(CAO) Sáng nay 15-5, đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang và Tập đoàn Sao Mai đã trao đổi với phóng viên Báo điện tử Công an TPHCM liên quan đến vụ bắt được ổ rắn hổ mây dưới chân núi Cấm lúc thi công công trình.
Một trong số các con rắn bắt được.
Ông Bành Thanh Hùng - Trưởng phòng Quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm An Giang) cho biết: “Nếu là rắn hổ mang chúa sẽ không được phép nuôi mà tịch thu đưa về đơn vị Đồng Tâm (Tiền Giang) nuôi”.
Theo lời ông Hùng, rắn hổ chúa hay hổ mây đều là rắn hổ và thuộc nhóm IB (động vật rừng nguy cấp, quý hiếm) nên phải tịch thu vì không đủ điều kiện nuôi nhốt. Ngoài ra đơn vị bắt được chưa đăng ký nuôi, trong khi đó con này bắt ngoài tự nhiên nên đằng nào cũng phải tịch thu.
Rắn hổ mây được xác định là loài động vật hoang dã thuộc nhóm IB. Ông Trương Vĩnh Thành – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai, cho biết: “Số rắn bắt được hiện đang tạm nuôi nhốt ở khu du lịch và đang làm hồ sơ xin Kiểm lâm để phục vụ mục đích bảo tồn, cho người dân tham quan biết về loại này. Nếu cơ quan chức năng kết luận thả thì mình thả. Tuy nhiên chúng tôi nghĩ nên giữ lại tốt hơn vì thả ra ngoài tự nhiên dễ bị bắt và giết chết”.
Theo ông Thành, hai con rắn được nuôi nhốt trong vườn thú của khu du lịch đồi Tức Dụp. Khu vực này có nhiều loại khác như: đà điểu, hươu, nai, trăn, vịt trời… đều có giấy phép.
Như Báo điện tử Công an TPHCM thông tin, cách nay 2 tuần, trong lúc nhóm công nhân đang thi công công trình dưới chân núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang) bất ngờ phát hiện ổ rắn hổ mây ngóc đầu trong hang.
Khi đó tài xế lái xe cuốc liền chụp lấy mấy cái bao bố ném vào miệng hang. Nghe thấy vụ việc, một nhóm 3 công nhân nữa lại phụ ném bao liên tục vào cặp rắn đang nằm, rồi chạy đến vây bắt.
Theo quan sát, trên mình 2 con rắn hổ mây có vân như mây. Hầu hết thân màu vàng nhạt, có khoang trắng ngắt quãng. Tổng trọng lượng 2 con rắn lớn khoảng 60 kg, với chiều từ 6 - 7m/con.
Clip 2 con rắn đang được nuôi nhốt (nguồn VNE):