về 2 triệu đồng.
“Nghề này cực lắm, thủy triều thường xuống vào rạng sáng nên phải tranh thủ ra cào. Mỗi ngày, chỉ làm được khoảng 2 đến 4 giờ là kết thúc”, anh nói và chia sẻ nghề dễ kiếm tiền nhưng cũng phải ngâm mình dưới nước mới cào được ốc.
Bà Cao Thị Hoa đang đưa ốc ruốc vào bờ bán cho thương lái
Nhiều người dân xã Tam Tiến đang cào ốc ruốc
Với người dân nơi đây, khi cào gặp vùng có nhiều ốc thì chia sẻ. Một người xuống cào được ốc thì gọi người khác đến, không bắt một mình. Từ đó hình thành từng nhóm hàng chục người để bắt. Cách làm này ai cũng có ốc, vừa hỗ trợ nhau những lúc gặp nạn.
Anh Thìn giải thích rằng, mặc dù đánh bắt gần bờ, tuy nhiên lúc cào ốc đối diện với nguy hiểm. Nếu gặp vùng nước xoảy thì sẽ bị cuốn. “Khi cả nhóm làm việc gần nhau, nếu ai bị nước cuốn sẽ ứng cứu kịp thời”, anh chi sẻ.
Theo một số người dân địa phương, ốc ruốc khi mua về cho vào rỗ và sàng lọc qua nước nhiều lần để tách cát. Sau đó, ngâm ốc trong nước mặn khoảng 5 giờ. Cách làm này chúng sẽ nhả cát ở trong ruột ra ngoài. Ốc rửa sạch và luộc chín, sau đó cho gia vị gồm ớt bột, gừng, sản, mì chính… đem bán.