Ngày 11/2 cả nước có 26.487 ca Covid-19, Hà Nội vẫn nhiều nhất

Thứ Sáu, 11/02/2022 19:03  | A. Quân

|

(CAO) Bản tin Covid-19 của Bộ Y tế cho biết, từ 16 giờ ngày 10/2 đến 16 giờ ngày 11/2, ghi nhận 26.487 ca nhiễm mới, trong đó 16 ca nhập cảnh và 26.471 ca trong nước (tăng 448 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 8.768 ca trong cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (2.908 ca), Nghệ An (1.501 ca), Hải Dương (1.447 ca), Hải Phòng (1.398 ca), Bắc Ninh (1.390 ca), Nam Định (1.287 ca), Thái Nguyên (976 ca), Ninh Bình (942 ca), Đà Nẵng (927 ca), Bắc Giang (910 ca), Hòa Bình (879 ca), Vĩnh Phúc (856 ca), Phú Thọ (765 ca), Thanh Hóa (686 ca), Bình Định (503 ca), Quảng Bình (493 ca), Quảng Nam (492 ca), Thái Bình (490 ca), Quảng Ninh (477 ca), Lào Cai (470 ca), Lạng Sơn (440 ca), Quảng Trị (420 ca), Tuyên Quang (393 ca), Sơn La (383 ca);

Hưng Yên (379 ca), Lâm Đồng (340 ca), Đắk Lắk (311 ca), Bình Phước (290 ca), Phú Yên (284 ca), Khánh Hòa (263 ca), Thành phố Hồ Chí Minh (260 ca), Hà Tĩnh (259 ca), Thừa Thiên-Huế (257 ca), Hà Nam (216 ca), Quảng Ngãi (211 ca), Đắk Nông (180 ca), Kon Tum (178 ca), Yên Bái (164 ca), Cao Bằng (138 ca), Cà Mau (134 ca), Bà Rịa-Vũng Tàu, Điện Biên (mỗi địa phương 133 ca), Hà Giang (115 ca), Bắc Kạn (84 ca), Bình Dương (77 ca);

Vĩnh Long, Bình Thuận (mỗi địa phương 73 ca), Lai Châu (69 ca), Bến Tre, Trà Vinh (mỗi địa phương 65 ca), Đồng Tháp (45 ca), Bạc Liêu (44 ca), Sóc Trăng (34 ca), Long An, Tây Ninh (mỗi địa phương 31 ca), Đồng Nai (20 ca), An Giang (19 ca), Kiên Giang, Hậu Giang (mỗi địa phương 16 ca), Cần Thơ (15 ca), Ninh Thuận, Tiền Giang (mỗi địa phương 8 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca mắc giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Thanh Hóa (310 ca), Kon Tum (259 ca), Nghệ An (248 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca mắc tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bắc Ninh (311 ca), Thái Nguyên (241 ca), Ninh Bình (227 ca).

Trung bình số ca mắc mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 20.203 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 2.457.170 ca mắc, đứng thứ 34/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 145/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 24.883 ca mắc).

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.586 ca; số bệnh nhân tử vong là 96.

Trung bình số ca tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 91 ca/ngày.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 38.784 ca, chiếm tỷ lệ 1,6% so với tổng số ca mắc.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 192 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron tại TPHCM (92 ca), Quảng Nam (27 ca), Quảng Ninh (20 ca), Hà Nội (14 ca), Khánh Hòa (11 ca), Đà Nẵng (8 ca), Hưng Yên (6 ca), Kiên Giang (4 ca), Thanh Hóa, Hải Dương (mỗi địa phương 2 ca), Hải Phòng, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Lâm Đồng, Ninh Bình (mỗi địa phương 1 ca).

Danh mục thuốc điều trị ngoại trú cho F0 tại nhà

Theo "Hướng dẫn quản lý người mắc COVID-19 tại nhà" do Bộ Y tế vừa ban hành, việc khám bệnh, kê đơn điều trị tại nhà cho F0 được thực hiện bởi Trạm y tế lưu động hoặc Đội y tế lưu động.

