(CAO) Mỗi tháng tại cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất tiếp nhận khoảng 700 hành khách đến từ Nam Mỹ. Trong đó, 50% là khách từ Brazil - quốc gia đang bị dịch bệnh do virus Zika hoành hành.
Chiều 4-2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đi kiểm tra công tác giám sát dịch Zika tại cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất và làm việc với Viện Pasteur TP.HCM về công tác xét nghiệm, chẩn đoán căn bệnh do virus Zika gây ra.
Theo Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM, mỗi tháng tại cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất tiếp nhận khoảng 700 hành khách đến từ Nam Mỹ. Trong đó, 50% là khách từ Brazil - quốc gia đang bị dịch bệnh do virus Zika hoành hành.
Đo thân nhiệt tất cả hành khách nhập cảnh vào Việt Nam tại cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất
Bên cạnh biện pháp đo thân nhiệt tất cả những ai nhập cảnh vào Việt Nam đang thực hiện tại đây, Bộ trưởng y tế chỉ đạo Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế và Viện Pasteur TP.HCM phối hợp triển khai ngay tờ rơi hướng dẫn cách phòng chống Zika, cũng như tờ khai y tế cho hành khách đến từ vùng dịch.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến giám sát phòng chống Zika tại cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất
Ông Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cũng cho biết, để ứng phó nhanh với tình hình bệnh do virus Zika, viện sẽ tiến hành giám sát virus này tại 8 tỉnh thành nhằm đánh giá khả năng virus Zika có lưu hành tại khu vực phía Nam hay không.
Theo kế hoạch, trong vòng 5 tuần kể từ 15-2, các điểm giám sát sẽ được triển khai tại các bệnh viện thuộc TP.HCM, Đồng Nai, Tây Ninh, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ và An Giang.
Tại mỗi điểm giám sát, sẽ lấy mẫu máu của 4 bệnh nhân (2 người lớn, 2 trẻ em) đầu tiên trong ngày thỏa tiêu chí như nóng sốt, phát ban kèm theo viêm kết mạc không mủ, xung huyết kết mạc, đau khớp, đau cơ, nhức đầu, mệt mỏi.
Mẫu bệnh phẩm sẽ được vận chuyển về Viện Pasteur TP.HCM hàng tuần. Viện sẽ chịu trách nhiệm thực hiện xét nghiệm xác định virus Zika và cho biết kết quả.
Ngoài ra, do triệu chứng lâm sàng của bệnh không rõ ràng, nên theo bà Tiến, biện pháp phòng chống virus Zika hiệu quả vẫn là phải diệt muỗi, lăng quăng. Đặc biệt, đối với ca nghi ngờ đến từ vùng dịch, cần phải ngăn ngừa tối đa việc bị muỗi đốt cho những người này.
Do đó, bộ trưởng yêu cầu phát gen bôi ngoài da chống muỗi đốt cho những đối tượng này và hướng dẫn họ sử dụng liên tục trong 14 ngày.
Đồng thời, tiến hành phun hóa chất diệt muỗi xung quanh nơi lưu trú của những người đến từ vùng dịch.