Thế nhưng, tỉnh này lại mạnh dạn đầu tư một con đường dài chưa đầy 20km, nhưng số vốn được phê duyệt lên đến gần cả nghìn tỷ đồng. Điều khôi hài đó là “siêu lộ” này sau khi hoàn thành (năm 2009) chủ yếu được dành cho người dân đi rẫy và để phơi nông sản…
Con đường nghìn tỷ...
Sau 3 năm hoàn thành, con đường được cho là đẹp nhất Tây nguyên, nối từ cửa khẩu Bờ Y (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) ra quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh) ở phía bắc thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, bao gồm các gói thầu: Đường NT18 dài 12,6km, tổng vốn 460,9 tỷ đồng (nối từ Khu kinh tế Bờ Y đến đoạn tiếp giáp với dự án N5) và đường N5 dài 6,291km (nối từ NT18 đến đường Hồ Chí Minh) rộng từ 6 - 8 làn xe, có nhiều bồn hoa giữa các làn xe, có đoạn mặt đường rộng từ 40 - 50m, tổng kinh phí xây dựng là 478,9 tỷ đồng, bình quân mỗi km đầu tư gần 80 tỷ đồng, đến nay, hai bên đường chỉ là lô cao su, rẫy bắp, mì (sắn), cà phê.
... trở thành "công trường" sơ chế mì
Trong thời gian nằm chờ người và phương tiện giao thông, con đường đẹp đẽ trên được người dân sử dụng làm bãi phơi mì, nơi đậu đỗ, sửa chữa ôtô hoặc thêm một chức năng nữa đó là nơi tập lái ôtô, xe máy với các sa hình được vẽ ngay giữa đường và cả sân bóng chuyền cho những người chơi thể thao...
Hiện tại, Tây nguyên đang bước vào cao độ thu hoạch mì, hàng ngàn tiểu thương, nông dân ở huyện Ngọc Hồi mang nông sản ra sân phơi được cho là hoàng tráng nhất thế giới. Năm nay mì được mùa, được giá nên ai cũng phấn khởi, miệt mài ngày đêm trên “công trường” phơi mì. Ước tính, hàng ngày có cả trăm tiểu thương, nông dân mang mì lên đổ trên đường N5 để cạo vỏ, sắt lát, đa số là người người đồng bào dân tộc thiểu số bản địa.
Sân bóng chuyền trên đường N5
Sa huỳnh tập xe
Theo người dân, đây là thời điểm mùa vụ mì nên con đường trở nên nhộn nhịp, còn không thì đường vắng hoe, chỉ lác đác vài người chạy xe và người dân đi làm rẫy ngang qua đây. Thỉnh thoảng có một số người chạy vào đường N5 để tập lái xe máy. Những sa hình (tập thực hành lái xe ô tô) vẫn còn hiển thị trên lòng đường, song thời điểm này phải nhường cho việc phơi mì. Trên đường, chúng tôi còn phát hiện một sân bóng chuyền do người dân địa phương làm để tập thể thao vào mỗi chiều.
Hai bên đường, người dân phơi mì Mỳ phủ kín gần hết con đường rộng đến hơn 40m, chỉ chừa lối vừa đủ cho các xe tải vào đổ mỳ tươi và bốc mỳ đã khô. Tại nhiều vị trí, người dân phơi mì trên vỉa hè, dải phân cách. Giữa cái nóng như thiêu đốt của mùa khô Tây nguyên, cả trăm người già, trẻ dường như chẳng biết mệt nhọc, hăng say cạo, sắt lát mỳ, mong cuối ngày được hưởng phần thu nhập hậu hĩnh cải thiện cuộc sống gia đình, không quan tâm gì đến chức năng của dự án con đường ngàn tỷ lãng phí.
Ven đường, người dân còn căng lều, dựng bạt để phục vụ cho việc ngủ, nghỉ để canh mì. Thoạt nhìn, ai không biết sẽ nghĩ rằng đây là sân phơi của một nhà máy chế biến nông sản lớn nào đó chứ không nghĩ là người dân đang tận dụng sự vắng vẻ, ít hoạt động của con đường được xếp vào dạng đẹp nhất Tây nguyên làm sân phơi nông sản.
Theo thuyết trình của UBND tỉnh Kon Tum, việc xây dựng con đường này là cần thiết để phá thế độc đạo và giảm áp lực lưu thông từ thị trấn Plei Kần theo quốc lộ 40 lên cửa khẩu Bờ Y. Tuy nhiên, hiện nay toàn bộ lưu lượng xe và người từ các nơi lên cửa khẩu đều đi theo quốc lộ 40, bởi thuận đường và tiện lợi, gần như không ai đi đường N5. Trong khi đó, quốc lộ 40 hầu hết các đoạn mặt đường chỉ rộng chừng 4m, được nâng cấp hết sức manh mún. Thay vì sửa chữa, mở rộng quốc lộ 40, lại cho xây dựng con đường gần 1.000 tỷ đồng đón đầu chờ xe 3 năm nay thì quả là rất lãng phí.
Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y là nơi tiếp giáp với hai nước Lào - Campuchia được Chính phủ chấp thuận đầu tư từ năm 1999 và đưa vào quy hoạch phát triển các khu kinh tế cửa khẩu của Việt Nam đến năm 2020. Còn quy hoạch chung phát triển Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y đến năm 2025 được Thủ tướng phê duyệt với diện tích riêng của Khu kinh tế là 70.438ha, gồm các khu công nghiệp, khu đô thị và nhiều phân khu chức năng, trong này có cả quy hoạch trường đại học, cao đẳng nghề...
Quy mô và các mục tiêu về đầu tư phát triển khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y theo quy hoạch chung là rất lớn, đến năm 2025 sẽ thành đô thị loại II vùng biên giới, với hướng phát triển hiện đại, bền vững, môi trường thân thiện. Theo tính toán của tỉnh Kon Tum, tổng nhu cầu vốn giai đoạn năm 2011 đến 2015 là 79.168 tỷ đồng. Trước đó, từ năm 2005 đến 2010, đã có 58 dự án đầu tư hạ tầng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước được thực hiện.
Ông Nguyễn Hữu Hải- Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Kon Tum đánh giá: Việc kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu kinh tế mang lại hiệu quả thấp, hoạt động cầm chừng. Các dự án đã đăng ký đầu tư và dự án đang hoạt động có quy mô nhỏ, vốn ít, dịch vụ nhỏ lẻ; số dự án đăng ký ảo nhiều; vốn đăng ký lớn nhưng vốn thực hiện quá thấp; tiến độ triển khai chậm; hầu hết nhà đầu tư đến đăng ký sau đó không triển khai thực hiện. Các công trình khi được thuyết minh để đầu tư đều cho có những lợi ích lớn, tuy nhiên những công trình hàng trăm tỷ, nghìn tỷ đồng khi hoàn thành, hiệu quả sử dụng không cao.
Tỉnh Kon Tum cũng đang triển khai dự án đường lên cột mốc ngã ba biên giới Lào – Campuchia – Việt Nam với tổng kinh phí 250 tỷ đồng, nối từ quốc lộ 40 lên cột mốc. Đây là con đường ngoằn ngoèo, nằm trên sườn đồi trọc, không có dân cư. Trong khi để lên cột mốc này đã có đường tuần tra biên giới đã làm bê tông đi lại thuận lợi, cách cột mốc chỉ chừng trăm mét. Lẽ nào lại tiếp tục làm đường lớn tốn kém hàng trăm tỷ lại chỉ dành phục vụ mỗi việc lên nương, rẫy của của người đồng bào bản địa (?).