Căn nhà tọa lạc trên một khu đất có tổng diện tích 1,9 ha, tại xã Đạ Sar, thuộc huyện Lạc Dương, cách TP.Đà Lạt trên 10km, bên đường quốc lộ 723 (nối TP.Đà Lạt – TP.Nha Trang). Khoảng cách từ đường quốc lộ đến căn nhà chừng 600m, theo con đường cũ từ TP.Đà Lạt đi xã Đạ Sar. Toàn bộ giấy tờ giao dịch mua đất, xin làm nhà, sửa đường xá… đều đứng tên bà Hồ Thị Vàng (SN 1946), vợ ông Nguyễn Đức Thịnh (nguyên Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lâm Đồng, mới nghỉ hưu đầu năm 2016). Đến đây, hỏi nhà đất ông Thịnh, không ai biết, nhưng khi hỏi đất bà Vàng, người dân biết ngay nó ở đâu và nhiệt tình chỉ dẫn.
Cận cảnh căn biệt thự gây tranh cãi
Liên hệ với UBND huyện Lạc Dương, lãnh đạo, cán bộ các phòng chức năng tại đây cung cấp nhiều văn bản, tài liệu về mảnh đất. Theo đó, toàn bộ diện tích đất trên do bà Vàng mua của 3 hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2000 đến 2014. Đất có nguồn gốc do người dân phá rừng, trồng cà phê, sau được UBND tỉnh Lâm Đồng cho chuyển đổi từ đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm và cấp Giấy CNQSDĐ cho bà Vàng năm 2014.
Trở thành chủ sở hữu, bà Vàng có đơn xin cải tạo, sửa chữa đường đi, trồng cây xanh (tùng, hoa và cây ăn trái). Tiếp đến, bà có đơn xin chuyển đổi 1.000m2 sang đất nông nghiệp khác, mục đích để xây dựng 2 công trình nhà tạm, một căn làm nhà ở cho công nhân, căn còn lại để chứa nông cụ, sản phẩm nông nghiệp; san ủi tạo cảnh quan non bộ, đường đi trong trang trại…
Ngày 24-5-2016, PV trực tiếp mục sở thị khu đất, căn nhà trên. Bà Vàng kể bà sinh sống, làm ăn và có HKTT tại TP.HCM, mua mảnh đất này từ trước lúc quen biết ông Thịnh. 4 năm nay, sau khi kết hôn với ông Thịnh, bà Vàng mới chính thức chuyển đến TP.Đà Lạt sinh sống.
Trong khu trang trại, có hồ nước, nhà chòi ven hồ dùng làm nơi tiếp khách, nghỉ ngơi. Khu đất nằm trọn trên một quả đồi, đã được san ủi bằng phẳng, tứ bề là rừng thông xanh, địa thế tuyệt đẹp! Bà Vàng tỏ ra là người phụ nữ đảm đang, tháo vát, kể rằng, tự bà lo liệu mọi việc ở đây, không dựa dẫm vào tên tuổi của chồng. Tuy nhiên, không ít người cho rằng, bà Vàng đi lo thủ tục, giấy tờ… mang danh là vợ cán bộ cấp cao của tỉnh ủy, ai dám làm “khó”?.
Căn “nhà tạm” (diện tích 100m2) của vợ chồng bà Vàng là căn nhà 2 tầng, dạng nhà biệt thự, nhà mái thái. Vợ chồng ông Thịnh gọi đó là nhà sàn, bà gọi đó là nhà tạm, bạn bè ông Thịnh nói đó là nhà cấp 4A. Vậy việc xuất hiện căn nhà như này mà không hề có hồ sơ giấy phép xây dựng có đúng không?
Toàn cảnh trang trại của hộ bà vàng - ông Thịnh
Vợ chồng bà Vàng giải thích, sau khi bà có “đơn xin phép làm nhà tạm”, để cho công nhân ở, được UBND huyện Lạc Dương chấp thuận, họ làm một căn nhà vật liệu gỗ, mái lợp tôn. Vậy nhưng do ở trên đồi cao, gió to gặp mưa lớn nên ngã đổ, nguy hiểm cho người ở. Vì vậy, bà làm bản giải trình và kiến nghị xin làm nhà kiên cố hơn.
Một vị cán bộ lãnh đạo của UBND huyện Lạc Dương nói, bà Vàng trình bày mong muốn trồng một số cây đặc hữu của Đà Lạt về nông nghiệp để góp phần quảng bá du lịch, đón tiếp bạn bè gần, xa nên làm căn nhà đàng hoàng, khang trang, chúng tôi cũng không làm khó.
Đối chiếu với các văn bản quy định tiêu chí về nhà cấp 4A, nhà tạm, biệt thự của liên bộ (Bộ xây dựng, Bộ tài chính, Tổng cục quản lý ruộng đất, Ủy ban vật giá nhà nước…) cho thấy, căn nhà của vợ chồng ông Thịnh có nhiều tiêu chí gần với nhà biệt thự, chỉ một ít tiêu chí là nhà cấp 4A và hầu như không có tiêu chí nào thuộc diện nhà tạm. Công trình trên cũng không thuộc diện đối tượng được miễn cấp phép xây dựng.
Khách quan mà nói, ở địa hình này, một căn nhà tạm bợ là khó tồn tại bởi gió to, mưa lớn khó lường, nhưng nhà kiên cố thì đến mức nào, thiết nghĩ chủ nhân và các ngành quản lý tại địa phương cần có biện pháp ứng xử phù hợp, thượng tôn pháp luật. Nhất, đây lại là nhà của gia đình vị cán bộ đầu tỉnh, chưa từng “tiếng bấc tiếng chì” thì lại càng cần phải “rõ nét” để thế hệ con cháu noi gương.
Chúng tôi băn khoăn rằng, việc nhà nước có chính sách đảm bảo đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, nghiêm cấm việc đầu cơ, mua bán, bao chiếm đất đai trong vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới..., liệu việc vợ ông Thịnh mua gom đất của 3 hộ đồng bào dân tộc thiểu số và được chính quyền chấp thuận, hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng, cấp “sổ đỏ” có đúng không?
Ông Thân Xuân Quý, Chánh văn phòng UBND huyện Lạc Dương, cho biết: Tại thời điểm bà Vàng mua đất, ông đang là Trưởng phòng nông nghiệp nên không nắm rõ sự việc.
Sau khi kiểm tra lại hồ sơ với các Phòng chuyên môn, UBND xã Đạ Sar, ông Quý trả lời: Các chỉ thị, quyết định của UBND tỉnh Lâm Đồng quy định rất rõ về việc này. Nghiêm cấm, nhưng cũng cần đảm bảo quyền định đoạt với tài sản là đất đai của người dân, vì thế, các quyết định này có kèm điều kiện: sau khi chuyển nhượng, mua, bán, cho, tặng…, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của mỗi hộ phải còn tối thiểu 1 héc-ta (quyết định số 54/2006) và gần đây, quyết định số 8/2015 quy định, diện tích tối thiểu của hộ dân sau khi chuyển nhượng… phải còn không dưới 0,6 héc-ta.
Trường hợp này, tại địa phương đã tiến hành kiểm tra, đo đạc, xác định đảm bảo việc chuyển nhượng nên cho tiến hành các thủ tục chuyển nhượng, đúng theo quy định pháp luật.