TPHCM: Tăng cường, giám sát phòng, chống dịch Mác-bớc (Marburg)

Thứ Năm, 24/10/2024 09:01

|

(CATP) Trước tình hình dịch bệnh Mác-bớc trên thế giới diễn ra khá phức tạp với tỷ lệ tử vong cao, dù khả năng bệnh xâm nhập vào TPHCM thấp, nhưng vẫn có nguy cơ xảy ra. Do đó, Sở Y tế TPHCM đã ban hành một số giải pháp thực hiện hoạt động phòng, chống dịch bệnh Mác-bớc trên địa bàn để người dân biết, phòng ngừa.

Theo thông tin từ Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, từ cuối tháng 9 năm 2024, Ru-an-đa (Rwanda) lần đầu tiên ghi nhận trường hợp bệnh Mác-bớc (Marburg) tại nước này. Đến ngày 10/10/2024, nước này đã ghi nhận tổng số 58 trường hợp mắc, trong đó có 13 trường hợp tử vong (7 trong số 30 quận của Ru-an-đa) nhưng lại có đến khoảng 70% trường hợp bệnh là nhân viên y tế. Điều đó cho thấy, bệnh Mác-bớc là bệnh đặc biệt nguy hiểm, khả năng lây truyền và tỷ lệ tử vong cao (chiếm 50%, thậm chí có thể lên tới 88%). Đến nay, bệnh chưa có vắc xin, thuốc điều trị đặc hiệu. Hiện bệnh được phân loại thuộc nhóm A trong Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm của VN.

Tổ chức Y tế Thế giới cũng đánh giá nguy cơ của đợt bùng phát bệnh là rất cao ở Rwanda, cao ở cấp khu vực Châu Phi và thấp ở cấp độ toàn cầu. Một số quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ cũng đã tăng cường biện pháp y tế tại cửa khẩu nhằm kiểm soát dịch bệnh Mác-bớc xâm nhập.

Virus Marburg tồn tại trong một số loài dơi ở châu Phi

Tại TPHCM, nguy cơ bệnh Mác-bớc xâm nhập qua đường hàng không khá thấp khi không có đường bay thẳng từ Rwanda và khách nhập cảnh đã được sàng lọc trước khi xuất cảnh. Ngoài ra, nguy cơ rất thấp với đường hàng hải vì Rwanda chỉ có 1 cảng hàng hải tại Kigali, từ tháng 01/2023 đến nay không có tàu thuyền nào nhập cảnh trực tiếp từ cảng hàng hải này. Đó là chưa kể thời gian vận chuyển từ Châu Phi về đến TPHCM qua đường biển thường kéo dài từ 25-40 ngày, lâu hơn thời gian ủ bệnh dài nhất của Mác-bớc (21 ngày).

Tuy nhiên, với mục tiêu phòng bệnh hơn chữa bệnh, thời gian qua và cả trong thời gian tới, Sở Y tế luôn chủ động giám sát, phát hiện, kiểm soát dịch bệnh Mác-bớc xâm nhập vào nước ta. Qua đó, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP thực hiện nghiêm túc, đặc biệt giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, tại cộng đồng và cơ sở y tế để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để điều tra dịch tễ (lưu ý những người nhập cảnh từ các quốc gia có dịch khu vực châu Phi, các nước có ca bệnh trong vòng 21 ngày); cũng như phối hợp với các ngành liên quan triển khai các biện pháp giám sát, phát hiện và cách ly các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Mác-bớc theo đúng quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh khi phát hiện các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ phải điều tra dịch tễ, khai thác tiền sử tiếp xúc để phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Mác-bớc và phối hợp với Viện Pasteur TPHCM lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán kịp thời; quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý không để bệnh lây ra cộng đồng; đảm bảo nhân sự, trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị kịp thời khi có các trường hợp nghi ngờ hoặc mắc bệnh Mác-bớc, hạn chế thấp nhất trường hợp trở nặng và tử vong.

Sở Y tế cũng chỉ đạo các đơn vị y tế trực thuộc thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân đối với nhân viên y tế và người tiếp xúc với các trường hợp nghi ngờ/mắc bệnh, không để lây nhiễm cho nhân viên y tế cũng như lây lan trong cộng đồng; thực hiện nghiêm việc thông tin, báo cáo giữa các tuyến, cơ sở y tế, đặc biệt khi ghi nhận ca bệnh nghi ngờ, mắc bệnh.

Song song đó, tổ chức tập huấn cho các cơ sở y tế về các biện pháp phòng chống, chăm sóc, điều trị, đặc biệt lưu ý về công tác phòng, chống nhiễm khuẩn và chủ động phối hợp với các sở, ngành, UBND, huyện, TP.Thủ Đức xây dựng kế hoạch đáp ứng theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.

Đặc biệt, cần tập trung vào công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về các yếu tố nguy cơ nhiễm vi-rút Mác-bớc và các biện pháp bảo vệ mà cá nhân có thể thực hiện. Đây được xem là một cách hiệu quả để giảm lây truyền ở người.

Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu - PGĐ Sở Y tế TP, vào thời điểm này, cần khuyến cáo người dân nên hạn chế việc đi du lịch không cần thiết ở các quốc gia đang bùng phát dịch. Đối với người từng đi qua các quốc gia đang có dịch, nếu phát hiện có những triệu chứng nghi ngờ, cần đi khám bệnh ngay tại các cơ sở y tế và cung cấp cho nhân viên y tế đầy đủ thông tin về lịch sử bản thân đi đến vùng có dịch bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời cũng như để hạn chế lây nhiễm.

Bệnh Marburg là một loại bệnh truyền nhiễm cấp tính. Loại bệnh này nằm trong bệnh truyền nhiễm cấp tính do nhóm A gây ra. Bệnh có thể lây nhiễm từ động vật sang người, ổ chứa tự nhiên là loài dơi ăn quả (Rousettus aegyptiacus). Ngoài ra, bệnh còn có thể lây từ động vật linh trưởng sang người. Tỷ lệ tử vong có thể lên đến 88%.

Bình luận (0)

Lên đầu trang