Rất cần một thái độ sống

Thứ Năm, 02/09/2021 12:06

|

(CATP) Chưa lúc nào Sài Gòn như thế! Nếu nhìn từ trên cao, quang cảnh của cái đô thị chứa 13, 14 triệu dân không khác gì một sa bàn khổng lồ, không cử động, không âm thanh, không mùi vị. Những dinh thự, những cao ốc, những góc phố, những tán cây giống như những mô hình mà ta bắt gặp trong phòng trưng bày nào đó, những cảnh vật rất đỗi thân quen nhưng giờ lại đứng lạnh lùng, im ỉm. Thành phố này đã nếm trải không ít biến cố nhân sinh, kể cả những giai đoạn chiến cuộc tàn khốc nhất, nhưng chưa lúc nào phải sống trong trạng thái lo âu và nhọc nhằn như mùa hè 2021 này.

Với diện tích hơn 2.000 cây số vuông cấu trúc thành 24 quận, huyện, thành phố Hồ Chí Minh tương ứng với một số quốc gia, lãnh thổ có địa giới nhỏ như Singapore, Luxembourg... nhưng mật độ dân số thì nằm trong những thành phố thuộc loại đông đúc, ngột ngạt nhất, với 4.300 người/km2. Trong đó, có những địa bàn dân cư rất cao, như quận Gò Vấp 635.000 người, quận Tân Bình 461.000 người, quận Tân Phú 464.000 người, quận 8 431.000 người... Trung bình cứ mỗi 5 năm, thành phố gia tăng khoảng 1 triệu người, gần 80% tập trung ở các đô thị. Trong quá khứ, khi thiết kế, quy hoạch Sài Gòn, người Pháp chỉ dự định khoảng 500.000 dân (năm 1861) và cho đến năm 1975 thành phố nằm bên dòng Bến Nghé này vỏn vẹn chỉ 3 triệu người.

Với tốc độ phát triển con người như thế, thành phố không thể nào tránh khỏi những cấu trúc hạ tầng nằm trong quy hoạch, trong một thời gian dài có những nơi tự phát xây dựng, mặc nhiên ăn ở, kéo theo hàng loạt vấn đề về quốc kế, dân sinh. Sài Gòn có một đặc điểm mà ai cũng dễ dàng nhận thấy, đó là hẻm hóc. Thành phố có quà nhiều hẻm, có những hẻm loằng ngoằn dẫn từ khu phố này qua khu phố kia, có những hẻm mang đến ba, bốn cái xuyệt ngay quận 1, khu vực trung tâm, các phường Cầu Ông Lãnh, Cầu Kho, Nguyễn Cư Trinh có hàng loạt lối đi mà chiều ngang chỉ vừa đủ chiếc ba gác.

Lực lượng các đơn vị thuộc Công an TPHCM tải gạo từ Báo CATP mang về giúp dân

Chúng tôi phác họa ra điều này để cho thấy, một không gian hết sức phức tạp của đầu tàu kinh tế quốc gia, cái "phong cách" đã khiến nhiều nhà làm quy hoạch không biết cách nào để chỉnh sửa, để tạo một bộ mặt khang trang, bài bản cho xứng với mỹ danh "hòn ngọc Viễn Đông" một thời của nó. Mảnh đất son trẻ này từ lâu đã trở thành một trung tâm giao thương, có ảnh hưởng rất lớn trên nhiều mặt với dải đất phía Nam, là nơi khởi nghiệp và thành đạt của hàng triệu người trên khắp các vùng miền của đất nước, nơi được xem là "đất lành" phóng khoáng, bao dung, nghĩa tình. Gần nửa thế kỷ trôi qua, kể từ sau ngày đất nước thống nhất, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng thành phố vẫn từng bước đi lên, vẫn tạo ra những đột phá về kinh tế, nâng dần cuộc sống của người dân, thay đổi bộ mặt ở nhiều khu vực, lãnh vực.

*

* *

Khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều người không khỏi lo âu cho "số phận" của Sài Gòn, nơi quy tụ dân số lớn nhất nước, nơi có cái dư thừa nhưng có cái thiếu thốn, nơi giàu nghèo có khoảng cách khá xa, chốn phồn hoa đầy hấp lực mà hàng triệu người đang bị cuốn hút. Đại dịch lây lan quá nhanh bắt đầu từ Vũ Hán (Trung Quốc), sau đó hầu như cả nhân loại đều cấp tập đương đầu với cuộc chiến vi sinh. Mùa hè năm 2021, cả thế giới kinh hoàng trước những hình ảnh đau thương ở Ấn Độ, ngày nào cũng có 400.000 ca nhiễm, 4.000 đến 5.000 người chết, củi không đủ để thiêu xác. Tôi đã từng đến New Dehli, đã đến thành phố Varanasi, ngồi trên thuyền ngao du giữa dòng sông huyền bí này, hơi rờn rợn trước những đống củi chờ đốt thây, thấy ơn ớn trước những thứ rác thải lều bều theo sánh nước và tự hiểu... tại sao quốc gia lớn nhất vùng Nam Á này dịch bệnh dễ hoành hành như vậy (!). Hình ảnh thê lương ở Ấn Độ khiến ta liên tưởng đến dịch cúm năm 1918 đã giết chết 100 triệu người, bệnh đậu mùa năm 1967 cướp đi 2 triệu sinh mạng, dịch hạch Justinian cũng đã gây tử vong hàng chục triệu người từ Trung Á sang Địa Trung Hải.

Công an tiếp tế phần ăn trưa cho các y bác sĩ

Và, khi các quốc gia ở Đông Nam Á như Indonesia, Philipppines, Malaysia, Thailand tuyên bố cuộc chiến chống Covid-19 bước vào giai đoạn quyết liệt nhất, thì đất nước chúng ta cũng không thể đứng ngoài cuộc chiến ấy. Những ngày cuối tháng 4-2021, khi đợt dịch thứ 4 tái phát, thì Sài Gòn bị "ốm" và ngày càng "ốm nặng". Hàng loạt biện pháp được đưa ra nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm, các chiến sĩ áo trắng lẫn áo xanh ngày đêm chiến đấu quên mình, những hình ảnh tận tụy, hy sinh giành giật từng mạng sống con người, những lời thề Hippocrates làm rung động con tim. Sự biến hóa khôn lường của vi-rút đã khiến cuộc chiến gần như không cân sức, số ca nhiễm mỗi ngày tăng theo cấp số nhân, từ vài chục đến vài trăm và trong trong tháng 8 (2021) hầu như ngày nào cũng ở mức 4.000, 5.000 ca. Tình hình đó bắt buộc chính phủ và lãnh đạo thành phố phải tăng thêm biện pháp, giãn cách rồi giãn cách mạnh hơn, hạn chế nhiều hoạt động kể cả ngày lẫn đêm. Trong hoàn cảnh khó khăn, bức bách ấy, Sài Gòn đã đón nhận sự sẻ chia, trợ giúp từ nhân lực đến vật lực của cả nước, bao cảm xúc dâng trào, những giọt lệ long lanh tình dân tộc, nghĩa đồng bào.

*

* *

Khu tôi ở trước đây là một vùng ven, qua 20 năm thành lập quận 2 (nay là thành phố Thủ Đức), tiến trình đô thị hóa nhanh như nấm mọc sau cơn mưa. Vùng đất mang tên Bình Trưng, không có biểu trưng gì đặc biệt, nhưng ngày nay nó nằm ở vị trí khá thuận lợi trong việc lưu thông từ đông sang tây, dễ sống, không sang trọng song thứ gì cũng có. Người ta thường nói: "Giàu thì vào trung khu, nghèo thì ra biên địa", trong 30.000 dân địa phương, có gần một phần ba là người nhập cư, 1.800 hộ sống ở các khu nhà trọ, chưa kể số lưu trú không đăng ký. Người cũ, người mới đa phần đều làm công, buôn bán nhỏ lẻ, có gì làm nấy, nên cuộc sống khá bấp bênh. Khi thành phố siết chặt giãn cách, thì công việc trợ cấp, an sinh được đặt lên hàng đầu, song song với nhiệm vụ cứu người, chữa bệnh. Cũng như bức tranh toàn cảnh của thành phố, phường Bình Trưng Tây đất không rộng nhưng lại có khá nhiều hẻm hóc. Mật độ dân cư dày đặc là môi trường thuận lợi cho các loại dịch bệnh lan nhiễm ấy là chưa kể đến điều kiện sống không giữ được vệ sinh, tươm tất ở mức tối thiểu. Theo lời một cán bộ phụ trách văn xã của phường, sau ngày 23-8-2021, khi tiến hành xét nghiệm một số khu vực cư dân sống chen chúc, nhân viên y tế thật sự hoảng hốt "sờ" đến đâu "dính" đến đó. Đường 36 thuộc khu phố 3, hơn một chục căn nhà liền nhau đều bị F0, đường số 10 thuộc khu phố 5, gần một xóm đều dương tính với Covid-19. Tương tự như thế, một số con hẻm thuộc quận Tân Phú, mức độ lây lan, mà theo lời ông Trần Nam Hùng, chủ một cây xăng, thì nhức nhối đến "banh xác" luôn!

Chia phần cơm cho những người cơ nhỡ, vô gia cư tại khu trung tâm thành phố

Bác sĩ Đào Duy Khanh, nguyên trưởng khoa khám và điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy, người tình nguyện tham gia chống dịch ở địa phương, một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh lan rộng là do người dân không tuân thủ nguyên tắc 5K. Việc ăn ở chung đụng, san sát, thậm chí còn túm tụm chuyện trò, nhậu nhẹt... thể hiện sự thiếu hiểu biết hoặc xem thường hậu quả. Một con số dẫn chứng từ phường Bình Trưng Tây, chỉ sau thời gian rất ngắn, người nhiễm ở mức hai con số thì này đã vượt hơn 300 ca, trung bình mỗi ngày trong tuần cuối tháng 8-2021 có 15 đến 20 người được phát hiện dương tính. Vừa qua, sau khi tổ chức test nhanh, quận Bình Thạnh đã đưa 2.000 người sống trong hẻm sâu, ven kênh rạch, nhà trọ đến những nơi thoáng đãng, vệ sinh tạm cư, tránh sự lây nhiễm có thể xảy ra. Ngoài việc bảo trợ thực phẩm, một số phương tiện an sinh, Ủy ban nhân dân quận còn tặng mỗi người 500.000 đồng tiền mặt. Đây là sự nỗ lực đáng khen trong ý thức quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sinh mạng cho người dân yếu thế... Một số điểm xuyết trên cho thấy, ngoài hoàn cảnh sống, muốn dịch bệnh mau chóng được đẩy lùi, thì thái độ sống hết sức quan trọng. Nếu cứ "chặt ngoài, lỏng trong", nếu cứ bít đầu này mà lại xì đầu kia, thì bao nhiêu công sức, tiền của sẽ trở thành vô nghĩa. Thái độ sống ở đây là phải biết tuân thủ mọi sự hướng dẫn của cơ quan chức năng, phải tôn trọng sự hy sinh của bao nhiêu người trước đại họa chưa có tiền lệ, phải biết bảo vệ mình và trân quý sinh mạng của người khác.

Dòng thời gian cứ âm thầm luân chuyển, chồng những ngày giãn cách dày lên như quyển nhật ký, những trang đời được viết bằng mồ hôi, nước mắt, trái tim và cả tâm hồn. Tôi cũng mong chờ cuộc sống trở lại bình thường trong nỗi khắc khoải, xốn xang. Không gian huyền bí vẫn còn đó, vẫn ẩn chứa những điều âu lo, ngột ngạt. Cái không gian mang đến sự sống cho muôn loài, làm sinh sôi bao ước vọng của hiện tại và tương lai. Mong một ngày trở lại.

Sài Gòn, 28-8-2021

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang