Những cách phòng tránh chiêu lừa đảo 'bán sắt thép giá rẻ'

Thứ Tư, 30/10/2024 08:45  | Quốc Phong

|

(CATP) Tình trạng lừa đảo bằng "chiêu" bán sắt thép xây dựng giá rẻ, thậm chí rất rẻ (như sắt phế liệu) khiến không ít người dân, nhân viên cửa hàng kinh doanh sắt thép sập bẫy. Ngay sau khi Báo Công an TPHCM phản ánh về thủ đoạn lừa đảo kiểu này, giám đốc một công ty có uy tín trên toàn quốc chuyên kinh doanh trong lĩnh vực sắt thép đã nêu một số cách phòng tránh lừa đảo khi tìm mua sắt thép qua internet.

Những cách phòng tránh cụ thể

Ngày 29/10/2024, ông Giáp Văn Trường (Giám đốc Công ty TNHH thép Bảo Tín) cho biết một số cách phòng tránh lừa đảo khi tìm mua sắt thép qua mạng internet mà người dân khi có nhu cầu cần nắm bắt để tránh bị lừa đảo.

Theo Giám đốc Giáp Văn Trường, cách đầu tiên mọi người cần phải kiểm tra số điện thoại của người bán hàng, bằng cách lên Google tìm kiếm, nhập số điện thoại của người bán để xem mức độ phổ biến, nếu không ra kết quả thì cần cẩn trọng đề phòng. Tiếp theo cần xem lịch sử hoạt động của Zalo, nhật ký Zalo của người bán hàng đó có nhiều hình ảnh giới thiệu về công ty, cửa hàng hay không? Vì thông thường những kẻ lừa đảo chỉ sử dụng số điện thoại hoặc Zalo trong một thời gian ngắn, khi lừa đảo xong sẽ thay số khác. Cách 3, nên thực hiện cuộc gọi video qua Zalo, ghi, chụp lại hình ảnh của người giới thiệu mình bán hàng giá rẻ.

Đơn vị kinh doanh có thông tin, nhân viên rõ ràng

Các đối tượng lừa đảo thường rất sợ bị phát hiện khuôn mặt. Cách 4, nên kiểm tra kỹ thông tin công ty của người bán, nếu người bán gửi báo giá không có thông tin doanh nghiệp rõ ràng thì cần cẩn trọng. Nếu có thông tin doanh nghiệp, hãy lên Google tìm kiếm và gõ tên đầy đủ của doanh nghiệp, xem thời gian thành lập, doanh nghiệp đó có website không và đã được xác nhận bởi Bộ Công thương chưa? Hãy gọi đến số tổng đài của doanh nghiệp đó để xác minh xem mình đã liên hệ đúng với nhân viên chính thức của công ty đó không? Cách 5, nếu thấy giá rẻ bất thường, hãy kiểm tra xem nhà cung cấp và giá cả chính thức của nhà cung cấp đó như thế nào? Và cuối cùng là hết sức cẩn thận với những đối tượng yêu cầu đặt cọc tiền, chuyển khoản tiền hàng vào các tài khoản cá nhân.

"Của rẻ là của ôi"

Hành vi lừa đảo của những kẻ trục lợi rao bán sắt thép giá rẻ hoặc rất rẻ so với thị trường ngày càng tinh vi là điều mọi người cần cảnh giác. Một vấn đề không thể phủ nhận là lời mời gọi từ các đối tượng lừa đảo luôn vô cùng hấp dẫn. Người dân cần đề phòng với một bảng giá sắt thép rẻ mạt, phá giá thị trường cùng "chiêu" miễn phí vận chuyển hay giảm giá cho đơn hàng lớn, thấy hàng mới giao tiền... Đặc biệt là với mặt hàng sắt thép là miếng "bánh ngon" nên người dân rất dễ rơi vào bẫy lừa rồi trả giá đắt.

Hàng hóa giao nhận thực tế

Trường hợp nếu người dân đang chuẩn bị mua sắt thép hay bất kỳ sản phẩm nào khác thì hãy tìm hiểu thật kỹ. Đừng thấy rẻ mà đưa ra những quyết định sai lầm. Người xưa đã nói "tiền nào của nấy", "của rẻ là của ôi" đến tận bây giờ câu nói ấy vẫn còn chính xác. Do vậy, chỉ mua hàng từ công ty uy tín. Với một công ty hay cơ sở kinh doanh sắt thép uy tín cần phải có các yếu tố cơ bản nhất, như tên, số điện thoại, mã số thuế, giấy phép kinh doanh, địa chỉ và hình ảnh kho bãi, hình ảnh nhân viên cũng như vị trí doanh nghiệp đầy đủ. Thậm chí, thời gian thành lập mới quá cũng cần phải xem xét. Cùng với đó, mọi người cần xác minh thật kỹ thông tin trước khi chuyển tiền, đặc biệt là khi thanh toán qua tài khoản cá nhân.

Nếu thấy tên tài khoản nhận tiền không trùng khớp với tên công ty cung cấp hay có dấu hiệu đáng nghi, khách cần kiểm tra thông tin nhà cung cấp từ nhiều nguồn khác nhau, như nhờ bạn bè đang ở gần nơi nhà cung cấp đến tận nơi xác minh, kiểm tra các thông tin từ Cục Thuế, kể cả gọi cho Tổng đài 1080... Vì bất cứ công ty nào cũng sẽ có 1 tài khoản của công ty nhằm phục vụ việc giao dịch, mua bán. Tất cả các doanh nghiệp làm ăn kinh doanh hợp pháp thì thông tin đều rất minh bạch và rõ ràng. Thậm chí, với những đơn vị lớn và hoạt động nhiều năm như thép Bảo Tín thì sẽ có rất nhiều thông tin được cung cấp đến khách hàng.

Người dân nên đến cửa hàng để làm việc trực tiếp với nhân viên kinh doanh

Những kênh thông tin cơ bản như: website thepbaotin.com hoặc Zalo OA, vị trí trụ sở và kho hàng được đính rõ ràng trên bản đồ Google Maps hoặc Grab, Bee... hoặc người muốn mua hàng chỉ cần lên trang tìm kiếm Google và gõ thép Bảo Tín thì sẽ thấy được rất nhiều thông tin chính thống để liên hệ đúng nơi. Trường hợp tốt nhất là khi có nhu cầu, mọi người hoàn toàn có thể tới địa chỉ của các cửa hàng để làm việc trực tiếp với nhân viên kinh doanh, xem hàng tận mắt, sờ hàng tận tay, đặt cọc và ký hợp đồng. Nếu khách hàng ở xa, việc gọi video call để xác minh người bán, cơ sở kho bãi cũng là một cách rất hay.

Đồng thời, những công ty "ma", những công ty "ảo" nắm bắt tâm lý ham hàng rẻ, sẽ thường nhắm tới những khách hàng ở khu vực xa trung tâm thành phố, muốn mua hàng xịn với giá rẻ, không lấy hóa đơn... Đây là nhóm khách hàng dễ bị dẫn dụ sập bẫy lừa. Thường lừa đảo sẽ chỉ trao đổi công việc qua các mạng xã hội như Zalo, Facebook, Instagram... Ngoài ra, những kẻ này thường hối thúc khách hàng thanh toán, chuyển khoản nếu muốn nhận hàng ngay. Hoặc chúng sẽ yêu cầu khách đặt một khoản tiền cọc từ 5 - 10 triệu đồng để giữ giá, giữ hàng. Chính lúc này khách hàng cần thực sự tỉnh táo và cảnh giác để không bị các đối tượng lừa đảo dắt "mũi" chiếm đoạt tiền.

Những công ty uy tín luôn muốn khẳng định thương hiệu của mình thông qua logo, hình ảnh sản phẩm thực tế, hình ảnh công ty, văn phòng, nhân viên... thì kẻ lừa đảo lại cố gắng tạo nên một hình ảnh vô cùng chỉnh chu nhưng không hề đáng tin, như hình ảnh những xe hàng đầy ắp, xịn sò; những nội dung chung chung không có mục đích. Kẻ lừa đảo không bao giờ chia sẻ địa chỉ công ty, hình ảnh văn phòng hay hình ảnh nhân viên; thường chính tài khoản cá nhân chỉ mới lập trong khoảng thời gian ngắn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang