(CAO) Vụ cháy chung cư Cariana không chỉ là bài học xương máu cho công tác PCCC của người dân ở các chung cư mà còn là bài học thực tiễn đắt giá cho công tác cứu nạn, cứu hộ và điều trị các bệnh nhân bỏng nặng của đội ngũ cứu hộ cứu nạn và đội ngũ nhân viên y tế.
Sáng 14-6, sau hơn hai tháng tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân bỏng do cháy chung cư Carina (quận 8, TP.HCM), Bệnh viện Chợ Rẫy đã tổ chức tọa đàm “chia sẻ kinh nghiệm cấp cứu, điều trị bệnh nhân bỏng trong thảm họa cháy chung cư Caria”.
Chương trình có sự tham gia đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm của nhiều đơn vị, phòng ban như Trung tâm Cấp cứu 115, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Quận 8, Bệnh viện Triều An…
Trao đổi tại chương trình, nhiều vấn đề thiếu xót trong công tác cứu nạn cứu hộ và điều trị cho các bệnh nhân vụ bỏng chung cư Carina được đưa ra để các đơn vị rút kinh nghiệm chuyên môn và ứng phó tốt hơn khi có thảm họa xảy ra.
Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm cấp cứu, điều trị bệnh nhân bỏng trong thảm họa cháy chung cư Carina
Cờ chỉ huy, bàn chỉ huy là vô cùng cần thiết
Chưa có cờ chỉ huy, bàn chỉ huy là vấn đề mà các đơn vị nhấn mạnh trong chương trình chia sẻ kinh nghiệm cấp cứu, điều trị bệnh nhân trong thảm họa cháy chung cư vừa qua.
Mặc dù các nạn nhân được cấp cứu, điều trị kịp thời; nhưng theo các bệnh viện, tình hình lúc đó vẫn còn rối loạn, chưa có sự phối hợp ăn ý, nhịp nhàng giữa Cảnh sát PCCC và đội ngũ nhân viên y tế, giữa các bệnh viện này với các bệnh viện khác. Vì thế, bệnh nhân không được phân loại để được ứng cứu kịp thời, chưa được vận chuyển đến bệnh viện có chuyên môn phù hợp với tình trạng của họ.
Đại úy Huỳnh Văn Tuấn, Phó trưởng phòng Cứu nạn Cứu hộ, Cảnh sát PCCC TP.HCM cho biết: “Trong vụ cháy chung cư có 48 người bị thương trong đó có 2 Cảnh sát PCCC. Tuy lực lượng cứu nạn cứu hộ đã kịp thời xuất hiện nhưng thiệt hại là rất lớn. Trong đó, một số hạn chế phải nói đến chính là sự thiếu hụt của trang thiết bị và việc chưa xác định được ban chỉ huy để liên hệ, điều phối".
Đại úy Huỳnh Văn Tuấn cũng cho biết, sẽ có bàn chỉ huy, cờ chỉ huy nếu xảy ra các vụ cháy nổ lớn khác. Trong trường hợp chỉ huy phải khảo sát tình hình, đưa lãnh đạo đến hiện trường thì sẽ có trực ban chỉ huy ở bàn chỉ huy. Ngoài ra, qua thảm họa lần này, cần trang bị thêm các thiết bị, phương tiện phòng độc để tránh tình trạng người dân trong vùng cháy và các lực lượng cứu hộ ngạt thở do khí CO.
Cần giúp bệnh nhân vượt qua sang chấn tâm lý
BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới và Đơn vị chống độc BV Chợ Rẫy cho biết: “Tâm lý người bệnh là vô cùng quan trọng, là nhân tố giúp bệnh nhân sống sót và hồi phục. Ngoài việc chữa trị về thể xác thì cần điều trị tâm lý cho người bệnh. Có nạn nhân mất cả vợ con trong vụ cháy chung cư, bản thân còn bị thương nặng, lúc điều trị, bệnh viện rất lo lắng bệnh nhân sẽ không tiếp nhận được hung tin này. Mỗi lần bác sĩ đến điều trị, bệnh nhân đều hỏi tình hình vợ con mình, bác sĩ điều trị cũng rất áp lực và không dám cho bệnh nhân biết sự thật. Tuy nhiên, sau khi được tư vấn tâm lý, bệnh nhân đã ổn định, được xuất viện và sau đó có đến tái khám 2 lần".
Qua trường hợp này, các bác sĩ đề nghị cần xây dựng một đội ngũ chuyên tư vấn tâm lý, trấn an người nhà bệnh nhân và đặc biệt là các bệnh nhân. Đồng thời, cần quan tâm đến tâm lý của các bác sĩ điều trị tránh tình trạng bác sĩ cũng bị áp lực, ám ảnh sau các ca bệnh.
Người dân phải biết tự cứu mình
Đại úy Huỳnh Văn Tuấn cho biết, khi hỏa hoạn xảy ra, người dân phải biết cách tự cứu mình bằng cách chèn cửa bằng khăn ướt để tránh khói độc, mở cửa sổ, mở vòi xả nước thì sẽ không sao. Bởi các chung cư thiết kế kín nên dễ ngạt khói, hơn nữa đa số người dân không nghe tuyên truyền PCCC nên không biết cách ứng phó. Nhưng sau vụ cháy chung cư Carina, số lượng người đến tham dự các lớp diễn tập, nghe tuyên truyền về PCCC đã cải thiện đáng kể.
BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng Khoa Phỏng - Phẫu thuật tạo hình BV Chợ Rẫy khuyến cáo: “Để tự cứu mình, người bị nạn cần bảo vệ tốt hệ hô hấp của mình, nên dùng trùm áo, khăn ướt cho vùng đầu và mũi hoặc bò dưới thấp để tránh bỏng hô hấp. Trường hợp không bị bỏng hô hấp là có thể cứu được và có khá năng hồi phục, sống sót cao. Bước sơ cứu ban đầu đối với các bệnh nhân đi ra từ vụ cháy là cho uống nước để làm sạch đường hô hấp, nên ho khạc để đẩy khói, bụi ra ngoài".
Trong vụ cháy chung cư Carina, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận cấp cứu và điều trị cho 13 trường hợp, trong đó có 12 người dân và 1 cảnh sát PCCC.
(CAO) Trong số các nạn nhân được điều trị tại bệnh viện trong vụ cháy chung cư Carina, có 2 trường hợp chiến sĩ PCCC gặp nạn khi làm nhiệm vụ, 1 trường hợp đã xuất viện, người còn lại đang được điều trị tại khoa Phỏng của Bệnh viện Chợ Rẫy.