Về kê đơn, cấp phát thuốc điều trị triệu chứng cho F0 tại nhà:

Nếu F0 sốt:

+ Đối với người lớn: > 38,5 độ hoặc đau đầu, đau người nhiều: Uống mỗi lần 1 viên thuốc hạ sốt như paracetamol 0,5 g, có thể lặp lại mỗi 4-6h, ngày không quá 4 viên, uống oresol nếu ăn kém/giảm hoặc có thể dùng uống thay nước.

+ Đối với trẻ em: > 38,5 độ, uống thuốc hạ sốt như paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần, có thể lặp lại mỗi 4-6h, ngày không quá 4 lần.

Nếu sau khi dùng thuốc hạ sốt 2 lần không đỡ, yêu cầu người mắc COVID-19 thông báo ngay cho Cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà để được xử trí.

Nếu F0 bị ho thì dùng thuốc giảm ho khi ho khan nhiều.

Về danh mục thuốc điều trị ngoại trú cho F0 tại nhà:

Thuốc hạ sốt, giảm đau (Paracetamol):

+ Cho trẻ em: gói bột hoặc cốm pha hỗn dịch uống hàm lượng 80 mg, 100 mg, 150 mg hoặc 250 mg;

+ Cho người lớn: viên nén 250 mg hoặc 500 mg.

Thuốc kháng virus: lựa chọn một trong các thuốc sau:

+ Favipiravir 200 mg, 400 mg (viên).

+ Molnupiravir 200 mg, 400 mg (viên).

Thuốc chống viêm corticosteroid đường uống: Thuốc không phát sẵn cho người mắc COVID-19, thuốc phải được bác sĩ kê đơn theo quy định tại Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 do Bộ Y tế ban hành và chỉ kê đơn điều trị trong một ngày trong thời gian chờ chuyển đến cơ sở điều trị người bệnh COVID-19. Lựa chọn một trong các thuốc sau:

+ Dexamethason 0,5 mg (viên nén).

+ Methylprednisolon 16 mg (viên nén).

Thuốc chống đông máu đường uống: Thuốc không phát sẵn cho người mắc COVID-19, thuốc phải được bác sĩ kê đơn theo quy định tại Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 do Bộ Y tế ban hành và chỉ kê đơn điều trị trong một ngày trong thời gian chờ chuyển đến cơ sở điều trị người bệnh COVID-19. Lựa chọn một trong các thuốc sau:

+ Rivaroxaban 10 mg (viên).

+ Apixaban 2,5 mg (viên).

Tại hướng dẫn này, Bộ Y tế đưa ra 1 số lưu ý về thuốc kháng virus, thuốc chống viêm corticosteroid và thuốc chống đông máu.

Thuốc kháng virus dùng sớm ngay sau khi có chẩn đoán xác định mắc COVID-19, tốt nhất trong 5 ngày đầu kể từ khi khởi phát triệu chứng. Ưu tiên sử dụng cho những trường hợp có triệu chứng hoặc có nguy cơ cao bệnh tiến triển nặng như người trên 65 tuổi, chưa tiêm đủ liều vaccine, có bệnh nền không ổn định…

Chỉ định điều trị kết hợp đồng thời thuốc chống viêm corticosteroid và thuốc chống đông máu khi người bệnh COVID-19 có bất kỳ một trong các dấu hiệu sớm của suy hô hấp và chỉ kê đơn điều trị trong một ngày trong thời gian chờ chuyển đến cơ sở điều trị người bệnh COVID-19.

TPHCM tăng cường giám sát biến chủng Omicron trong cộng đồng

Sở Y tế TPHCM đang tăng cường giám sát các trường hợp nghi nhiễm biến chủng Omicron trong cộng đồng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 cả nước liên tục tăng cao, trong hai ngày 8 và 9/2, số ca mắc mới mỗi ngày đã lên gần 24.000 ca, cao nhất kể từ tháng 10/2021 đến nay. Tại TP, mặc dù số ca bệnh nặng và số ca tử vong tiếp tục giảm sâu nhưng số ca mắc mới cũng có xu hướng tăng nhẹ sau những ngày nghỉ Tết. Các hoạt động kiểm soát dịch COVID-19 của thành phố luôn được đảm bảo và tăng cường hơn tại các thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Từ cuối tháng 12/2021 đến nay, hoạt động giám sát biến chủng Omicron được tiến hành liên tục và chặt chẽ. Ngành Y tế đã thực hiện giám sát 8.162 người nhập cảnh tại Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, 526 người nhập cảnh đường bộ và đường thủy. Các quận, huyện và TP.Thủ Đức đã triển khai tốt việc giám sát, lấy mẫu xét nghiệm đối với người nhập cảnh đang theo dõi sức khỏe, cách ly tại nơi cư trú và thực hiện lấy mẫu, giám sát cộng đồng để phát hiện sớm, truy vết, khoanh vùng, cách ly và xử lý triệt để chùm ca bệnh, hạn chế thấp nhất lây lan trong cộng đồng.

Mới đây, qua tầm soát ngẫu nhiên, 72 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 tại các bệnh viện trong thời gian từ ngày 31/1-7/2/2022, kết quả giải trình tự gene đã phát hiện 5 ca nhiễm biến chủng Omicron. Trong 5 trường hợp nhiễm này, có 1 trường hợp đến từ Nghệ An, 3 trường hợp cư trú tại thành phố, 1 trường hợp di chuyển về Đồng Tháp và quay lại thành phố làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Cả 5 trường hợp này đều đã tiêm đủ vaccine; 4 trường hợp có triệu chứng đau họng, sốt nhẹ và 1 trường hợp không có triệu chứng. Hiện tại, sức khỏe của các trường hợp này đều đã ổn định.

Thực hiện truy vết các trường hợp tiếp xúc gần (F1) phát hiện có 19 trường hợp, tất cả được làm xét nghiệm nhanh cho thấy có 3 trường hợp dương tính và 16 trường hợp âm tính. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP phân tích, yếu tố dịch tễ cho thấy đây là 5 trường hợp mắc COVID-19 do biến chủng Omicron lây nhiễm trong cộng đồng trên địa bàn.

Như vậy, tính từ cuối tháng 12/2021 đến nay, TPHCM đã phát hiện 125 ca mắc biến thể mới Omicron; trong đó 115 ca nhập cảnh, 10 ca trong cộng đồng, tất cả đều không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, không có ca nặng và tử vong liên quan người mắc chủng mới trên địa bàn Thành phố.

Ngành Y tế thành phố tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo các kịch bản, giám sát các khu vực có gia tăng ca mắc mới, truy vết, cách ly hạn chế nguồn lây. Ngoài việc tiếp tục hợp tác với Đại học Oxford (Oucru) và Viện Pasteur TPHCM trong giám sát ngẫu nhiên Omicron qua giải trình tự gen, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tiếp tục áp dụng thử nghiệm xét nghiệm RT-PCR sàng lọc Omicron trong cộng đồng.

Trước tình hình số trường hợp mắc mới sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán có xu hướng gia tăng, ngành Y tế thành phố yêu cầu người dân cần tuân thủ các nguyên tắc phòng, chống dịch COVID-19.

Đó là nâng cao cảnh giác, tuân thủ 5K; tiêm vaccine liều bổ sung và liều nhắc lại ngay khi đến lượt tiêm theo đúng quy định; đến ngay các cơ sở y tế để khám bệnh để được tư vấn, chăm sóc sức khỏe ngay khi có dấu hiệu nghi mắc COVID-19; thông báo ngay cho Trạm Y tế tại địa phương ngay sau khi làm xét nghiệm nhanh dương tính để được tư vấn, theo dõi sức khỏe và cung cấp các túi thuốc chăm sóc F0 tại nhà theo quy định; tuân thủ cách ly y tế để tránh lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang