Siết chặt tuyến biên giới Tây Nam để ngăn dịch Covid-19

Thứ Ba, 24/03/2020 18:41

|

(CAO) Thời điểm này, tại các tỉnh giáp với biên giới Tây Nam, lực lượng công an, biên phòng... ngày đêm siết chặt công tác quản lý để ngăn ngừa dịch Covid-19.

GHI NHẬN TẠI CÁC CỬA KHẨU

Chiều 23-3, tại cửa khẩu Quốc tế Vĩnh Xương (TX.Tân Châu, An Giang) được thiết lập chốt gác, lực lượng túc trực 24/24. Ngoài việc canh giữ, lực lượng còn trang bị khẩu trang, cồn sát khuẩn… Theo quan sát thỉnh thoảng có xe cấp cứu chạy tốc độ cao qua trạm. Theo người dân địa phương, những chiếc xe trên chở người Việt Nam ở Campuchia về để đưa đi cách ly.

Ông Châu Văn Nguyên, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Xương cho biết: “Địa phương vận động các doanh nghiệp để cùng chống dịch Covid-19 hơn nửa tháng nay. Hiện mặt hàng khẩu trang đang thiếu nên địa phương vận động nhiều cơ sở may khẩu trang vải cấp phát.

Từ khi đóng biên giới đến nay, địa phương đã tiếp nhận hơn 101 người Việt Nam từ Campuchia về. Sau khi kiểm tra y tế, đo thân nhiệt họ sẽ được chuyển về xã Tân An để cách ly theo quy định”.

Cửa khẩu Khánh Bình (huyện An Phú, An Giang) được kiểm soát chặt chẽ

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 TX.Tân Châu, địa phương này đã tiến hành tiếp nhận công dân Việt Nam đang làm ăn tại Campuchia trở về nước từ ngày 19-3. Tại khu vực tiếp nhận, lực lượng Công an, Biên phòng, Hải quan, y bác sĩ cẩn thận kiểm tra thân nhiệt, hướng dẫn khai báo, kiểm tra y tế và thực hiện các thủ tục có liên quan cho công dân.

Ban Chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, vận động đa số bà con thực hiện nghiêm túc các bước phòng, chống dịch bệnh. Qua đó, người dân tự ý thức lên xe chuyên dùng đưa đến Trường trung cấp nghề Tân Châu (xã Tân An) để thực hiện cách ly y tế tập trung.

Ông Huỳnh Quốc Thái, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 TX.Tân Châu cho biết thêm: “Ngoài địa điểm cách ly y tế tập trung tại Đại đội Bộ binh 6 (xã Vĩnh Hòa), thị xã còn bố trí thêm 4 địa điểm khác, với sức chứa 311 giường để chuẩn bị cho công tác cách ly”.

Kiểm tra thân nhiệt tại cửa khẩu Khánh Bình (huyện An Phú, An Giang).

Phú Hội là xã biên giới thuộc huyện An Phú, An Giang với 9,2km đường biên giới, giáp ranh với huyện Bourei Cholsar (tỉnh Takeo, Campuchia). Hàng ngày, người dân trên địa bàn sang bên kia tuyến biên giới để mua bán, làm rẫy.

“Qua công tác rà soát, nắm hộ, nắm người, hiện có 77 trường hợp thường xuyên qua lại tuyến biên giới. Thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, Ban Chỉ huy Công an huyện, đơn vị đã đặt công tác phòng, chống Covid-19 lên hàng đầu. Những trường hợp thường xuyên qua lại tuyến biên giới, đơn vị đã cử cán bộ xuống tận nhà tuyên truyền, nhắc nhở và cho cam kết không qua lại bằng đường mòn, lối mở”, Thiếu tá Nguyễn Trung Nhã, Trưởng Công an xã Phú Hội thông tin.

Theo ghi nhận tại khu vực cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên, An Giang), nơi có lượng người qua lại lớn nhất của tỉnh này, trở nên vắng lặng. Hai đầu trạm kiểm soát liên hợp đã được dựng hàng rào chắn và lực lượng biên phòng, hải quan lúc nào cũng túc trực chỉ cho hàng hóa qua lại dưới sự giám sát y tế chặt chẽ.

Trung tá Trần Hòa Hiệp, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên nói: “Đồn đã hình thành 10 tổ công tác dựng lán trại trực 24/24 giờ ven biên giới dài 9,2km. Đặc biệt có 1 tổ tuần tra suốt đêm dọc theo tuyến biên giới để đảm bảo không có người nào từ Campuchia “lọt” vào biên giới Việt Nam”.

Đại tá Trần Quốc Khánh, Phó chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh An Giang thống kê, từ ngày 11-3, BĐBP tỉnh đã triển khai đóng các đường mòn, lối mở qua biên giới. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã bố trí 74 tổ, chốt chặn trên tuyến biên giới để ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép. Song song đó, các cửa khẩu phối hợp với các lực lượng để sàng lọc, phân loại, tiếp nhận và cách ly theo quy định.

Nông dân thuê đất bên Campuchia trồng ớt. Ảnh minh họa

XIN HỖ TRỢ XE XÉT NGHIỆM LƯU ĐỘNG

Ông Từ Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang cho biết, hiện các khu cách ly tại các khu vực cửa khẩu và các địa phương của tỉnh đã thực hiện cách ly y tế tập trung 2.144 người. Trong đó, phần lớn là người Việt Nam (có hộ khẩu thường trú tại Việt Nam), đi làm ăn, buôn bán ở Campuchia nhập cảnh về Việt Nam qua các cửa khẩu.

Tất cả, họ có sức khỏe ổn định. Bên cạnh đó, tỉnh An Giang cũng đang thực hiện cách ly, theo dõi y tế tại nhà đối với 727 người, hiện sức khỏe tốt. Tuy nhiên, khu vực vùng biên vẫn còn những người dân xin qua lại vì thu hoạch ớt.

“Họ thuê đất rẫy phía bên kia để trồng ớt nay ớt đã chín, không thu hoạch sẽ hỏng, nên lực lượng linh hoạt cho qua”, một cán bộ biên phòng giải thích.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch tỉnh An Giang cũng yêu cầu lực lượng Bộ đội biên phòng, Hải quan kiểm soát chặt tuyến biên giới, không để trường hợp nào qua lại biên giới, nhất là các đường mòn lối mở.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, với tuyến biên giới dài, phức tạp, nguy cơ phát sinh dịch trên địa bàn tỉnh An Giang hiện nay rất lớn. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang yêu cầu Sở Y tế khẩn trương có văn bản tham mưu để kiến nghị Chính phủ, Bộ Quốc phòng hỗ trợ 1 chiếc xe xét nghiệm virus SARS-CoV-2 lưu động. Qua đó, giúp An Giang chủ động trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhất là việc xét nghiệm những trường hợp nghi ngờ.

Qua rà soát, An Giang có 38 công dân đi Malaysia, đã xác định được 18 người và số này đã thực hiện cách, ly theo dõi y tế. Hiện còn 20 người được xác định là chưa trở về An Giang, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang giao Công an tỉnh phối hợp với các địa phương khẩn trương rà soát, truy tìm…

Còn tại Đồng Tháp, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo đối với đường bộ, tiến hành tiêu độc khử trùng hàng hóa, xe cộ trước khi bốc dỡ tại cửa khẩu. Người lái xe tạm cách ly trong thời gian bốc dỡ hàng hóa, sau khi hoàn thành người và xe sẽ quay trở về Campuchia.

Xã Tân Hộ Cơ (huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháo) có hơn 10km đường biên giới, những ngày qua mực nước xuống thấp nên thuận tiện cho người dân qua lại được dễ dàng hơn. Lực lượng Công an xã đã phối hợp với Biên phòng, Hải quan quản lý chặt tình hình, kiểm soát lối mở, đường mòn biên giới và nhắc nhở người dân thực hiện đúng các quy định.

Đồng chí Nguyễn Văn Lá, Trưởng Công an xã Tân Hộ Cơ nói: “Đơn vị tuyên truyền đến từng tiểu thương, các hộ dân trong việc phòng ngừa dịch bệnh. Đồng thời quản lý chặt người lạ mặt từ nơi khác đến địa phương, đặc biệt người nước ngoài trở về Campuchia”.

Đại tá Trần Văn Đoàn, Phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết đã chỉ đạo Phòng Quản lý xuất nhập cảnh và công an các huyện biên giới phối hợp chặt chẽ với lực lượng Biên phòng trong việc quản lý, giám sát người qua lại tại các cửa khẩu và khu vực biên giới, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm.

Từ ngày 7-3, Đồng Tháp đã thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả những hành khách nhập cảnh Việt Nam (gồm người Việt Nam và người nước ngoài); hướng dẫn và niêm yết thông tin về khai báo y tế bắt buộc tại trụ sở Trạm cửa khẩu quốc tế Thường Phước và Dinh Bà.

Cửa khẩu Dinh Bà kiểm tra gắt gao.

SẴN SÀNG ĐÓN VIỆT KIỂU CAMPUCHIA VỀ NƯỚC

Tỉnh Kiên Giang tính đến nay đã cách ly 319 trường hợp; trong đó, TP.Hà Tiên đến 205 trường hợp… Nhờ công tác tuyên truyền tại các cửa khẩu nên người dân đã ý thức.

Trường hợp anh B, quê ở xã Định Hòa (huyện Gò Quao), đang là bác sĩ ở bệnh viện tỉnh Kép (Vương quốc Campuchia) đến cửa khẩu xin được về Việt Nam cách ly tập trung.

Anh B có tiếp xúc gần với 1 người bạn là trường hợp F1 tiếp xúc gần với 1 người mắc bệnh Covid-19 ở Campuchia. Anh B thuộc trường hợp F2 được Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, các cơ quan chức năng cửa khẩu và TP. Hà Tiên cho nhập cảnh, cách ly 14 ngày ở khu cách ly tập trung của TP. Hà Tiên tại phường Pháo Đài. Đến nay, sức khỏe của anh B ổn định, không có triệu chứng mắc Covid-19.

Trong 1 tuần, Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên cho nhập cảnh và tiến hành cách ly theo quy định 14 ngày đối với 65 người tại khu cách ly tập trung TP. Hà Tiên. Tất cả đều là công dân Việt Nam từ Campuchia trở về và Việt kiều từ các nước thứ ba trở về. Tất cả có sức khỏe ổn định, không có dấu hiệu mắc Covid-19.

Ngày 24-3, ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, đây là thời điểm tỉnh phải tiếp nhận công dân Việt Nam và Việt kiều Campuchia về nước.

“Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh là việc kiểm soát đường bộ, đường biển trên tuyến biên giới. Trước tình hình đó, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong việc kiểm soát phòng, chống dịch bệnh, nghiêm túc thực hiện phương châm “4 tại chỗ”.

Tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt người nhập cảnh vào tỉnh, không để những người chưa được kiểm tra y tế đi qua đường mòn, lối mở vào địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm dịch biên giới, khai báo y tế và tổ chức cách ly tập trung tại TP.Hà Tiên và Giang Thành.

Cái quan trọng nhất hiện nay là kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới, không để bất kỳ trường hợp nào qua biên giới Việt Nam mà không kiểm soát được, đặc biệt là tuyến đường bộ và tuyến đường biển dọc tuyến biên giới của tỉnh. Tăng cường 4 biện pháp, đó là phát hiện sớm, cách ly sớm, xét nghiệm sớm và điều trị sớm, không để dịch lây lan trong cộng đồng”, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Vũ Hồng nhấn mạnh.

Hiện TP.Hà Tiên chủ động 1.000 chỗ cách ly, huyện Giang Thành, Kiên Lương mỗi huyện sẵn sàng 500 chỗ cách ly. Trong tình huống xấu nhất có thể tận dụng các khu ký túc xá của các trường để làm khu cách ly.

“Chuẩn bị kế hoạch tiếp nhận toàn bộ người Việt Nam về nước lánh dịch, tại hai cửa khẩu Hà Tiên, Giang Thành và cảng Hòn Chông huyện Kiên Lương. Cùng với đó, Biên phòng khẩn trương chuẩn bị phương án tiếp nhận phương án Việt kiều về nước theo phương án khẩn cấp về quốc phòng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”", UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng nói.

Bình luận (0)

Lên đầu trang