(CAO) Mới đây, UBND TPHCM đã ban hành quyết định về phê duyệt Kế hoạch ứng phó đối với bệnh dại, bệnh cúm gia cầm, bệnh Lở mồm long móng của vùng an toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn TP…
Theo UBND TP, việc ra quyết định phê duyệt kế hoạch trên nhằm chủ động ngăn chặn, giám sát, phát hiện sớm, sẵn sàng ứng phó kịp thời và hiệu quả với bệnh Dại, Cúm gia cầm, Lở mồm long móng trên địa bàn; chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh; ngăn chặn nguy cơ xảy ra dịch bệnh, giảm thiểu thấp nhất nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dại, Cúm gia cầm, Lở mồm long móng vào địa bàn.
Để phòng bệnh dại, điều quan trọng nhất là cần tiêm phòng dại đầy đủ cho chó, mèo
Ngoài ra, lực lượng chức năng sẽ phát hiện kịp thời các trường hợp chó, mèo mắc bệnh để xử lý triệt để, không để lây lan ra diện rộng; giảm thiểu tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội, môi trường do những bệnh này gây ra. Điều này góp phần vào việc duy trì thành công TPHCM là vùng an toàn bệnh Dại, bệnh Cúm gia cầm đã được Cục Thú y công nhận; bảo vệ sức khỏe cộng đồng; đồng thời xây dựng thành công TPHCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh lở mồm long móng, nhằm đảm bảo ổn định tình hình chăn nuôi gia súc trên địa bàn.
Song song đó, cơ quan chức năng TP cũng đã đưa ra các giải pháp chung ứng phó với dịch bệnh, như: Dự phòng các nguồn lực, hóa chất, kinh phí, bảo đảm phân công rõ trách nhiệm những người tham gia, đáp ứng yêu cầu để xử lý dịch bệnh; tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát hiệu quả khi xảy ra dịch bệnh tại vùng hoặc tại các tỉnh giáp ranh; báo cáo về tình hình và các biện pháp xử lý dịch bệnh tại cơ sở để xác định nguyên nhân và hạn chế lây lan dịch bệnh; cũng như thực hiện điều tra, chẩn đoán, lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm phát hiện tác nhân gây bệnh.
Để chủ động ứng phó với bệnh dại, bệnh cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng trên địa bàn, TP còn có giải pháp ứng phó khi xảy ra dịch bệnh với từng loại bệnh. Cụ thể, đối với bệnh dại, yêu cầu phải xử lý chó mèo mắc bệnh, tiêm phòng khẩn cấp khi có dịch xảy ra, tiêm phòng khẩn cấp bao vây ổ dịch và tiêm phòng khẩn cấp vắc-xin Dại cho toàn bộ đàn chó, mèo khỏe mạnh trong xã có ổ dịch bệnh Dại và các xã tiếp giáp với xã có dịch; qua đó cần tăng cường biện pháp giám sát và cảnh báo dịch bệnh và chuẩn đoán xét nghiệm bệnh.
Cần có biện pháp giám sát và cảnh báo dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm (ảnh minh họa)
Đối với bệnh cúm gia cầm, cần tập trung xử lý gia cầm mắc bệnh, tiêm phòng khẩn cấp khi có dịch xảy ra, biện pháp giám sát và cảnh báo dịch bệnh và chuẩn đoán xét nghiệm bệnh.
Tương tự, đối với bệnh lở mồm long móng, cần xử lý gia súc mắc bệnh, tiêm phòng khẩn cấp khi có dịch xảy ra, biện pháp giám sát và cảnh báo dịch bệnh và chuẩn đoán xét nghiệm bệnh.
UBND TP cũng nhấn mạnh, để công tác phòng chống các bệnh dại, bệnh cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng đạt hiệu quả tốt nhất cần sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ từ các Sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, TP. Thủ Đức nhằm kiểm soát kĩ lưỡng việc vận chuyển gia súc, gia cầm, chó, mèo từ tỉnh khác vào địa bàn TP; kiểm soát các điểm kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm trái phép, không rõ nguồn gốc; nâng cao nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của các bệnh nói trên và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Trong đó, cũng cần lưu ý đến việc tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm, chó, mèo trên địa bàn TP đạt tỷ lệ theo quy định; xây dựng hệ thống giám sát dịch bệnh để phát hiện sớm các dấu hiệu của dịch bệnh; đồng thời thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung và có biện pháp khắc phục, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, ứng phó kịp thời, hiệu quả khi xảy ra dịch bệnh trên địa bàn; lưu giữ thông tin, dữ liệu theo quy định về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật.