Sau chạy bão là chạy...ăn

Thứ Ba, 14/11/2017 23:29

|

Cơn bão lịch sử đi qua, ở những xóm nghèo nằm ngay vùng tâm bão của Phú Yên, Khánh Hòa, nhiều phận đời quanh năm cơ cực càng khốn khổ hơn. Hàng vạn hộ dân đang phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Bão về, dân miền Trung chạy bão. Bão tan, họ vẫn chạy. Họ chạy tiền sửa lại mái nhà, chạy cái ăn cho ngày giáp hạt...

MÀN TRỜI CHIẾU ĐẤT

Sáng 7-11, bầu trời dù đã trong xanh trở lại nhưng người dân ở xóm nghèo dưới chân núi Suối Đổ, xã Diên Toàn, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) vẫn chưa vơi nét thảng thốt, kinh hoàng. Ba ngày bão đi qua, mớ hỗn độn vẫn còn nguyên đó. Những cụ già lom khom nhặt nhạnh từng mảnh tôn, khúc gỗ nằm chỏng chơ trong xóm nhỏ tiêu điều.

“Cái nghèo đeo bám người dân ở đây mấy chục năm nay, giờ lại thêm cái eo tấp đến”, ông Nguyễn Dũng (SN 1963) thất thần than thở.Gia đình ông mới tản cư đến đây hơn 1 năm. Nhà nước làm con đường mới, mấy cha con ông dắt díu nhau vào chân núi dựng căn nhà tôn, che tạm nắng mưa, làm rẫy để sống qua ngày. Thế mà chỉ sau hơn tiếng đổ bộ, cơn bão điên cuồng đã quét sạch mọi thứ nơi nó đi qua, trong đó có căn nhà nhỏ của cha con ông. Bi kịch chưa dừng lại ở đó, anh Nguyễn Tiến Quốc (SN 1981, con trai ông Dũng) trong lúc nhà bị tốc mái đã hớt hải ẵm 2 đứa con nhỏ chạy thoát thân. Nào ngờ lúc hai con vừa được đưa ra ngoài thì anh bị mái tôn đổ sập vào người.

Hàng xóm láng giềng liều mình cõng anh chạy băng qua cánh đồng giữa trời giông bão để đi cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán anh có thể bị liệt nửa người do vết thương ảnh hưởng đến tủy sống. Nhà mất, cơm không đủ ăn, nay con bị tai nạn thương tâm, ông Dũng nhìn chúng tôi mếu máo không nói nên lời. Nước mắt hòa nỗi đau!

Suốt hai ngày lần tìm đến những xóm nghèo ở hai tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, nhóm phóng viên đã chứng kiến quá nhiều nỗi mất mát, đau thương mà người dân địa phương đang trân mình hứng chịu. Cụ Nguyễn Dẹp (nhà ở Đông Dinh, Phú Yên) đã hơn 83 tuổi mà sau trận bão cũng phải co ro trong cảnh màn trời chiếu đất. Hôm ấy mưa bão bập bùng và cơn giông tố kinh hoàng đã không cho ai cơ hội, mái nhà đổ sập, nhưng rất may trong giờ khắc sinh tử, cụ được hàng xóm liều mình chạy qua bế thốc khỏi căn nhà trước lúc nó đổ sập. Đau khổ hơn là trường hợp cụ bà Phạm Thị Hạnh (85 tuổi, ngụ thôn Thọ Lâm, xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa, Phú Yên).

Mấy ngày nay, chiều nào cũng vậy, cụ cứ ngồi co ro trước ngôi nhà đã đổ sập sau cơn bão số 12. Cụ Hạnh vốn sống neo đơn, một thân một mình lủi thủi trong xóm nghèo này, nay chẳng còn chốn nương thân. “Cụ chỉ còn sống được vài năm nữa thôi, mà giờ ra nông nỗi này. Tương lai rồi sẽ về đâu?”, cụ lẩm bẩm, ánh mắt vô định.

CHẠY ĂN CHO NHỮNG NGÀY GIÁP HẠT

Nhà đổ sập đã là bi kịch, mất trắng mùa màng, hoa màu lại càng nghịch cảnh hơn. Ngoài thiệt hại dường như toàn bộ đối với các bè nuôi tôm hùm ở Đầm Môn, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa (Báo CATP đã nêu trong các số trước) thì ở huyện Cam Lâm, hàng ngàn héc-ta hoa màu cũng bị tàn phá nặng nề.

Anh Trần Xuân Hoàng (SN 1970, nhà ở xã Cam Tân) là nông dân giỏi. Mấy tháng trước, anh quyết đầu tư vườn chuối mốc (đặc sản ở đây) hơn 3 héc-ta với 2 ngàn cây để dịp Tết bán, hằng ngày chăm bẵm, kỳ vọng một mùa bội thu. Ấy vậy mà khi trái ngọt chưa kịp thu hoạch thì cơn bão kéo đến.

Trận cuồng phong đi qua, anh vội vã băng đường chạy lên rẫy, thì đứng sững như trời trồng. Toàn bộ vườn chuối, từng cây một, bị gió bẻ vẹo sống lưng, đổ rạp tơi tả. Theo thống kê của UBND tỉnh Phú Yên, siêu bão số 12 khiến hơn 100 chiếc thuyền đánh bắt xa bờ bị chìm và hàng nghìn lồng nuôi thủy hải sản bị cuốn trôi. Đó đều là mùa màng, phương tiện mà người nông dân đang trông chờ mang lại nguồn thu cho cái Tết sắp tới. Thế mà bây giờ tất cả lại trắng tay!

Về vùng tâm bão, chúng tôi mới thấy những giọt nước mắt đắng chát, những ánh mắt lo âu cho tương lai mịt mờ phía trước, nhất là những ngày Tết đến mà người dân miền Trung hay gọi là giáp hạt. Người miền Trung quanh năm chống chọi với sự khắc nghiệt của thời tiết, có thể đã quá quen với sự “trái tánh trái nết của ông trời” nhưng với cơn bão vừa qua, họ đã kiệt quệ. Chúng tôi ra khỏi xóm nghèo trên con đường la liệt những cành cây ngã đổ. Giữa cánh đồng có dãy nhà mọc lởm chởm, không còn mái che. Chợt chúng tôi nhìn thấy những cuốn vở học sinh ướt nhẹp, được trải ra trên một tấm nhựa để phơi, xung quanh những em bé đầu trần chân đất còn nguyên nét sợ hãi.

“Mấy con đã đi học lại chưa?” - chúng tôi hỏi. “Tụi con chưa được đi học đâu. Suốt hôm qua giờ chỉ ăn mì tôm sống. Má nói sắp tới cả nhà vào Sài Gòn làm mướn. Sài Gòn đẹp không chú?”, câu hỏi ngây ngô của con trẻ khiến bước chân chúng tôi trĩu nặng trên suốt chặng về...

Bình luận (0)

Lên đầu trang