Thi tốt nghiệp THPT: Sẽ đổi mới hoàn toàn từ năm 2025

Thứ Hai, 24/07/2023 08:14

|

(CATP) Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 về hình thức tổ chức vẫn giữ ổn định như năm 2023. Tuy nhiên, về mặt chuyên môn, nội dung cũng cần có điều chỉnh, coi kỳ thi năm 2024 như một bước đệm, để năm 2025 kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ đổi mới hoàn toàn theo chương trình giáo dục mới và có thể thi trên máy tính.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cơ bản vẫn như năm 2023

Tại Hội nghị giáo dục với 63 giám đốc sở GD-ĐT trên toàn quốc chiều 21/7, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, cho rằng: "Về hình thức tổ chức, mô hình kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ vẫn giữ ổn định đến trước năm 2025. Tuy nhiên, về mặt chuyên môn, nội dung cũng cần phải điều chỉnh. Cần xem kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 như một bước đệm để chúng ta có đổi mới nhiều hơn trong kỳ thi của năm 2025, tránh gây sốc đối với xã hội".

Đánh giá về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý cần đổi mới, phải đi vào nội dung của từng môn học. Theo kết quả thống kê ban đầu của Bộ GD-ĐT, tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2023 toàn quốc đạt 98,88%. Tỷ lệ này không gây ngạc nhiên trong dư luận vì nhiều năm qua tỷ lệ tốt nghiệp THPT tiệm cận 100%, như năm 2022 tỷ lệ tốt nghiệp là 98,57%, đối với thí sinh hệ THPT đạt đến 99,16%. Thậm chí năm 2020 tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát, lịch thi dời lại nhiều lần nhưng rồi tỉ lệ tốt nghiệp THPT lại cao nhất trong vòng 5 năm gần đây, trong đó có đến hơn 20 tỉnh thành phố có tỉ lệ tốt nghiệp hơn 99%.

Nhiều năm gần đây, sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT và kết quả đỗ tốt nghiệp gần như tuyệt đối, dư luận lại đặt ra câu hỏi về việc có nên duy trì kỳ thi ba chung tốn kém và mất thời gian như vậy hay không.

Câu hỏi này đã từng gây tranh luận trong xã hội, cuối cùng Bộ GD-ĐT vẫn quyết định tổ chức kỳ thi này - một kỳ thi cấp quốc gia theo đúng Luật Giáo dục 2019, theo hình thức ba chung (chung đề thi, chung đợt thi, chung kết quả với mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và sử dụng kết quả để xét tuyển ĐH).

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn

Về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, về hình thức tổ chức, mô hình vẫn giữ ổn định như năm 2023, chỉ điều chỉnh một chút về chuyên môn, nội dung. Năm 2024 vẫn còn học sinh học theo chương trình cũ và chưa thể có những thay đổi lớn như thời điểm kết thúc chương trình giáo dục phổ thông mới vào năm 2025 được. Nhưng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 "cần phải có một bước phát triển, cần có một dự lệnh để cho những thay đổi lớn hơn vào năm 2025 để không thay đổi đột ngột sẽ gây sốc với xã hội" - Bộ trưởng Sơn nhấn mạnh.

Năm học 2023 - 2024, chương trình giáo dục mới tiếp tục được áp dụng với ba khối 4, 8 và 11, năm 2025 là khối 5, 9 và 12. Do vậy, theo Bộ trưởng Sơn, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ đổi mới hoàn toàn để phù hợp với lứa học sinh đầu tiên tốt nghiệp theo chương trình giáo dục mới.

Sẽ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính

Trước đó, ngày 17/3/2023, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 - thời điểm khóa học sinh đầu tiên học chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình năm 2018) tốt nghiệp.

Theo phương án dự kiến này, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có bốn môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử (lần đầu được xem là môn bắt buộc). Với hệ giáo dục thường xuyên, số môn thi bắt buộc chỉ là ba, không có Ngoại ngữ. Ngoài ra, học sinh phải chọn thêm hai môn khác trong 7 môn là Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ - (cũng là 3 môn mới đưa vào chương trình).

So với kỳ thi năm 2023, tổng số môn thi không đổi, nhưng thay vì chọn bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân), thí sinh chọn hai môn theo nhóm môn đã đăng ký học ở trường. Ngữ văn là môn duy nhất thi tự luận trên giấy, còn lại đề thi trắc nghiệm. Bộ GD-ĐT dự kiến giai đoạn 2025 - 2030 sẽ tổ chức thí điểm thi trên máy tính với các môn trắc nghiệm ở một số địa phương. Sau năm 2030, tất cả 63 tỉnh, thành sẽ tổ chức thi trắc nghiệm trên máy tính nếu đủ điều kiện.

Theo Bộ GD-ĐT, để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới, ngân hàng câu hỏi thi tốt nghiệp THPT cho tất cả các môn phải được làm mới hoàn toàn theo định hướng đánh giá năng lực. Do vậy Bộ GD-ĐT cần phải chuẩn bị ngân hàng câu hỏi thi rất lớn cho 7 môn thi, trong đó có 3 môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ và Tin học lần đầu tiên được xây dựng ngân hàng câu hỏi thi. Bên cạnh đó, đến năm 2024 mới có sách giáo khoa lớp 12 và với nhiều bộ sách khác nhau nên công tác chuẩn bị ngân hàng câu hỏi thi sẽ bị áp lực về thời gian.

Về quản lý, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 vẫn do Bộ GD-ĐT chỉ đạo chung, các địa phương trực tiếp thanh tra, kiểm tra, giám sát tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp theo lịch thi chung của Bộ như kỳ thi năm 2023. Phương án thi này, theo Bộ GD-ĐT, bảo đảm phân cấp, tăng tự chủ, trách nhiệm cho các địa phương.

Đây là lần thứ 3 phương án thi tốt nghiệp THPT thay đổi, nếu phương án đề xuất được thông qua. Năm 2015, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia "hai trong một", với hai mục đích là xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) - bỏ kỳ thi đầu vào ĐH-CĐ. Khi Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực vào năm 2020, kỳ thi THPT quốc gia được đổi tên thành kỳ thi tốt nghiệp THPT, mục tiêu chính là xét tốt nghiệp, đề thi được thiết kế nhẹ nhàng hơn nhưng các trường ĐH-CĐ vẫn có thể dùng kết quả kỳ thi như một trong các yếu tố này để xét tuyển.

Với phương án mới thi tốt nghiệp THPT vào năm 2025, nhiều ý kiến cho rằng tính phân hóa trong kỳ thi tốt nghiệp không cao, nên nếu muốn lựa chọn để tuyển sinh vào ĐH-CĐ theo đúng phẩm chất, năng lực của ngành đào tạo thì các trường ĐH-CĐ vẫn cần tổ chức các kỳ thi bổ sung.

Vì vậy kỳ thi tốt nghiệp THPT nên tổ chức nhẹ nhàng, chủ yếu để xét học sinh tốt nghiệp THPT, chứ không phải để "cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong việc tuyển sinh theo tinh thần tự chủ” như trong dự thảo mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT từ 2025 trở đi.

Theo các chuyên gia giáo dục, việc xét tuyển đầu vào ở bậc ĐH-CĐ sẽ do các trường tự lo, còn kỳ thi tốt nghiệp THPT phải trở về đúng nghĩa là đánh giá tốt nghiệp bậc THPT, để các em học sinh không quá nặng nề, áp lực về kỳ thi này.

Hy vọng với sự đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, với chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng hoàn toàn ở bậc phổ thông, chất lượng kỳ thi sẽ tốt hơn, thực chất hơn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang